| 02-02-2021 | 06:36:52

Dịch COVID-19: Châu Âu thuyên giảm, châu Á siết chặt biện pháp hạn chế

 

Một cụ bà được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại L'Hospitalet de Llobregat, Tây Ban Nha ngày 27/12/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 22 giờ ngày 1/2, toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 103.613.147 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.239.771 ca tử vong.

Hơn 75,22 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 26,14 triệu bệnh nhân đang điều trị.

Tại Mỹ Latinh, Mexico thông báo sân bay quốc tế Bemotp Juarez ở thủ đô Mexico City có kế hoạch mở các cơ sở xét nghiệm COVID-19 cho hành khách nhập cảnh có nhu cầu.

Theo đó, sân bay này sẽ phối hợp với các hãng hàng không để thiết lập các phòng xét nghiệm COVID-19 ở bên ngoài các nhà ga.

Các khu vực khác cũng có thể được sử dụng làm nơi xét nghiệm nếu cần thiết.

Quyết định trên đã được Cơ quan quản lý y tế Mexico COFEPRIS thông qua trong bối cảnh ngày càng nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, Canada và các nước châu Âu, yêu cầu hành khách nhập cảnh bằng đường hàng không phải trình giấy chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2.

Tại châu Âu, do dịch bệnh có dấu hiệu thuyên giảm, một số nước đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế vốn được áp đặt trước đó nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Cụ thể, Italy bắt đầu nới lỏng các hạn chế tại 16 trên tổng số 20 vùng của nước này.

Trong số các vùng được nới lỏng hạn chế nói trên, Lazio (vùng có thủ đô Rome) và Lombardy (vùng có thành phố Milan), chuyển từ cấp độ nguy hiểm màu “cam” sang “vàng,” căn cứ mức độ lây nhiễm đã giảm bớt.

Lâu nay Italy phân loại mức độ nguy hiểm của dịch bệnh ở 3 cấp gồm đỏ là mức nguy hiểm cao nhất, tiếp theo là cam, vàng.

Tại những vùng được nới lỏng hạn chế, các quán bar, càphê và nhà hàng được phép phục vụ khách tại bàn vào ban ngày. Nhưng kể từ 18 giờ trở đi, khách hàng chỉ được mua mang về.

Các bảo tàng ở những vùng này cũng được phép mở cửa trở lại. Tuy nhiên, Italy vẫn tiếp tục áp dụng lệnh giới nghiêm từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau.

Bên cạnh đó, việc đi lại giữa các vùng vẫn bị cấm. Hiện chỉ còn một vài vùng của Italy đang ở mức “cam,” trong đó có Sicily. Chỉ số lây nhiễm trung bình ở Italy trong khoảng thời gian từ ngày 6-19/1 đã giảm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo hiện vẫn còn quá sớm để Italy nới lỏng các biện pháp hạn chế do tình hình dịch bệnh ở nước này vẫn phức tạp.

Còn Hà Lan cũng thông báo tất cả các trường tiểu học tại nước này sẽ được phép mở cửa trở lại từ ngày 8/2.

Đây là kế hoạch nới lỏng lần đầu tiên kể từ khi nước này áp đặt các biện pháp phong tỏa chống dịch COVID-19 trong nhiều tháng qua.

Theo Ủy ban giám sát dịch bệnh, cơ quan tư vấn của chính phủ về đại dịch COVID-19, việc các trường tiểu học hoạt động bình thường trở lại trong điều kiện số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã giảm trong những ngày qua là hợp lý. Tuy nhiên, các trường phổ thông cơ sở và nhà trẻ vẫn đóng cửa.

Trước đó, từ ngày 16/12/2020, chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte chỉ đạo đóng cửa và ngừng mọi hoạt động dạy và học tại các trường tiểu học tại Hà Lan, như một phần trong kế hoạch phong tỏa chống dịch trên cả nước.

Ngày 12/1, lệnh phong tỏa này được gia hạn đến hết ngày 9/2.

Tại Ba Lan, các bảo tàng, phòng triển lãm, thư viện và trung tâm thương mại bắt đầu mở cửa trở lại, trong bối cảnh nước này đang dỡ bỏ một số hạn chế phòng dịch COVID-19. Tuy nhiên, hầu hết các trường học tiếp tục đóng cửa cho đến ít nhất là tháng Ba.

Các quán bar, nhà hàng, khách sạn, hộp đêm và phòng tập gym cũng chưa thể hoạt động trở lại sau ngày 14/2.

Chính phủ kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch để tránh nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ ba.

Tại Trung Đông, Nội các Israel đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc tới ngày 5/2 nhằm hạn chế tốc độ lây lan của dịch COVID-19.

Trước đó, lệnh phong tỏa 36 ngày được áp đặt tại Israel từ ngày 27/12/2020 và dự kiến kết thúc vào ngày 2/1.

Tuy nhiên, giới chức y tế nước này cho rằng do cuộc khủng hoảng y tế chưa có cải thiện, cần kéo dài lệnh phong tỏa đến ngày 5/2 và đây là đợt phong tỏa thứ 3 trên quy mô toàn quốc kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này hồi cuối tháng 2 năm ngoái.

Trong thời gian phong tỏa, người dân không được phép di chuyển quá phạm vi bán kính 1km tính từ nhà riêng, ngoại trừ những người làm công việc thiết yếu và những người đi tiêm vắcxin hoặc mua thực phẩm. Riêng lệnh cấm các chuyến bay quốc tế vẫn có hiệu lực đến ngày 7/2.

Tại châu Á, nhiều nước và vùng lãnh thổ tiếp tục siết chặt biện pháp phòng chống dịch do số ca nhiễm và tử vong vẫn gia tăng.

Cụ thể, một loạt bang và vùng lãnh thổ ở Australia đã siết chặt quy định kiểm dịch đối với những người đến từ bang Western Australia sau khi một nhân viên kiểm dịch cách ly ở bang này có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, toàn khu vực đô thị Perth, thủ phủ bang Western Australia, cũng như khu vực Peel và South West đã áp dụng lệnh phong tỏa trong 5 ngày, kể từ ngày 31/1.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Sydney. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tất cả những người đến từ 3 khu vực điểm nóng ở Western Australia phải cách ly bắt buộc 14 ngày tại khách sạn.

Trong khi đó, bang Victoria cấm tất cả những người đến từ các khu vực bị phong tỏa nói trên kể từ đêm 30/1.

Những người hiện có mặt ở Queensland và Victoria nhưng đã từng đến 3 khu vực trên sẽ phải tiến hành xét nghiệm và cách ly cho đến khi có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

Còn chính quyền bang New South Wales (NSW) yêu cầu những người đến từ bang Western Australia phải thực hiện nghiêm quy định ở nhà, xét nghiệm COVID-19 và cách ly trong 14 ngày.

Trong khi đó, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) có kế hoạch gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội thêm 2 tuần, cho đến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đồng thời siết chặt các quy định về xét nghiệm COVID-19.

Như vậy, các biện pháp giãn cách xã hội ở Hong Kong, trong đó có lệnh cấm trên 2 người tụ tập và ăn uống tại nhà hàng sau 18 giờ hằng ngày, sẽ tiếp tục có hiệu lực đến ngày 17/2 tới.

Ngoài ra, tất cả người dân sống ở chung cư sẽ phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 bắt buộc nếu tòa chung cư đó phát hiện một ca nhiễm không thể truy vết nguồn gốc. Các trường học sẽ tiếp tục đóng cửa.

Liên quan tới chương trình tiêm phòng COVID-19, Hàn Quốc quyết định tiêm vắcxin phòng COVID-19 miễn phí cho người nước ngoài cư trú dài hạn và tham gia bảo hiểm y tế ở nước này.

Thứ tự tiêm phòng cho người nước ngoài cũng áp dụng tương tự như thứ tự tiêm phòng cho người dân Hàn Quốc.

Tuy nhiên, khách du lịch hay người nước ngoài cư trú ngắn hạn, như lao động thời vụ thuộc quản lý của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, sẽ được cơ quan này xem xét có cần thiết tiêm phòng hay không dựa trên nguyên tắc "bảo vệ sức khỏe người dân".

Trong khi đó, Indonesia có kế hoạch tiếp nhận khoảng 23,1 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca trong quý 1/2020 trong khuôn khổ Cơ chế tiếp cận vắcxin toàn cầu (COVAX) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng phòng chống dịch (CEPI) và Liên minh vắcxin toàn cầu (GAVI) đứng đầu.

Dự kiến, Indonesia có thể tiếp nhận tối đa 108 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 theo cơ chế COVAX.

Số vắcxin do cơ chế này cung cấp sẽ tạo thuận lợi cho Chính phủ Indonesia đẩy nhanh chương trình tiêm chủng quốc gia được khởi động hôm 13/1 vừa qua.

Australia công bố kế hoạch đến tháng 10 tới tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 cho toàn bộ người dân nước này.

Để đáp ứng mục tiêu này, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã công bố khoản tài chính 1,9 tỷ AUD (1,4 tỷ USD) hỗ trợ kế hoạch tiêm chủng./.

Theo TTXVN

Chia sẻ