| 07-10-2023 | 09:37:13

Huyện Dầu Tiếng: Khai thác lợi thế, thúc đẩy thương mại - dịch vụ phát triển

Dù là một địa bàn nông nghiệp nhưng huyện Dầu Tiếng lại có những lợi thế nhất định về thương mại, dịch vụ (TMDV) để khai thác, phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Đến thời điểm hiện tại, công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 48,59%, thương mại - dịch vụ 30,54%, nông - lâm - ngư nghiệp chỉ còn 20,87%.


Dầu Tiếng nỗ lực khai thác tiềm năng, phát triển du lịch. Trong ảnh: Khách du lịch dã ngoại tại khu du lịch Bằng Lăng Glamping, xã Định An, huyện Dầu Tiếng. Ảnh: HỒNG THUẬN

Hàng hóa phong phú

Cùng với sự quan tâm sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, huyện Dầu Tiếng có nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy TMDV phát triển nhằm tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, TMDV trên địa bàn phát triển mạnh tập trung ở thị trấn và trung tâm các xã với lĩnh vực kinh doanh như bán buôn, bán lẻ hàng hóa, ăn uống, du lịch...

Những năm gần đây hạ tầng thương mại trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Chợ được đầu tư mới, các cửa hàng tiện ích, siêu thị mini, cửa hàng buôn bán ngày càng nhiều, phong phú về chủng loại, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Dễ dàng nhận thấy khu vực trung tâm huyện Dầu Tiếng là nơi tập trung khá đa dạng các loại hình dịch vụ từ ẩm thực, quán cà phê đến chợ dân sinh. Chị Nguyễn Thị Lan, chủ cửa hàng bán mũ nón tại chợ Dầu Tiếng, thị trấn Dầu Tiếng, cho biết cửa hàng có số lượng khách ổn định, chủ yếu là người dân địa phương.

Là xã xa trung tâm huyện, Minh Tân chú trọng đầu tư hạ tầng thương mại nông thôn góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Ông Phạm Bình Long, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết xã có chợ truyền thống Minh Tân được xây dựng năm 2015 đủ các hạng mục, ngoài nhà lồng chợ, xung quanh có 87 căn nhà phố. Chợ hiện đang hoạt động ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân trên địa bàn. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có một cửa hàng tiện ích với diện tích xây dựng 380m2, có đầy đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết, bảo đảm về an toàn thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện, để phù hợp với đặc thù địa bàn nông thôn, huyện thực hiện đầu tư mới các chợ theo kế hoạch, kêu gọi đầu tư, phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ lưu trú. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng tổ chức các chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” và bán hàng bình ổn giá, chú trọng hoạt động quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Để phát triển dịch vụ nông thôn, thời gian tới huyện tiếp tục hiện đại hóa kết cấu hạ tầng thương mại, chú trọng xây mới các chợ ở những xã có nhu cầu và nâng cấp mạng lưới chợ hiện tại; đồng thời đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn theo hướng khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tạo điều kiện để liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp.

Khai thác tiềm năng du lịch

Huyện Dầu Tiếng có tiềm năng phát triển kinh tế từ du lịch với hệ thống sông Sài Gòn, sông Thị Tính, hồ Dầu Tiếng, hồ Cần Nôm. Khu vực hồ Dầu Tiếng phù hợp cho tham quan bằng du thuyền, thưởng thức các món đặc sản tự nhiên, câu cá dã ngoại, tâm linh và trải nghiệm vườn cây ăn quả. Ngoài ra, các điểm đến như bãi Đá Trứng, Bằng Lăng, Đotchampa... là nơi để du khách khám phá vào các dịp cuối tuần, ngày lễ. Hiện các điểm du lịch này cần hoàn thiện pháp lý để đi vào hoạt động bền vững hơn.

Theo ông Đặng Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An, ấp Cần Giăng có thế mạnh về cây có múi ven hồ Cần Nôm là điều kiện để phát triển du lịch sinh thái. Việc khai thác thế mạnh từng địa phương để phát triển dịch vụ du lịch sẽ giúp quảng bá sản phẩm đặc trưng, tăng thêm thu nhập, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Thực tế cho thấy, phát triển kinh tế du lịch sẽ góp phần thúc đẩy thế mạnh ngành dịch vụ của địa phương. Chính vì vậy, định hướng của huyện là tiếp tục xây dựng kết nối các sản phẩm du lịch, các tuyến du lịch với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ để phục vụ du khách; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá và xây dựng hình ảnh du lịch Dầu Tiếng đặc trưng, ấn tượng và hấp dẫn, hình thành các điểm bán sản phẩm quà lưu niệm, điểm dừng chân. Bên cạnh đó là ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch của địa phương.

Trong tháng 8 năm 2023, tình hình hoạt động TMDV trên địa bàn huyện tương đối ổn định. Huyện thường xuyên kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu. Hoạt động vận tải hàng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp. Trong tháng 8-2023 huyện đã cấp 73 giấy chứng nhận kinh doanh cho các cá nhân, hộ kinh doanh cá thể với tổng số vốn đăng ký 16,8 tỷ đồng.

TIẾN HẠNH

Chia sẻ