Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Chuyển đổi số (CĐS) ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại, phát triển hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững.
Mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại Công ty Cổ phần 3F Việt (Xã An Lập, huyện Phú Giáo)
Sự cần thiết
CĐS là giải pháp quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp (DN) sản xuất nông sản chất lượng, chi phí thấp nhất, đạt lợi nhuận cao nhất. Mục tiêu này cũng đang được kỳ vọng tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản. Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg về phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện. CĐS NN&PTNT là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả hệ thống, của ngành, DN, khoa học công nghệ và đặc biệt là người nông dân, là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại.
Việc thực hiện CĐS bước đầu đã được áp dụng ở các ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp mang lại những kết quả hết sức khả quan. Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như tôm, cá tra, sản phẩm gỗ… Bên cạnh đó, việc sử dụng internet đã giúp đơn giản hóa và hợp lý hóa công tác thu thập, kiểm tra, phân phối tổng thể tài nguyên nông nghiệp. Các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch, bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn...
Tuy nhiên, quy mô ứng dụng CĐS còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương. Nguyên nhân được đưa ra chính là do cơ sở hạ tầng cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp, trình độ cơ giới hóa sản xuất còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ chưa tương xứng. Nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) rất hạn chế…
Phát triển nông nghiệp thông minh
Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, CĐS đã trở thành nhu cầu, đòi hỏi tất yếu trong phát triển. Những năm qua, Bình Dương đã thúc đẩy mạnh mẽ CĐS thông qua ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính, đổi mới phương thức làm việc phục vụ nhân dân, chính quyền số, phát triển bền vững, xây dựng thành phố thông minh.
Ngành NN&PTNT đã triển khai thực hiện Kế hoạch số 3248/ KH-UBND của UBND tỉnh về kế hoạch phát triển thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025, đồng thời cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng CĐS thực hiện một số giải pháp trong quản lý, tổ chức sản xuất, bán sản phẩm nông sản thông qua các giải pháp ứng dụng công nghệ, các kênh bán hàng trực tuyến. Trong năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc bán hàng online được xem là kênh tiêu thụ sản phẩm được nhiều tổ chức và cá nhân lựa chọn. Người tiêu dùng truy cập internet và tìm kiếm sản phẩm mua sắm trên kênh online ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê, đến thời điểm này đã có hơn 17.000 tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp đăng ký tài khoản để giao dịch mua - bán trên sàn TMĐT.
Ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết CĐS trong nông nghiệp là một định hướng tất yếu, đặc biệt là các giải pháp số hóa dữ liệu trong quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc và tổ chức các hoạt động TMĐT. Cụ thể như các giải pháp về quản lý, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản và bán hàng thông qua các ứng dụng trực tuyến. Đây là bước đầu để các cơ quan quản lý, các cơ sở sản xuất nắm được ý nghĩa, phương pháp của việc ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu trong quản lý sản xuất và bán sản phẩm nông sản. Các trang trại, DN, hợp tác xã sớm ứng dụng vào sản xuất, khai thác hết tiềm năng của nông nghiệp Bình Dương.
Trong năm 2022, ngành NN&PTNT sẽ tập trung thực hiện các nội dung về CĐS. Xây dựng và phát triển nền tảng CĐS với các nhiệm vụ trọng tâm như chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng số, nền tảng dữ liệu số. CĐS trong cải cách hành chính, rà soát các thủ tục, quy trình nghiệp vụ theo hướng đơn giản hóa hoặc thay đổi phù hợp để có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ số, phấn đấu 100% thủ tục hành chính phát sinh hồ sơ thực hiện mức độ 4 trên phần mềm một cửa điện tử của tỉnh.
Cùng với đó, phát triển TMĐT trong tiêu thụ nông sản, phấn đấu toàn bộ sản phẩm OCOP khi được UBND tỉnh công nhận đều đưa lên các sàn TMĐT. Triển khai áp dụng các hệ thống phần mềm quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc cho các cơ sở, DN tham gia vào các sàn TMĐT. Mặt khác, xây dựng cơ sở dữ liệu các lĩnh vực của ngành, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm; đồng thời ứng dụng CĐS trong sản xuất, xúc tiến thương mại lĩnh vực nông nghiệp.
THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC