Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
9 tháng năm 2023, lực đỡ cho nền kinh tế tiếp tục nằm ở khu vực dịch vụ với giá trị tăng thêm 6,9%. Nhiều triển vọng mở ra khi các doanh nghiệp (DN) ngày càng chú trọng thị trường trong nước, đầu tư phát triển thương mại dịch vụ.
Thích ứng tốt
Theo nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh, để giữ được tăng trưởng là sự thích nghi với nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Ông Phan Thế Thảo, Giám đốc siêu thị Co.op 30-4, cho biết: “Nhiều DN trong nước đã chú trọng nhiều hơn về chất lượng, sự tiện ích của sản phẩm, nâng cao tính thân thiện, an toàn cho sản phẩm, cũng như triển khai nhiều hoạt động tiếp thị, kích cầu tiêu dùng. DN cũng liên tục cải thiện, linh hoạt nhà cung ứng trong hoạt động kinh doanh, từ trưng bày, nâng cao chất lượng, mẫu mã, thích ứng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, kích cầu tiêu dùng phù hợp”.
Sở Công thương phối hợp tổ chức hội chợ, triển lãm nhằm hỗ trợ DN quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Trong ảnh: Lãnh đạo ngành công thương tham quan một gian hàng tại Hội chợ kết nối giao thương vùng Đông Nam bộ tháng 9-2023 tổ chức tại Bình Dương
Ông Phan Thế Thảo khẳng định xu hướng tiêu dùng xanh, an toàn, bền vững hiện nay được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Thị hiếu người tiêu dùng có nhiều sự thay đổi, đòi hỏi các DN nội địa phải thích nghi, nỗ lực nhiều hơn từ việc cải tiến quy trình sản xuất đến việc đa dạng các kênh tiếp thị, hậu mãi trên nhiều nền tảng… Để có thể cạnh tranh, siêu thị cũng thông tin đến các DN, đặc biệt là các DN địa phương, DN nhỏ và vừa phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới, xác định phân khúc thị trường phù hợp.
Thị trường nội địa vẫn đang là “điểm tựa” cho nhiều DN. Để tận dụng tốt hơn tiềm năng này, các DN cần tiếp tục điều chỉnh cơ cấu sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu và thói quen tiêu dùng trong nước, đồng thời tăng cường quảng bá thương hiệu thông qua các chiến dịch marketing đa nền tảng. Sở Công thương cũng tạo điều kiện để các DN quảng bá, kết nối giao thương thông qua các triển lãm trong nước và quốc tế tổ chức tại Bình Dương.
Mặc dù khó khăn, song nhiều DN khẳng định rằng thị trường nội địa tiềm năng sẽ là “trụ đỡ” giúp phát triển ổn định trong những giai đoạn khó khăn. Bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Công ty gỗ Đức Thành chia sẻ, khi mới bắt đầu kinh doanh tại nội địa, đơn vị cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự linh hoạt, đa dạng về mẫu mã chủng loại, sản phẩm của công ty len lỏi hầu hết hệ thống siêu thị trên toàn quốc, được người tiêu dùng chấp nhận. Trong giai đoạn xuất khẩu gặp khó khăn thì thị trường nội địa cũng hỗ trợ DN bù đắp doanh thu. Nếu như những năm trước, tỷ trọng xuất khẩu của gỗ Đức Thành thường chiếm khoảng 85-86%, thậm chí có lúc 88% so với tổng doanh thu, bây giờ DN đặt ra mục tiêu là năm tới, tỷ trọng nội địa sẽ tăng lên 20%.
Tiếp tục đầu tư phát triển
Ở các thành phố trên địa bàn tỉnh, thương mại dịch vụ được giữ vững, neo giữ đà tăng trưởng của lĩnh vực này trong toàn tỉnh. Theo UBND TP.Dĩ An, tổng giá trị sản xuất, thương mại dịch vụ (TMDV) tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Trong đó, 9 tháng năm 2023 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện trên 93.600 tỷ đồng, đạt 50,91% kế hoạch năm và tăng 9,4% so với cùng kỳ 2022.
Tại địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TMDV tiếp tục là điểm sáng. Trong 9 tháng năm 2023, hoạt động TMDV có chiều hướng tăng, thị trường hàng hóa đa dạng, sức mua của người dân tăng, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia đình, may mặc, giày dép… Đặc biệt, Trung tâm thương mại Sora Gardens SC tại thành phố mới Bình Dương khai trương đi vào hoạt động, đã thu hút nhiều nhà phân phối, bán lẻ uy tín trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình, cho biết tập đoàn này đã làm việc với lãnh đạo TP.Dĩ An về phương án đầu tư phát triển hạ tầng, đầu tư các ngành nghề thuộc lĩnh vực TMDV chất lượng cao trên địa bàn thành phố. Lãnh đạo Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình khẳng định, với điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết nối giao thông liên vùng và định hướng phát triển của địa phương, việc đầu tư phát triển các dự án sẽ được triển khai nhanh chóng, thuận lợi. DN mong muốn lãnh đạo địa phương tăng cường hỗ trợ về cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư, quy hoạch… nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối để các dự án triển khai và đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.
Trong chuyến làm việc mới đây tại Bình Dương, ông Phạm Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương đánh giá với một địa bàn có sức tiêu thụ mạnh như Bình Dương, các DN cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng, mẫu mã hàng hóa, đồng thời tăng cường các hoạt động quảng bá thương hiệu, nắm bắt những thay đổi về thị hiếu tiêu dùng, đẩy mạnh tiếp thị, xúc tiến thương mại để tăng độ nhận diện, thu hút khách hàng. Qua đó giữ thị phần, nâng cao giá trị cạnh tranh ngay trên sân nhà, đặc biệt cần linh động triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại.
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết từ nay đến hết năm 2023, Sở Công thương sẽ thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng cường kết nối giao thương giữa các địa phương để tìm kiếm thị trường mới; tăng cường kiểm soát công tác bình ổn thị trường, bảo đảm không để xảy ra hiện tượng khan hiếm giả tạo hoặc tăng giá cục bộ ở một số mặt hàng. Sở Công thương sẽ làm việc với các địa phương, tập trung giải quyết các khó khăn còn tồn đọng trong sản xuất, kinh doanh cho DN.
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương: Các DN cần tăng cường kết nối với nhau để tạo ra năng lực cạnh tranh tốt hơn. Bên cạnh sự nỗ lực của DN, vai trò của các hiệp hội DN, hiệp hội ngành hàng rất quan trọng trong việc góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho DN, nhất trong hoạt động hỗ trợ kết nối, quảng bá, mở rộng thị trường. |
TIỂU MY - CẨM TÚ