Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Để vượt qua khó khăn hiện hữu, nhiều giải pháp đã được doanh nghiệp (DN) nỗ lực áp dụng để tìm kiếm đơn hàng mới, giữ lực lượng lao động, bảo đảm thu nhập cơ bản cho công nhân… Song đây cũng là thời điểm DN cần con đường bền vững hơn và tận dụng được các chính sách trợ lực.
Doanh nghiệp ngành may mặc trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì sản xuất và tìm kiếm đơn hàng mới
Linh hoạt, chủ động
Đối diện với khó khăn nhưng nhiều DN tỉnh nhà đã chủ động, linh hoạt tìm cách thích ứng để tạo ra việc làm và thu nhập cho người lao động. Theo bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh, cái khó của các DN trong ngành là giữ người lao động, bởi khi có đơn hàng trở lại sẽ rất khó tìm công nhân lành nghề. Tuy nhiên, bên cạnh những DN hoạt động hiệu quả, tại Bình Dương vẫn còn không ít DN đang gặp khó khăn. Theo Hiệp hội Dệt may tỉnh, hiện chỉ có 72% DN có đơn hàng đến hết quý I-2023, số còn lại đang cạn dần, một số DN chỉ sản xuất cầm chừng hoặc cắt giảm công suất.
Bà Phan Lê Diễm Trang thông tin hiệp hội đang nỗ lực tìm mọi cách thức nhằm hỗ trợ DN về đơn hàng. “Đối với các DN, họ cũng tận dụng thời gian này để cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, mở rộng thị trường xuất khẩu”, bà Trang chia sẻ.
Ông Đào Văn Vỹ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May mặc Hải Biên (TP.Thuận An), cho biết công ty hoạt động chuyên ngành thiết kế và may đo quần áo. Suốt 2 năm nay công ty gặp không ít khó khăn, nhiều đơn hàng bị đình trệ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay công ty đã ký được nhiều đơn hàng, trong đó có 2 đơn hàng lớn từ Nhật Bản và Đức. Từ đó bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho gần 3.000 lao động, số công nhân nghỉ việc chỉ chiếm 2%.
Với ngành gỗ, tùy theo từng phân khúc, có những DN vẫn giữ được đơn hàng, song có những phân khúc chỉ được 40-50% đơn hàng, thậm chí trống đơn hàng. Hiện rất nhiều DN thay vì làm 3 ca thì chỉ làm 1,5-2 ca để giữ mức lương cơ bản và quan trọng là giữ chân công nhân.
Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gỗ Hiệp Long, TP.Thuận An, cho hay những DN đi vào thị trường ngách, một số sản phẩm của phân khúc cao cấp không bị ảnh hưởng bởi tình hình chung của thị trường vẫn sản xuất ổn định. Trải qua 4-5 đợt khủng hoảng về đơn hàng trong nhiều năm qua, ông Thanh nhận định từ hết quý II, đơn hàng sẽ cải thiện.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Gỗ Bình Dương (BIFA) nhận định, dù tình hình lạm phát tại nhiều thị trường vẫn lan rộng nhưng nhu cầu tiêu thụ nội thất của thị trường quốc tế vẫn cao. Việt Nam mới chỉ chiếm được thị phần rất nhỏ trong “miếng bánh” này. Cơ hội phát triển của ngành vẫn lớn nếu công tác tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường được tổ chức tốt. Đối với ngành gỗ, người tiêu dùng sẽ đòi hỏi nhiều hơn từ chất lượng đến sự khác biệt trong thiết kế. Những DN đầu tư nhiều trong khâu thiết kế, phát triển sản phẩm riêng sẽ thu hút được khách hàng quốc tế.
Tận dụng sự trợ lực
Mới đây, tại hội nghị giữa các DN, địa phương với hệ thống thương vụ ở nước ngoài, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương đã chỉ đạo tham tán thương mại tại các thị trường, nhất là tại thị trường xuất khẩu chủ lực châu Âu, Mỹ, Canada, Úc… tích cực tìm kiếm đơn hàng, tổ chức các đoàn xúc tiến kết nối DN trong nước và ngoài nước. Điểm sáng trong các giải pháp chính là sự liên kết, cũng là lần đầu tiên xuất hiện trong cộng đồng DN. Các hiệp hội DN đã chủ động trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến, giao thương để tăng cơ hội tiếp cận đơn hàng.
Nỗ lực tự thân, 5 hiệp hội gồm Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương, Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định và các hội liên quan cùng phối hợp tổ chức hội chợ xuất khẩu đồ gỗ và nội thất tại TP.Hồ Chí Minh. Việc liên kết tổ chức triển lãm lần này không đơn thuần giúp DN tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu mà còn tăng cơ hội giao thương giữa các DN trong nước.
Không bi quan, ông Nguyễn Liêm cho rằng lạm phát dù có lan rộng nhưng nhu cầu tiêu thụ nội thất của thị trường quốc tế vẫn cao. Việt Nam mới chỉ chiếm được thị phần rất nhỏ. Nếu công tác tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường được tổ chức tốt, cơ hội phát triển của ngành vẫn lớn. Theo đó, hiệp hội đặt nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại cho ngành.
TIỂU MY