| 14-01-2014 | 00:00:00

Đấu tranh ngăn chặn hàng giả, hàng gian

Thông thường vào dịp cuối năm, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, lợi dụng nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân gia tăng cũng chính là thời cơ cho kẻ xấu tranh thủ đưa hàng giả, hàng gian trà trộn trên thị trường “lập lờ đánh lận con đen” - lừa đảo người tiêu dùng (NTD). Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng gian đã và đang gia tăng; chủ yếu tập trung vào hàng điện máy gia dụng, rượu ngoại, thuốc lá, thực phẩm, quần áo...; số hàng giả bị phát hiện thu giữ gồm cả hàng sản xuất trong nước và hàng sản xuất từ nước ngoài đưa vào tiêu thụ.

 Cho dù các ngành chức năng đã mạnh tay xử lý; song kết quả chưa như mong muốn, số bị phát hiện tịch thu còn ít, số vụ buôn bán hàng giả, hàng gian bị xử lý còn thấp hơn thực tế. Vào thời điểm này, tại một số tỉnh khu vực phía Bắc đang “nóng” lên từng ngày về tình trạng hàng giả, hàng gian tìm cách len lỏi, “vượt rào” để xuất hiện trên thị trường nội địa.

Trước tình hình hoạt động buôn lậu, hàng giả với thủ đoạn phức tạp, gây thất thu ngân sách Nhà nước, tác động xấu đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 2245/ CĐ-TTg ngày 19-12-2013 về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Theo đó, các cấp ngành trong tỉnh từ nhiều tháng qua cũng đã tích cực triển khai công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời hoạt động buôn lậu, mua bán, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng gian, hàng cấm; trong đó chú ý đến các mặt hàng như: Pháo nổ, thuốc lá, rượu, bia, bánh kẹo, thực phẩm… Các lực lượng được bố trí hợp lý, bảo đảm tốt việc kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực chợ đầu mối, bến xe, các tuyến đường bộ, đường sắt... bước đầu ngăn chặn có hiệu quả tình trạng buôn lậu, hàng gian, hàng giả. Các ngành chức năng đã phối hợp trong khâu kiểm soát, kiểm dịch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không để tình trạng vận chuyển thịt bẩn, gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xâm nhập thị trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; đồng thời vận động người dân không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu và kinh doanh hàng giả, hàng gian.

Do chính sách pháp luật về đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả còn chồng chéo, thiếu đồng bộ và chưa hoàn thiện; việc chế tài còn nương nhẹ, biện pháp xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe; lại vướng khâu giám định chất lượng và cách xử lý vi phạm, cách lưu giữ, lấy mẫu gặp hạn chế... nên kẻ xấu vẫn còn tìm cách thâm nhập vào thị trường; bày bán hàng giả, hàng gian để lừa đảo NTD. Dư luận xã hội bất bình với hành vi “buôn gian, bán lận” làm xâm hại đến lợi ích của các doanh nghiệp làm ăn chân chính và thiệt thòi quyền lợi cho NTD. Vì vậy, họ cũng mong luật pháp mạnh tay truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng gian, xâm phạm sở hữu trí tuệ; cần xử phạt nặng, có tính răn đe cao. Cần thiết cũng nên có tổ chức, thiết lập đường dây nóng của các cấp ngành chuyên trách về chống hàng giả; công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những trường hợp cụ thể, khi xét thấy liên quan đến sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội, để người dân biết rõ mà tẩy chay. Hàng lậu, hàng giả, hàng gian luôn là kẻ thù của doanh nghiệp chân chính và NTD - quả là chính xác không sai!

THANH NHÀN

Chia sẻ