Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Sốt xuất huyết (SXH) Dengue là một bệnh truyền nhiễm gây dịch do một loại vi rút thuộc họ Flaviviridae. Vi rút truyền từ người bệnh sang người lành do một loại muỗi đốt gọi là muỗi vằn (có tên khoa học là Aedes aegypti). Loại muỗi này sống trong và xung quanh nhà, thích đẻ trứng ở các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, nước mưa. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng số mắc tập trung vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11). Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc bài thuốc điều trị bệnh SXH của lương y Lương Tấn Thông, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh.
Sốt xuất huyết có thể điều trị bằng Tây y hoặc Đông y. Trong ảnh: Bệnh nhân bị sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: H.TH
Những biểu hiện sau đây là dấu hiệu chẩn đoán lâm sàng của SXH, gồm: sốt cao đột ngột, liên tục và kéo dài từ 2 - 7 ngày; những biểu hiện xuất huyết và bất kỳ dấu hiệu nào sau đây: điểm xuất huyết, ban xuất huyết, vết bầm máu; chảy máu cam, chảy máu chân răng; nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu; gan to, tuy nhiên hội chứng gan to không phải là đặc điểm thường gặp; sốc: biểu hiện bằng mạch nhanh yếu và kẹp huyết áp động mạch (≤ 20mmHg) hoặc huyết áp thấp kèm theo nổi da gà, lạnh và li bì, vật vã.
Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh, người ta phân SXH thành 4 độ khác nhau. Độ 1 với các biểu hiện sốt cao, biểu hiện xuất huyết: dấu hiệu dây thắt dương tính (+); tăng thẩm thấu mao mạch nhẹ; tiểu cầu giảm nhanh. Độ 2 cũng có những biểu hiện như độ 1, kèm theo xuất huyết dưới da và các biểu hiện xuất huyết tự phát khác, thoát huyết tương nhẹ, tiểu cầu giảm nhẹ. Độ 3 có các biểu hiện mạch nhanh và yếu, huyết áp kẹp hoặc tụt, da lạnh tái, vật vã; chảy máu bất thường, ồ ạt; thoát huyết tương gây choáng; tiểu cầu giảm nhiều; tăng thể tích hồng cầu. Độ 4 có các biểu hiện thân nhiệt tăng đột ngột, huyết áp không đo được, mạch không bắt được; choáng mất máu; đông máu trong lòng mạch.
SXH hiện nay chưa có thuốc phòng, việc điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ. Bên cạnh điều trị theo Tây y, SXH cũng có thể điều trị bằng Đông y. Y học cổ truyền xếp bệnh SXH vào nhóm ôn bệnh và ôn dịch (ôn dịch vì có tính lây lan thành dịch). Nhiệt tà tác động vào dinh, vệ, khí, huyết. Qua thực tiễn nhiều năm, thuốc y học cổ truyền có khả năng điều trị tốt bệnh SXH độ 1, độ 2 bằng pháp trị: thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết, giải độc, nâng cao thể trạng. Nguyên tắc điều trị chung là uống thuốc cổ truyền, kết hợp với nghỉ ngơi, ăn nhẹ dễ tiêu.
Sau đây xin giới thiệu 2 bài thuốc của Lương y Lương Tấn Thông, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh về điều trị SXH. Toa căn bản gồm 10 vị thuốc: rễ cỏ tranh 8g, rau má 8g, cỏ mần trầu 8g, lá muồng trâu 4g, ké đầu ngựa 4g, cam thảo nam 4g, củ sả 4g, trần bì 4g. Tất cả dược liệu trên đều phải khô sạch và được sắc cho bệnh nhân uống ngày 1 thang. Cách sắc: cho 600ml nước vào ấm, bỏ dược liệu vào đun sôi khoảng 30 phút uống 3 lần trong ngày, hoặc thay nước trà uống dần trong ngày.
Sau khi bệnh nhân hết sốt, các nốt xuất huyết lặn dần, người bệnh vẫn còn mệt mỏi, không muốn ăn, sức khỏe suy sụp. Có thể sử dụng bài thuốc bổ trung ích khí sau: đảng sâm 16g, sài hồ 10g, bạch truật 12g, thăng ma 08g, trần bì 08g, cam thảo 06g, hoàng kỳ 12g, đương quy 12g. Dược liệu khô sạch, sắc uống ngày 1 thang, cho 600ml nước, đun sôi 30 phút uống 3 lần trong ngày, hoặc thay nước trà uống dần trong ngày.
Cùng với trị bệnh, để phòng bệnh SXH, mọi người cần chú ý diệt lăng quăng, không để cho chúng phát triển thành muỗi. Làm nắp đậy kín các lu khạp chứa nước, không để cho muỗi vào đẻ trứng. Cọ rửa và thay nước (ít nhất 1 tuần 1 lần) ở lu khạp, bình bông… Thả cá ăn lăng quăng, dùng các loại cá nhỏ như cá bảy màu thả vào lu, hồ chứa nước để cá ăn lăng quăng. Bỏ muối hoặc bỏ dầu vào các chén nước chống kiến ở chân tủ thức ăn. Không để cho các hốc cây, máng xối đọng nước và thường xuyên tổng vệ sinh môi trường, thu gom, hủy bỏ các vật chứa nước không cần thiết (vỏ đồ hộp, vỏ xe cũ, chai lọ, mảnh lu khạp bể, gáo dừa…). Muỗi chính là trung gian truyền bệnh, vì thế cần ngăn không cho muỗi đốt bằng cách dọn dẹp nhà cửa, nhà vệ sinh gọn gàng; cho trẻ mặc áo dài tay; ngủ mùng kể cả ban ngày; làm rèm che cửa để hạn chế muỗi xâm nhập vào nhà; dùng nhang trừ muỗi vào những giờ muỗi thường đốt nhất (sáng sớm và chiều tối); dùng bình xịt muỗi loại nhỏ tại nhà.
ĐỨC LÊ (thực hiện)