Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Doanh nghiệp Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi các bước đi chiến lược và triển khai giải pháp phù hợp để kích thích và tận dụng cơ hội, vững vàng vượt đích.
May hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU tại Công ty may Maxport Thái Bình
Cộng đồng doanh nghiệp nhận định còn nhiều rủi ro và thách thức có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của doanh nghiệp. Do đó, cần những bước đi chiến lược và triển khai các giải pháp phù hợp để kích thích và tận dụng cơ hội, vững vàng vượt đích.
Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường vẫn chậm.
Cụ thể, trong tháng 11/2024, cả nước có gần 11,2 nghìn dD, giảm 21,3% so với tháng 10/2024 và giảm 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với số doanh nghiệp giảm, vốn đăng ký mới của các doanh nghiệp trong tháng 11/2024 cũng giảm 9,8% so với tháng trước và giảm 27,2% so với cùng kỳ, đạt gần 138.600 tỷ đồng. Theo đó, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 12,4 tỷ đồng, tăng 14,7% so với tháng trước và giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 11/2024, cả nước còn có hơn 7.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 10,9% so với tháng trước và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đánh giá của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập trên số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường dù nhích lên so với đầu năm, nhưng vẫn còn thấp so với thời điểm dịch bệnh bùng phát cao điểm tại Việt Nam (năm 2021-2022).
Những khó khăn của doanh nghiệp vào thời điểm này không chỉ là tín hiệu khó lường đang xuất hiện nhiều hơn từ thị trường thế giới, sự khó khăn của khu vực sản xuất trong nước. Đó còn là khó khăn từ những lo ngại về khả năng xáo trộn, chậm trễ, thậm chí ngưng trệ công việc do những thay đổi trong giai đoạn sắp xếp, tinh giản bộ máy.
Trong 11 tháng qua, cả nước ghi nhận 218.522 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường; trong đó, 147.244 doanh nghiệp đăng ký mới, giảm 0,52% cùng kỳ năm 2023. Số vốn và số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới cũng giảm.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng năm 2024 là gần 2.912,1 nghìn tỷ đồng, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, 11 tháng năm 2024, cả nước có gần 71.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có gần 19.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Các doanh nghiệp này đa phần có quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng), hoạt động chủ yếu trong nhóm ngành dịch vụ (chiếm 75,63% tổng số doanh nghiệp thành lập mới). Nhóm ngành công nghiệp và xây dựng, nông nghiệp lại ghi nhận mức giảm so với cùng kỳ.
Cùng thời điểm này, có 173.179 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường, dù một nửa trong số này chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn. Đáng nói là, số doanh nghiệp giải thể tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2023, có mặt ở 14/17 ngành kinh doanh chính. Đây là các doanh nghiệp hoàn toàn chấm dứt tồn tại trên thị trường.
Nêu thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, đại diện Công ty TNHH Fashion Garment Mekong cho biết, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc và thường xuyên nhận gia công cho các thương hiệu nước ngoài. Với hình thức gia công, doanh nghiệp thường nhập nguyên liệu mẫu phục vụ cho việc may mẫu. Các nguyên liệu này sau khi thành sản phẩm mẫu thì chỉ có giá trị tham khảo, không đưa vào thương mại, doanh nghiệp cũng không phải thanh toán chi phí nguyên liệu cho đối tác.
Để làm thủ tục nhập khẩu nguyên liệu mẫu, công ty khai trị giá hải quan tượng trưng. Tuy nhiên, cơ quan hải quan thường xuyên bác trị giá hải quan doanh nghiệp tự khai và áp trị giá hải quan rất cao dẫn đến phải đóng thuế cao.
Trong khi đó, đại diện Công ty logistics Long Phú phản ánh tình trạng đang diễn ra với các doanh nghiệp nhập khẩu bông rơi. Theo đó, cùng một mặt hàng bông rơi làm nguyên liệu cho ngành kéo sợi nhưng mỗi cơ quan xác định một mã số hàng hoá khác nhau.
Việc này không chỉ gây tốn kém thời gian, kinh phí mà còn khiến nhiều nhà máy đối diện nguy cơ tạm dừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu. Do đó, doanh nghiệp đề nghị các cơ quan chức năng có phương án thống nhất mã số hàng hoá đối với mặt hàng bông rơi, xác định đây là nguyên liệu sản xuất và giải quyết việc thông quan nhanh chóng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì sản xuất.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nếu tình hình này không được cải thiện, thì các mục tiêu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2025 và mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 sẽ ngày càng khó. Đó là chưa kể các mục tiêu cao hơn về năng lực cạnh tranh, về sự gia nhập của doanh nghiệp, thương hiệu Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu…
Trước tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đối tác, đơn hàng. Chính vì vậy, việc tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng, đối tác là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm hiện nay.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Bộ này sẽ tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước, cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; tăng cường quản lý thương mại điện tử, phòng, chống gian lận xuất xứ, buôn lậu…
Nhằm khắc phục những khó khăn của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã và đang tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá lĩnh vực thuế, hải quan nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cùng với đó, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 131/CĐ-TTg về việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, giảm chi phí tuân thủ ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt các công việc.
Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ và thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành chính tại các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả việc tham vấn đối tượng chịu tác động theo đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, loại bỏ ngay theo thẩm quyền những thủ tục hành chính đang là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân./.
Theo TTXVN