| 02-03-2021 | 08:29:14

Đẹp lung linh những “Thiên thần áo trắng”

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với rất nhiều y, bác sĩ với những cống hiến rất đáng trân trọng. Bỏ lại sau lưng chút băn khoăn ban đầu với những niềm vui riêng bên người thân, gia đình, những “Thiên thần áo trắng” này tình nguyện xung phong vào cuộc chiến chống dịch...


Không ngại khó khăn, nguy hiểm, những chiến sĩ áo trắng ngành y tế Thuận An vẫn xung phong vào trận chống dịch

Xông pha chống dịch

Người dân ấp Cà Na, xã An Bình, huyện Phú Giáo nay đã trở lại với nhịp sống sinh hoạt trong trạng thái bình thường mới. Ai cũng phấn khởi khi tình hình dịch bệnh Covid-19 ở đây được kiểm soát tốt, không khí cuộc sống “dễ thở” hơn. Bác sĩ (BS) Lê Thị Mậu, Phó khoa Kiểm soát dịch bệnh - Phòng chống HIV/AIDS Trung tâm y tế (TTYT) huyện Phú Giáo không nén được niềm xúc động khi nói về những ngày chống “giặc” Covid-19 nơi đây. Là người trực tiếp lăn xả trong cuộc chiến chống dịch trên địa bàn huyện trong đợt dịch bùng phát vừa qua, bản thân chị hiểu rõ dịch bệnh có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, cuộc sống sinh hoạt, việc làm của tất cả mọi người như thế nào. Bởi thế, dù là thân gái, xa gia đình, xa con nhỏ trong nhiều ngày liền nhưng chị đã không ngần ngại, lùi bước khi chiến đấu với dịch Covid-19 với bao nguy hiểm chực chờ.

BS Mậu bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tham gia chống dịch nơi đây khi chị cùng đồng nghiệp làm việc liên tục, không nghỉ ngơi mới truy vết hết những trường hợp F1, F2 liên quan đến ca bệnh đầu tiên ở ấp Cà Na, xã An Bình. Công việc này bắt đầu liên tục từ sáng 29-1 đến khoảng 3 giờ sáng hôm sau (30-1) mới xong và những trường hợp F1 đều được đưa đi cách ly tập trung. BS Mậu chia sẻ, đưa mọi người đi cách ly xong cũng 4 giờ sáng. Lúc đó chị và các đồng nghiệp rất mệt vì làm việc liên tục, không ngơi nghỉ. Ai cũng mong nhanh chóng truy vết hết các trường hợp liên quan nên đều cố gắng hết sức. “Mọi người về làm báo cáo, phân chia công việc rồi lại tiếp tục lên đường đi truy vết những đối tượng liên quan đến những trường hợp F1. Những trường hợp này liên quan đến 4 địa phương, nên anh chị em trong đội phản ứng nhanh phải làm việc liên tục 5 ngày 5 đêm, gần như thức trắng mới xong việc. Dù không nói ra nhưng ai cũng rất mệt, vì không được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, nhưng với quyết tâm cao và đoàn kết, đồng lòng, mọi người động viên nhau cùng cố gắng làm sao để kiểm soát nguy cơ lây lan dịch bệnh đến mức thấp nhất. Vì nếu để dịch lây lan thì mình còn vất vả hơn rất nhiều”, BS Mậu chia sẻ.

Từ cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mới thấy rõ hơn trọng trách chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới của đội ngũ y, bác sĩ của ngành y tế tỉnh nhà. Có những người, dù chưa được gọi tên nhưng vẫn xung phong làm nhiệm vụ tại các khu phong tỏa, khu cách ly. BS Bồ Huỳnh Nhật Trường, TTYT TP.Thuận An là một trong những số đó. Khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19 tại chung cư Ehome 4, phường Vĩnh Phú, các khu cách ly tập trung tại TP.Thuận An đã đưa vào vận hành, trong đó có trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore. Dù làm việc trong điều kiện tiềm ẩn nguy cơ bị lây nhiễm Covid-19 nhưng BS Trường vẫn không ngại khó khăn, nguy hiểm.

Nhìn vẻ bề ngoài thư sinh của anh, thường ngày đồng nghiệp hay gọi đùa anh là “Trường công tử”. Vậy mà khi tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, BS Trường đã lăn xả hết mình, làm việc quên ngày đêm, chăm sóc sức khỏe người cách ly tận tình, đồng thời động viên tinh thần để họ vượt qua nỗi lo lắng, thực hiện hoàn thành thời gian cách ly. “Nhiệm vụ của chúng tôi là hàng ngày đo, kiểm tra thân nhiệt của người cách ly. Với những người bị cảm, ho, nóng sốt... chúng tôi kê thuốc uống và theo dõi sức khỏe liên tục. Do nhân lực ít, trong khi có đến 165 người cách ly nên chúng tôi làm cả nhiệm vụ ngoài chuyên môn, không nề hà bất cứ việc gì. Đó là sắp xếp phòng, chuẩn bị vật dụng, mùng mền... cho người vào cách ly”, BS Trường tâm sự.

Những câu chuyện đẹp

Với mỗi người dân Việt Nam, Tết Nguyên đán là dịp sum họp gia đình, nhưng với nhiệm vụ được giao, với tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc, các “Chiến sĩ áo trắng” đã gác lại niềm vui riêng bên người thân, bên gia đình, tình nguyện xung phong vào trận chiến. Có rất nhiều câu chuyện cảm động đã được viết lên trong thời điểm này. Đó là câu chuyện của BS Hoàng Thị Nguyệt, Phòng khám Đa khoa khu vực phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An. Khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, chị và những đồng nghiệp ở phòng khám chính là lực lượng phục vụ trực tiếp trong suốt thời gian phong tỏa cách ly y tế Khu dân cư Ehome 4. Với trách nhiệm cao cả của người thầy thuốc đối với cộng đồng, BS Nguyệt đã giao con nhỏ mới 19 tháng tuổi cho chồng chăm sóc. Điều xúc động là đang làm nhiệm vụ giữa chừng thì chị nhận được tin chồng lên cơn đau quặn thận phải nhập viện cấp cứu. Chia sẻ với chúng tôi, BS Nguyệt thật tình: “Con nhỏ giao chồng chăm sóc rồi, giờ chồng phải đi cấp cứu nữa tình hình không biết thế nào, mình là vợ không lo lắng sao được. Ở trong khu vực phong tỏa không ra ngoài được, nên cứ đứng ngồi không yên. Cũng may, được lãnh đạo TTYT thành phố quan tâm, chia sẻ, động viên kịp thời, chồng tôi được cấp cứu, mổ thận ở TTYT thành phố nên tôi cũng yên tâm, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ đến khi khu phong tỏa được dỡ bỏ...”.


Đoạn tin nhắn giữa mẹ con bác sĩ Mậu trong những ngày chị tạm xa con gái để tham gia phòng, chống dịch

BS Mậu cũng là người mẹ để lại con nhỏ cho ông bà chăm sóc để làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong những ngày Tết Nguyên đán vừa qua. Chồng chị công tác trong quân đội và cũng đang tham gia phòng, chống dịch ở TP.Thủ Dầu Một. Đặc biệt, vào những ngày “năm hết tết đến”, những người mẹ như BS Mậu lại càng thấy nhớ thương con nhiều hơn. Ngày tết, ai cũng muốn quây quần bên gia đình, rộn ràng chuẩn bị tết, đưa con đi mua sắm áo quần mới... nhưng năm nay chị phải tham gia phòng, chống dịch bệnh nên không làm được điều đó cho gia đình, cho con nhỏ. Như hiểu được nỗi vất vả của mẹ, con gái của chị thường nhắn tin trò chuyện với mẹ. Sau những cuộc trò chuyện với mẹ và được mẹ giải thích, động viên, con gái BS Mậu cũng động viên lại mẹ rằng: “Vậy hai mẹ con mình sẽ cố gắng hết sức nhé”, “Cố gắng đánh con corona này chết luôn...”. Chính những câu nói của con nhỏ là động lực tiếp thêm sức mạnh cho chị cố gắng hơn để chung tay cùng đồng nghiệp, cùng địa phương sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt và những “Chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu chống dịch đã góp rất nhiều công sức cho cuộc chiến chống dịch không ít hiểm nguy này. Không ngại nguy hiểm, những “Chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu làm nhiệm vụ chống dịch luôn âm thầm, miệt mài làm việc vì sức khỏe nhân dân. Chính những hy sinh thầm lặng đó của họ đã góp phần tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

 HỒNG THUẬN - ÁNH SÁNG

Chia sẻ