| 10-01-2014 | 00:00:00

Hàng Việt đang bị “gây khó”!

 Một cán bộ kiểm kê cho biết, những sản phẩm này dễ dàng nhận ra là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt cũng như giả xuất xứ các nước khác được sản xuất tại Trung Quốc rồi đưa vào Việt Nam tiêu thụ. Rõ ràng, không chỉ là hàng nhập lậu mà còn cả hàng hóa giả nguồn gốc xuất xứ, hoặc hàng hóa nước ngoài chất lượng kém giả hàng hóa có xuất xứ tại Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng. Không thể ngờ một số lượng lớn hàng nhập lậu như vậy lại dám đi qua bằng đường hải quan.

Vì vậy, chúng ta không quá bất ngờ khi hiện nay hàng ngoại (mà chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc) đang tràn lan thị trường. Hàng ngoại không chỉ tràn ngập các chợ, trung tâm thương mại, giờ đây hàng Trung Quốc kém chất lượng còn chễm chệ tại các hội chợ hàng Việt. Một số hội chợ được tổ chức với tiêu chí quảng bá thương hiệu, giới thiệu các sản phẩm của doanh nghiệp trong nước, các mặt hàng của địa phương tới người tiêu dùng. Nhưng thực tế khi khách hàng vào tham quan đều ngạc nhiên vì thấy các sản phẩm hàng hóa lại mang nhãn mác của Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... tràn lan khắp hội chợ. Rõ ràng trong lúc chúng ta đang tuyên truyền, quảng bá hàng Việt với người tiêu dùng trong nước thì thực trạng trên đang làm khó cho hàng Việt.

Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và số lượng được phát hiện trong thời qua chỉ mới phản ánh được một phần của “cuộc chiến” nóng bỏng này. Không biết đã có bao nhiêu hàng lậu len lỏi qua mặt lực lượng chức năng để có mặt trên thị trường từ Bắc chí Nam. Trước tình hình buôn lậu ngày càng gia tăng và phức tạp nhất là vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, các lực lượng chức năng tại các tỉnh, thành phố có cửa khẩu biên giới, lực lượng quản lý thị trường càng phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn hiệu quả vấn nạn hàng lậu có nguy cơ thao túng thị trường.

Đã hơn 4 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Từ đó đến nay, mặc dù cuộc vận động triển khai trong tình hình kinh tế thế giới suy giảm, sức mua trên thị trường giảm sút... nhưng hàng Việt vẫn từng bước chiếm lĩnh thị trường. Thực tế đó cho thấy, cuộc vận động này đã có tác động lan tỏa đến đời sống xã hội, không chỉ chuyển biến về nâng cao nhận thức mà còn tạo chuyển biến về hành động, thành thói quen mua sắm, sử dụng hàng Việt của người tiêu dùng. Có thể nói việc cổ súy, khuyến khích dùng hàng Việt vừa góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp hàng hóa Việt Nam, vừa đẩy lùi hàng ngoại, nhập lậu kém chất lượng…

 NHẬT HUY

Chia sẻ