| 23-12-2024 | 06:55:52

Nhiều doanh nghiệp lớn của UAE muốn hợp tác với Việt Nam

Dự báo trong năm 2025 và những năm tiếp theo, hợp tác trong thương mại, đầu tư, kinh tế, công nghiệp, năng lượng, năng lượng tái tạo, logistics,... sẽ được thúc đẩy khi tiến trình CEPA mở ra.


Một góc cụm cảng biển Cái Mép.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là thị trường và đối tác rất quan trọng của Việt Nam tại Trung Đông.

Năm 2024 đã chứng kiến những bước phát triển khởi sắc trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, với ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn của UAE mong muốn hợp tác với các đối tác Việt Nam.

Đây là nhận định của Đại sứ Việt Nam tại UAE Nguyễn Thanh Diệp khi trả lời phỏng vấn về những kết quả nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong năm 2024, cũng như triển vọng năm 2025.

Đại sứ Nguyễn Thanh Diệp nêu rõ kết quả nổi bật trong năm 2024 là chuyến thăm chính thức thành công của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới UAE vào tháng 10/2024, mở ra giai đoạn phát triển mới về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.

Hai bên đã nâng cấp quan hệ lên đối tác toàn diện; ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA), phấn đấu đưa kim ngạch thương mại giữa hai nước sớm đạt 20 tỷ USD, mở ra tiềm năng gia tăng kim ngạch thương mại của Việt Nam với Trung Đông.

Về thương mại, tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2024 ước đạt trên 6,02 tỷ USD, tăng mạnh 28,33% so với năm 2023. Xuất khẩu của Việt Nam sang UAE trong năm 2024 tăng mạnh, với thặng dư thương mại của Việt Nam với UAE ước đạt 4,48 tỷ USD.

Các đối tác hai bên đã ký kết 13 thỏa thuận đầu tư và kinh doanh, bao gồm thỏa thuận giữa Tập đoàn Viettel và Tập đoàn G42 về hợp tác phát triển trung tâm dữ liệu, Trí tuệ Nhân tạo (AI) và chuyển đổi năng lượng; thỏa thuận giữa Viettel và Tập đoàn Presight về hợp tác trong lĩnh vực AI; thỏa thuận giữa Vietnam Airlines và Etihad Airways về hợp tác trong lĩnh vực hàng không; thỏa thuận giữa Vietnam Airlines và Emirates Airlines về hợp tác trong lĩnh vực hàng không; thỏa thuận giữa VIMC và Tập đoàn DP World về hợp tác phát triển Cảng Cần Thơ, khai thác đường thủy nội địa và phát triển hệ thống logistics; thỏa thuận giữa Tập đoàn VinGroup và Tập đoàn Benya Group về hợp tác phát triển trung tâm dữ liệu.

Hai bên còn ký kết thỏa thuận giữa Tập đoàn VinGroup và Tập đoàn NDMC Group về hợp tác phát triển trung tâm dữ liệu; thỏa thuận giữa Tập đoàn VinGroup và Cảng Abu Dhabi về hợp tác phát triển hệ sinh thái logistics và hệ thống cảng; thỏa thuận giữa Vinfast và Emirates Driving Company về hợp tác sản xuất xe điện; thỏa thuận giữa Tập đoàn Sovico và Cảng Abu Dhabi về logistics, khu thương mại tự do và dịch vụ cảng; thỏa thuận giữa Vietjet Air và Emirates Airlines về hợp tác trong lĩnh vực hàng không; thỏa thuận giữa Tập đoàn T&T Group và Golden Nile về tài chính, nông nghiệp và dịch vụ; thỏa thuận giữa Tập đoàn FPT Group và Tập đoàn G42 về công nghệ thông tin.

Các hoạt động xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường cũng đã được tăng cường.

Nhiều đoàn bộ, ngành địa phương hai nước thăm lẫn nhau, tăng cường hiểu biết, thúc đẩy quan hệ. Hai nước đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp tại UAE và Việt Nam với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp Việt Nam tích cực tham gia tuần hàng Việt Nam tại Đại siêu thị Lulu (Dubai), Hội chợ thực phẩm lớn nhất thế giới Gulfood (tháng 2/2024) và Hội chợ sản phẩm Tự nhiên-Hữu cơ (tháng 11/2024).

Về triển vọng hợp tác trong năm 2025, Đại sứ Nguyễn Thanh Diệp nhận định sau chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới UAE, phía UAE ngày càng quan tâm, mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.

Bộ Đầu tư UAE và một loạt tập đoàn lớn của UAE đã lên kế hoạch thăm Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực. Việc hai nước ký CEPA, hiệp định tự do thương mại đầu tiên mà Việt Nam đàm phán với một quốc gia Arab ở khu vực Trung Đông-châu Phi, sẽ mở ra những triển vọng to lớn, một giai đoạn mới về hợp tác chiến lược chung trong nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và UAE.

Dự báo trong năm 2025 và những năm tiếp theo, hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, kinh tế, công nghiệp, năng lượng, năng lượng tái tạo, logistics, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, hợp tác lao động,… sẽ được thúc đẩy khi tiến trình CEPA mở ra. Hợp tác an ninh, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tương xứng với quan hệ đối tác toàn diện hai nước.

Đánh giá về UAE, Đại sứ Nguyễn Thanh Diệp cho rằng đây là thị trường đặc thù. Do sản xuất trong nước không đáp ứng đủ tiêu dùng, UAE hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào hàng hóa nhập khẩu để phục vụ nhu cầu trong nước và tái xuất khẩu. Điều này mở ra cơ hội cho các sản phẩm Việt Nam.

Theo Đại sứ, thị trường UAE có tính cạnh tranh rất khốc liệt. Việt Nam có một số khó khăn và bất lợi so với các nước, như chi phí vận chuyển cao hơn do khoảng cách xa xôi cũng như sự khác biệt về nhu cầu, văn hóa, ngôn ngữ, thị hiếu tiêu dùng và tập tục kinh doanh. Hơn nữa, hầu hết thực phẩm và đồ uống của Việt Nam chưa có chứng nhận Halal. Ảnh hưởng của các nước Nam Á như Ấn Độ và Pakistan là rất lớn, do hai nước này có nhiều công dân ở UAE và chia sẻ nhiều điểm chung với UAE.

Hiện nay, hệ thống bán lẻ tại UAE chủ yếu do người Ấn Độ và Nam Á thống trị. Trong bối cảnh đó, Đại sứ Nguyễn Thanh Diệp đã nêu ra một số giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác tốt nhất lợi thế CEPA và thâm nhập thị trường UAE.

Cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu và nắm bắt thị trường, nhu cầu tiêu dùng, văn hóa và phong tục tập quán, xác định đối tượng khách hàng, lựa chọn sản phẩm phù hợp với từng nhóm đối tượng, tập trung mũi nhọn vào những sản phẩm có sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh cao, đáp ứng đúng thị hiếu của người UAE để tạo nên sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.

Doanh nghiệp cũng cần nắm rõ các quy định pháp lý, tập tục kinh doanh, các quy định về nhập khẩu và xuất khẩu, về chất lượng sản phẩm, các chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho các doanh nghiệp nước ngoài, giấy tờ hải quan và các chứng chỉ quốc tế, đảm bảo sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của cơ quan chức năng.

Đại sứ cho rằng doanh nghiệp cần tăng cường quảng bá sản phẩm, thông qua tham dự hội chợ, triển lãm quốc tế lớn tại UAE như Gulfood, Arab Health, hay GITEX… để tiếp cận với các đối tác tiềm năng và giới thiệu sản phẩm đến đông đảo khách hàng. Do UAE có tỷ lệ sử dụng Internet và mạng xã hội rất cao, doanh nghiệp cần tận dụng công nghệ, marketing trực tuyến để quảng bá thương hiệu, tiếp cận khách hàng tiềm năng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của thị trường, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, cập nhật xu hướng mới; phát triển mạng lưới phân phối và logistics, tối ưu hóa để giảm chi phí và thời gian vận chuyển, nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh thị trường UAE có tính cạnh tranh khốc liệt, phát triển năng động và nhanh chóng.

Đại sứ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiên trì tạo dựng mối quan hệ lâu dài, xây dựng mạng lưới đối tác đối tác và khách hàng vững mạnh, bởi UAE có nền văn hóa kinh doanh rất chú trọng đến mối quan hệ cá nhân./.

Theo TTXVN

Chia sẻ