Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Chuyện tế nhị nên những câu chuyện thi đua đưa ra không chỉ đích danh trường nào, ở địa phương nào? Nhưng người đọc có thể tin đó là sự thật, được kể ra bởi những nhà giáo chân chính và họ mong muốn trò diễn kịch thi đua kia chấm dứt sớm để trả lại sự trong sạch cho môi trường giáo dục nước nhà vốn có quá nhiều chuyện phải lo!
Có nực cười không khi chuyện kể rằng, một cô giáo mang bầu đứa con thứ ba, sở biết chuyện đòi cắt thi đua của hiệu trưởng, hiệu trưởng cãi “Lúc nào cô sinh ra rồi tính chứ biết cô mang cái gì trong người mà lại cắt thi đua”! Cũng chuyện sinh con thứ ba ở một trường nọ, hiệu trưởng bị cắt thi đua, hiệu trưởng cãi rằng: “Tính từ khi mang bầu đến khi sinh thì thời điểm thụ thai thuộc về đời hiệu trưởng trước, không thể cắt thi đua người kế nhiệm được”. Nghe hai câu chuyện trên để thấy được rằng, thi đua nó chẳng ra làm sao, thi đua không còn là chuyện tốt đẹp như vốn có mà đã bị méo mó không thể tưởng tượng.
Lại có chuyện thế này, một anh bảo vệ ở một trường học 3 năm liền đạt lao động giỏi, buộc phải viết sáng kiến lao động. Hỡi ôi, làm anh nhân viên bảo vệ thì viết sáng kiến thế nào đây. Vậy nhưng phải viết theo yêu cầu và anh này đã viết tới 15 trang A4 hẳn hoi để kể về chuyện giữ xe ngăn nắp, trật tự, chuyện tưới cây, tưới hoa trong sân trường. Chuyện thi đua kiểu đó thì đúng là chẳng biết nên bàn luận thế nào! Chưa hết, lại có chuyện vì danh hiệu chiến sĩ thi đua nên có cái sáng kiến nộp lên cấp sở 3 lần trong 3 năm, lần thứ nhất cho loại khá, lần thứ hai cho loại trung bình, nhưng đến lần thứ ba thì đạt loại giỏi. Đúng là “sáng kiến” thật!
Và câu chuyện sau đây mới đạt đến đỉnh điểm nỗi đau của phong trào thi đua trong ngành giáo dục mà nhiều người trong ngành này thường nhắc đến với một sự bất bình không chịu được. Rằng phong trào thi đua dạy giỏi thực chất là một trò diễn kịch không hơn không kém và diễn ra khá phổ biến. Tất cả diễn tiến của những tiết thao giảng hầu như đều chuẩn bị trước, kể cả học sinh cũng “chuẩn bị” theo kiểu mượn học sinh khá giỏi từ lớp khác, cho học sinh kém đi “tạm trú” trong giờ thao giảng! Đúng là “giỏi” sáng kiến thật. Thi đua nặng nề tới mức, có phụ huynh muốn cho con mình ở lại lớp vì nhận thấy năng lực quá yếu sợ không theo kịp bạn bè, nhưng cô giáo chủ nhiệm nhất định… không cho vì sợ mất thi đua!
Thi đua theo những câu chuyện kể vừa nêu đúng là đáng lo cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Mong sao những chuyện trên không là phổ biến!
TRIỆU PHONG