| 26-03-2021 | 08:41:49

Dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp thêm niềm tin

Đến thời điểm hiện tại, có thể nói việc khống chế thành công dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam và địa phương đã tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp (DN) trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh.

 

Hoạt động sản xuất tại Công ty Gre Apha Electronics (KCN VSIP 2 mở rộng)

 Tiềm năng tăng trưởng mạnh

Theo ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty thép Đại Thiên Lộc, hiệu quả trong việc chủ động kiểm soát tốt đại dịch, sự ổn định về kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện là điều kiện tốt để DN địa phương phát triển. Riêng ngành thép, bước vào tháng 1-2021, nhu cầu sử dụng nhiều nên giá thép có bước tăng trưởng cao. Riêng Công ty Đại Thiên Lộc hiện đang tính toán cho những câu chuyện đường dài, hướng đến phát triển bền vững trong sản xuất và xuất khẩu.

Lãnh đạo một số DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho rằng từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp của nhiều nước trên thế giới dẫn đến có nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ phải đóng cửa hàng loạt các nhà máy, số đơn hàng dịch chuyển về nhà máy tại Bình Dương ngày càng nhiều. Do đó, các tập đoàn đa quốc gia đã có những cuộc đàm phán, phân bố lại chuỗi cung ứng toàn cầu để không quá lệ thuộc vào một vài thị trường lớn.

Ông Li Li, Giám đốc Công ty Gre Apha Electronics (KCN VSIP 2 mở rộng), cho rằng trong thời gian qua, rất nhiều đơn hàng dịch chuyển về Bình Dương và nhà máy đã mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu. Trong đó, DN cũng ưu tiên tìm kiếm nhiều dự án công nghiệp hỗ trợ thuộc ngành nghề này, đang ưu tiên mời gọi những DN trong tỉnh. Nếu liên kết cung cấp sản phẩm cho những tập đoàn lớn của thế giới và là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu thì các DN Việt sẽ có cơ hội phát triển.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Nguyễn Hoàng Thao, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết giai đoạn 2021-2025 tỉnh đặt ra chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 8,5 - 8,7%/năm. Cơ cấu kinh tế với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 8,7%/ năm. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao đòi hỏi công tác phòng, chống dịch phải được ưu tiên hàng đầu, từ đó duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, hạn chế tối đa tác động đến nền kinh tế.

Trong năm 2021, tỉnh sẽ rà soát, tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở phát triển kinh tế, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Đồng thời, tỉnh sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu cho hàng hóa địa phương. Tỉnh sẽ huy động các nguồn lực xây dựng, phát triển nhanh, bền vững hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, thúc đẩy chuyển đổi số, công nghệ số vào mọi lĩnh vực, góp phần cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho người dân và DN.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình hành động phát triển kinh tế tư nhân, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả DN nhà nước; nghiên cứu, triển khai các mô hình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp với nhu cầu kinh doanh trong kỷ nguyên số; tiếp tục thực hiện và xây dựng các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh; tạo đột phá thu hút các nguồn vốn theo phương thức đối tác công - tư để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án có sức lan tỏa rộng.

Qua khảo sát cho thấy, sau đại dịch cộng đồng DN quan tâm các vấn đề căn cơ, vĩ mô của nền kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ hơn các giải pháp cải thiện hệ thống pháp luật và tháo gỡ các trở ngại, cải thiện môi trường kinh doanh. Ông Nguyễn Thanh Nghĩa cũng cho rằng, thời gian qua, Bình Dương đã làm tốt công tác “Đồng hành cùng DN”, đồng thời mong muốn tỉnh tiếp tục đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi hơn. Các DN mong muốn được tiếp cận với các chính sách trọng điểm để phát triển sản xuất.

“Đối với cộng đồng DN nhỏ và vừa như chúng tôi, việc đầu tư cho nhà xưởng, máy móc tốn rất nhiều chi phí. DN cũng đang tìm hiểu chương trình hỗ trợ đổi mới máy móc công nghệ của tỉnh để thay đổi, vươn lên”, bà Phạm Thị Bích Hà, Giám đốc Công ty Long Hưng (TP.Thuận An) kiến nghị.

 TIỂU MY

Chia sẻ