Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Sau chặng đường dài xây dựng và phát triển, Bình Dương đã vươn mình mạnh mẽ và đạt được những thành tựu to lớn, đáng tự hào trên mọi lĩnh vực. Tiếp tục hành trình vươn tới, Bình Dương đang kiến tạo một đô thị văn minh, hiện đại, thông minh.
Thành phố mới Bình Dương, điểm nhấn trên đường phát triển của tỉnh nhà
Hạ tầng đồng bộ
So với năm 1997, thời điểm thành lập tỉnh, kinh tế Bình Dương hiện tại đã tăng trưởng gấp 104 lần, tạo ra một kỳ tích phát triển kinh tế tại Việt Nam. Trong quá trình phát triển, Bình Dương đã tích lũy được một nền tảng mạnh để chuẩn bị cho các bước phát triển tiếp theo. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện với chất lượng cao, các khu công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, đan xen với những khu đô thị cao cấp phục vụ các chuyên gia và những khu nhà ở xã hội phục vụ những người có thu nhập thấp, các trung tâm thương mại - dịch vụ hiện đại được xây dựng, sầm uất. Cách thức quy hoạch hệ sinh thái công nghiệp - đô thị này tạo ra sự bình đẳng trong việc thụ hưởng hạ tầng xã hội, hệ thống y tế, giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân.
Cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo nền tảng cho thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và phát triển đô thị. Bình Dương tập trung đầu tư nhiều công trình giao thông hiện đại thúc đẩy sự phát triển của hàng loạt các khu, cụm công nghiệp như: Quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng, đường Thủ Biên - Đất Cuốc, cầu Bạch Đằng 2, ĐT743, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng… Cùng với đó hạ tầng điện, cấp và thoát nước, hạ tầng thông tin, logistics, các khu, cụm công nghiệp ở Bình Dương là những điển hình về sự hoàn chỉnh, hiện đại, đồng bộ được quản lý chuyên nghiệp.
Đô thị nâng cấp
Với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công, Bình Dương đã nhanh chóng hình thành hệ thống đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, đạt tỷ lệ đô thị hóa tương đương các quốc gia công nghiệp phát triển (năm 2022 tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 84%). Trong hệ thống đô thị của Bình Dương, TP.Thủ Dầu Một là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa đã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh năm 2013. Thành phố mới Bình Dương với diện tích khoảng 1.200 ha được quy hoạch và đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng với vai trò hạt nhân trong phát triển kinh tế cân bằng, sẽ trở thành “thủ phủ” của Bình Dương về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy Bình Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Nằm giáp thành phố mới Bình Dương, Tân Uyên trước đây là một huyện thuần nông với những hậu quả hết sức nặng nề do chiến tranh để lại. Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đến nay Tân Uyên đã “khoác” trên mình diện mạo của một đô thị văn minh, hiện đại với những tuyến đường nhựa chạy dài kết nối liên tỉnh, liên vùng. Nhà máy và những trung tâm mua sắm, khu chợ, khu nhà ở thương mại, nhà cao tầng thi nhau mọc lên, phố xá sầm uất, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Đến nay, sau gần 10 năm thực hiện, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn Tân Uyên đã được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại. Tân Uyên được công nhận là đô thị loại III, trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương trong niềm hân hoan, phấn khởi của chính quyền và nhân dân. Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên, cho biết: “Tân Uyên trở thành thành phố sẽ tạo động lực mạnh mẽ, tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị của toàn tỉnh và nâng cao chất lượng sống của người dân. Trở thành thành phố trực thuộc tỉnh còn là tiền đề cho việc xây dựng đô thị Tân Uyên đạt chuẩn đô thị loại II vào năm 2025”.
Gần 24 năm kể từ ngày tái lập huyện vào năm 1999, từ một huyện thuần nông chưa được xếp loại đô thị, Dĩ An đã mạnh mẽ vươn lên, “thay da đổi thịt” trở thành đô thị loại IV, đơn vị hành chính thị xã. Tiếp đến được công nhận là thành phố đô thị loại III và mới đây đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là thành phố đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bình Dương.
Với tỷ lệ đô thị hóa đạt 82%, đô thị Dĩ An được thiết lập bởi hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, cùng với các tuyến Vành đai 2, Vành đai 3, đóng góp cho sự phát triển của các đô thị trong vùng và TP.Hồ Chí Minh. Đặc biệt, TP.Dĩ An là điển hình cho mô hình công nghiệp hóa gắn với đô thị hóa với 6 khu công nghiệp. Dĩ An hôm nay đang ngày càng kiến tạo một vóc dáng đô thị phát triển văn minh, hiện đại, trở thành nơi đáng sống, hướng đến trở thành thành phố thông minh.
Nỗ lực vươn mình phát triển, kiến tạo đô thị, đến nay theo phân loại đơn vị hành chính, tỉnh Bình Dương có 4 thành phố (Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên), 1 thị xã Bến Cát và 4 huyện (Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên) với 91 xã, phường, thị trấn (45 phường, 5 thị trấn và 41 xã). Theo phân loại đô thị, Bình Dương có 1 đô thị loại I (Thủ Dầu Một), 2 đô thị loại II (Thuận An, Dĩ An), 2 đô thị loại III (TX.Bến Cát, TP. Tân Uyên), 5 đô thị loại V thuộc huyện (thị trấn Dầu Tiếng, Phước Vĩnh, Lai Uyên, Tân Bình, Tân Thành).
Thông minh, sáng tạo
Nhằm tạo bước đột phá để phát triển thịnh vượng, bền vững, Bình Dương đang xây dựng thành phố thông minh - Vùng Đổi mới sáng tạo. Đến nay, Bình Dương đã 5 lần liên tiếp được vinh danh là một trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới (Smart 21). Bình Dương cũng đã 2 lần liên tiếp được vinh danh trong TOP 7, đó là vinh dự, tự hào, là thành quả xứng đáng cho những cố gắng trong việc lựa chọn chiến lược phát triển của tỉnh nhà những năm qua.
Đặc biệt tỉnh đang thực hiện quy hoạch giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với khung chiến lược quy hoạch gồm 6 trụ cột vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Mục tiêu dài hạn đưa Bình Dương trở thành địa phương có sức cạnh tranh toàn cầu về thu hút, phát triển và giữ chân nhân tài khoa học, tạo nền tảng vươn tầm phát triển cho các thời kỳ tiếp theo.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: “Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương với mô hình 5 lớp đều được đưa vào quy hoạch tỉnh Bình Dương đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Tất cả nhằm phục vụ mục đích nâng cao đời sống, tinh thần của người dân và doanh nghiệp. Đây là động lực để cộng đồng người dân và doanh nghiệp hiểu rõ những định hướng phát triển của tỉnh Bình Dương để đồng hành vì mục tiêu chung”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Bình Dương đang tập trung thực hiện đúng lộ trình xây dựng đô thị thông minh. Tỉnh đã dành nhiều nguồn lực, với những cách làm sáng tạo để đầu tư nâng cấp cải thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, tạo nền tảng cơ bản để thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm đẩy mạnh phát triển, tăng trưởng kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Tôi đánh giá cao và biểu dương những thành quả mà nhân dân tỉnh Bình Dương đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, tin tưởng rằng Bình Dương sẽ có thêm những phát triển kinh tế đột phá trong thời gian tới, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước”. Tiến sĩ Frank-Jurgen Richter, Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis): “Bình Dương đang rất nỗ lực để xây dựng thành phố thông minh, đó không chỉ là Smart mà trở thành Intelligent City, trong đó sử dụng nền tảng là trí tuệ nhân tạo và tất nhiên là tất cả các phương tiện khác để đối phó với biến đổi khí hậu. Sự phát triển bền vững là cực kỳ quan trọng đối với Bình Dương. Tôi cũng nhận thấy rằng Bình Dương đang vươn tới sự phát triển vượt bậc như các thành phố thông minh khác trên thế giới”. |
PHƯƠNG LÊ