| 21-09-2018 | 09:48:30

Đẩy mạnh phát triển sản phẩm công nghiệp địa phương

Thời gian qua, UBND tỉnh và ngành Công Thương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nhằm đẩy mạnh sự phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, tạo ra đóng góp nhiều hơn vào giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước.

Đẩy mạnh phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn

Trong những năm qua, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi về tài chính, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại đối với các doanh nghiệp có các sản phẩm công nghiệp địa phương. Sở Công Thương đã tập trung phát triển các ngành hàng, nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, chú trọng các nhóm sản phẩm chủ lực và sản phẩm có thương hiệu uy tín thuộc các ngành gỗ, gốm sứ, cơ khí - điện tử, dệt may - da giày, chế biến lương thực - thực phẩm, sơn mài... Từ năm 2006 đến nay, tỉnh thường xuyên đánh giá, xét chọn, công nhận và công nhận lại các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Trong đó, tiêu chí bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của từng cấp được đánh giá cụ thể theo từng nhóm sản phẩm (gồm tiêu chí về đáp ứng thị trường và khả năng phát triển sản xuất; Tiêu chí về kinh tế - kỹ thuật - xã hội và môi trường; Tiêu chí về tính văn hóa và thẩm mỹ; Tiêu chí khác).


Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì bình chọn sản phẩm Công nghiệp tiêu biểu năm 2017

Theo bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Công Thương thì năm 2017, trong tiêu chí Bình Chọn sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu Sở tiêu chí quan trọng nhất của Ban tổ chức đặt ra là lựa chọn những sản phẩm có tính ứng dụng cao, có thể mở rộng sản xuất, tạo ra nhiều việc làm. Vì vậy, sau khi công nhận và tôn vinh các sản phẩm này, Sở Công Thương sẽ quan tâm đến việc hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển sản phẩm, thị trường: “Trên cơ sở công nhận sản phẩm tiêu biểu sở sẽ tiếp tục có các chương trình hỗ trợ về ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ thông qua các chương trình khuyến công… từ đó giúp doanh nghiệp có điều kiện nâng cao năng suất lao động và bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp cũng sẽ được quan tâm nhiều hơn trong các chương trình xúc tiến thương mại, đăng ký thương hiệu, hỗ trợ truyền thông, hội chợ triển lãm cũng như tham gia xây dựng các sàn giao dịch điện tử. Sở Công Thương sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tham gia đào tạo, tập huấn; bảo hộ nhãn hiệu của doanh nghiệp; nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm; hỗ trợ các hoạt động truyền thông, quảng bá; tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm để doanh nghiệp có cơ hội giao thương, phát triển thị trường...

Với sự hỗ trợ, ưu đãi của tỉnh về vốn, thuế, quảng bá hình ảnh và xúc tiến thương mại, phần lớn các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực đều ổn định sản xuất, tăng doanh thu và có lợi nhuận. Trong năm 2018, sự hỗ trợ của tỉnh cùng với nỗ lực của chính doanh nghiệp, nhiều đơn vị có sản phẩm công nghiệp chủ lực đã đạt chỉ tiêu về sản xuất, kinh doanh bảo đảm bằng hoặc cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Nhiều thương hiệu đã gắn bó với người dân Bình Dương, các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu đi nhiều khu vực như sản phẩm của Công ty Cổ phần Cơ điện Sáng Ban Mai, Công ty Nghệ Năng, các thương hiệu gốm sứ… Tuy nhiên, nhiều nguồn lực của tỉnh đến nay các doanh nghiệp chưa khai thác hiệu quả; hệ số ICOR (hệ số sử dụng vốn) vẫn còn ở mức cao; chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh ở cả ba cấp độ: Cấp tỉnh, doanh nghiệp và sản phẩm vẫn còn ở mức trung bình; các sản phẩm chủ lực có thương hiệu còn ít.

Lãnh đạo ngành Công Thương Bình Dương tiếp tục chỉ đạo sát việc thực hiện chính sách khuyến công nhằm thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có trọng tâm, trọng điểm cho các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực của tỉnh trên cơ sở tận dụng mọi nguồn lực của địa phương. Chú trọng khuyến khích các đề án ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và tăng cường công tác chuyển giao công nghệ mới nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Giảm thiểu việc xây dựng chương trình, đề án dàn trải, nhỏ lẻ, tăng cường xây dựng đề án mang tính liên kết, mở rộng. Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động khuyến công tới các doanh nghiệp. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phong phú, đa dạng với nội dung thiết thực, phù hợp với từng đối tượng.

Quy hoạch đồng bộ hướng đến phát triển bền vững

Những năm qua, các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại Bình Dương đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển tự phát và không theo quy hoạch đã làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý công nghiệp. Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn, Sở Công Thương đã triển khai nhiều đề án thực hiện quy hoạch các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh nhằm tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng bền vững đúng với định hướng phát triển mà nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Khó khăn nhất hiện nay là việc kêu gọi thúc đẩy thu hút đầu tư vào các CCN. Bên cạnh nhiều doanh nghiệp mong muốn được vào CCN để giải quyết vấn đề mặt bằng sản xuất và ô nhiễm môi trường thì vẫn còn không ít doanh nghiệp lo ngại vì tập trung vào CCN sẽ gặp khó khăn về nguồn lao động. Mặt khác, chủ yếu các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ nên thường tận dụng mặt bằng nhà ở để làm nơi sản xuất; nếu vào CCN, ngoài việc được hưởng lợi từ hạ tầng kỹ thuật như điện, đường, hệ thống xử lý nước thải, thì doanh nghiệp cũng phải bỏ vốn để đầu tư nhà xưởng và các trang thiết bị khác, đây là vấn đề còn nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, Sở Công Thương hiện đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu nhằm đẩy mạnh việc lựa chọn các giải pháp nhiều giải pháp. Trong đó đặc biệt quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông hoàn thiện, hạ tầng công nghiệp, thương mại, dịch vụ cùng với chính sách ưu đãi hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư.

Để tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn, tỉnh Bình Dương đã xây dựng nhiều đề án nhằm phát triển doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ… Các đề án đều hướng đến mục tiêu tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp; tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng và huy động các nguồn lực hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh trợ giúp doanh nghiệp đổi mới nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, chú trọng nâng cao năng lực quản trị kinh doanh; hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ cung cấp thông tin và tư vấn cho các doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp lớn;  hoàn thiện chính sách pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước... Đặc biệt, Sở Công Thương rất chú trọng tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất tại các khu, CCN, cụm ngành nghề CNNT; giúp doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ; đào tạo nâng cao trình độ quản trị kinh doanh cho chủ doanh nghiệp và cán bộ quản lý doanh nghiệp. Trong đó ưu tiên doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ cung cấp thông tin thông qua đề án xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông sản nhằm ổn định, hỗ trợ đầu ra cho sản xuất nông nghiệp và chế biến...

Với những chính sách hỗ trợ, ưu đãi của tỉnh, sự nỗ lực của ngành Công Thương, chúng ta có quyền kỳ vọng các sản phẩm công nghiệp địa phương sẽ vươn xa góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà theo hướng bền vững, đóng góp chung vào công cuộc đổi mới và hội nhập của cả nước.

TIỂU MY

Chia sẻ