Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Nhiều người kiêng cữ đủ thứ khi mắc bệnh ung thư dưới đây là những điều cần thiết về dinh dưỡng để người bệnh “chiến đấu” với bệnh tật…
Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong việc hồi phục sức khoẻ bệnh nhân ung thư.
Dinh dưỡng là một phần quan trọng trong điều trị ung thư. Người bệnh được cung cấp dinh dưỡng đúng trước, trong và sau khi điều trị sẽ giúp cơ thể thoải mái và mạnh khỏe hơn.
Dinh dưỡng là một phần quan trọng trong điều trị ung thư. Người bệnh được cung cấp dinh dưỡng đúng trước, trong và sau khi điều trị sẽ giúp cơ thể thoải mái và mạnh khỏe hơn.
Dinh dưỡng có vai trò quan trọng cho người bệnh ung thư vì bệnh tật và liệu trình điều trị làm thay đổi thói quen ăn uống, thay đổi tính thích nghi của cơ thể đối với thức ăn và dinh dưỡng.
Nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người bệnh không giống nhau. Chế độ dinh dưỡng tốt trong quá trình điều trị sẽ giúp người bệnh:
- Cảm giác thoải mái hơn.
- Duy trì sức khỏe và năng lượng.
- Duy trì cân nặng và nguồn dinh dưỡng dự trữ.
- Dung nạp các tác dụng phụ của thuốc tốt hơn.
- Giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.
- Nhanh hồi phục tổn thương.
Dinh dưỡng tốt nghĩa là ăn đa dạng thức ăn để cung cấp các chất dinh dưỡng cho cơ thể chống lại bệnh tật, bao gồm chất đạm, tinh bột/đường, mỡ, nước, vitamin và muối khoáng.
Vai trò cụ thể của từng chất dinh dưỡng như thế nào?
Chất đạm (Proteins)
Bình thường, con người cần chất đạm để tăng trưởng, sửa chữa các tổn thương mô và giữ cho hệ miễn dịch khỏe mạnh. Khi cơ thể không được cung cấp đủ chất đạm thì các mô cơ trong cơ thể sẽ được huy động để sử dụng, đáp ứng nhu cầu tiêu hao của cơ thể, khi đó bệnh sẽ lâu khỏi và giảm khả năng chống chọi với các bệnh nhiễm khuẩn.
Đối với bệnh nhân ung thư thì nhu cầu chất đạm lại cần thiết hơn. Sau các liệu trình điều trị như phẫu thuật, hóa chất, tia xạ thì cần phải tăng cường chất đạm để giúp vết thương mau lành và tăng khả năng chống nhiễm khuẩn.
Nguồn dinh dưỡng cung cấp chất đạm tốt gồm: cá, gia cầm, thịt, trứng, sữa ít mỡ, các loại hạt, đậu và sản phẩm của đậu.
Chất béo (Fats)
Chất béo đóng một vai trò quan trọng trong thành phần dinh dưỡng. Các chất béo (mỡ và dầu) sẽ tạo nên các acid béo và là nguồn dinh dưỡng giàu năng lượng cho cơ thể. Chất béo sẽ được chuyển hóa và sử dụng để dự trữ năng lượng, phân tách các mô và vận chuyển một số loại vitamin trong cơ thể.
Có nhiều loại chất béo khác nhau. Khi cân nhắc đến tác dụng của chất béo đối với bệnh tim mạch thì nên chọn chất béo không bão hòa đơn (monounsaturated) và chất béo không bão hòa đa (polyunsaturated) mà không nên chọn chất béo bão hòa (saturated) hoặc chất béo chuyển tiếp (trans).
- Chất béo đơn dòng: có trong dầu thực vật như dầu ôliu, dầu lạc.
- Chất béo đa dòng: có trong dầu thực vật như dầu hướng dương, dầu ngô.
- Chất béo bão hòa: có nguồn gốc từ động vật (gia súc, gia cầm, bơ, sữa..), từ thực vật (dừa). Không nên sử dụng quá 10% chất béo bão hòa trong số chất béo cần thiết.
- Chất béo chuyển tiếp: hình thành khi dầu thực vật được chế biến thành bơ thực vật và có trong một số sản phẩm sữa. Không nên ăn loại chất béo này.
Tinh bột, chất đường (Carbohydrates)
Cacbon hyđrat gồm có tinh bột và đường, là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, cung cấp nhiên liệu cho các hoạt động thể lực và chức năng của các cơ quan. Nguồn cacbon hydrate tốt nhất là từ hoa quả, rau và ngũ cốc. Các thực phẩm này cũng là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ cho cơ thể.
Nước
Nước và các chất dịch có vai trò sống còn đối với sức khỏe. Tất cả các tế bào trong cơ thể cần nước để thực hiện chức năng. Nếu cơ thể không được cung cấp đủ nước hoặc bị mất nước (do nôn, tiêu chảy) thì cơ thể sẽ trong tình trạng mất nước. Như vậy thì sẽ làm mất cân bằng nước và khoáng chất, ảnh hưởng tới sức khỏe. Nước cũng được bổ sung từ thức ăn, nhưng mỗi người cần uống thêm 1.5 - 2.0 lít nước mỗi ngày để đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể hoạt động. Trường hợp bị tiêu chảy hoặc nôn thì phải bù nhiều nước hơn.
Vitamin và khoáng chất
Cơ thể cần một lượng nhỏ vitamin và khoáng chất để đảm bảo chức năng hoạt động của các cơ quan. Thông thường, vitamin và khoáng chất có trong các thực phẩm tự nhiên. Đối với những người ăn uống cân bằng thì thực phẩm có thể cung cấp đầy đủ vitamin, khoáng chất. Nhưng đối với bệnh nhân đang điều trị ung thư, do ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc mà người bệnh thường ăn kém, không đảm bảo dinh dưỡng. Do đó, bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung thêm các sản phẩm vitamin, khoáng chất tổng hợp, dùng hàng ngày. Người bệnh không được tùy tiện sử dụng các sản phẩm này vì một số vitamin, khoáng chất có thể làm giảm tác dụng điều trị của hóa chất và tia xạ điều trị ung thư.
Các chất chống ôxy hóa
Các chất chống ôxy hóa bao gồm vitamin A, C và E, selen, kẽm và một số enzym. Những chất này có tác dụng hấp thu và gắn các gốc tự do, hạn chế phá hủy tế bào bình thường. Nên ăn các loại rau, quả tự nhiên vì có chứa nhiều chất chống ôxy hóa. Tuy nhiên, không nên dùng các thuốc bổ sung chất chống ôxy hóa liều cao khi bệnh nhân đang điều trị hóa chất hay tia xạ.
Thảo dược
Thảo dược đã được sử dụng trong điều trị bệnh hàng trăm năm nay, cho các kết quả rất khác nhau. Ngày nay, thảo dược được chế biến trong rất nhiều dạng sản phẩm như viên, dịch, trà, dầu... Nhiều sản phẩm không độc hại và an toàn khi sử dụng, nhưng một số có thể gây ra tác dụng phụ có hại và nguy hiểm; thậm chí còn làm hạn chế tác dụng của thuốc điều trị ung thư (hóa chất, tia xạ). Nếu người bệnh muốn dùng thảo dược thì nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng.
Theo Sức khoẻ và đời sống