| 10-01-2023 | 09:19:07

Đổi mới mô hình, thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Sau 26 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương xác định mục tiêu tăng trưởng xanh, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Bước tiến từ thực tế

Là địa phương đầu tiên đạt mức thu nhập trung bình cao của cả nước đã đặt Bình Dương đứng trước thách thức phải sớm đương đầu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Đó không chỉ là bài toán về năng suất lao động, phát triển kinh tế, mà còn là bài toán phát triển bền vững, bình đẳng xã hội, phát triển bao trùm và đồng đều, bài toán đô thị hóa, kết nối, hội nhập, vì vậy Bình Dương xác định việc phải đi trên con đường xanh là tất yếu.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Bình Dương đang tập trung phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với vành đai công nghiệp dọc hành lang 3, 4 và các tuyến cao tốc. Bình Dương xây dựng chiến lược phát triển xanh bám sát vào Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Cụ thể trong thực hiện cắt giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, giải pháp thực hiện tăng trưởng xanh phù hợp với Bình Dương.

Công ty KOLON, KCN Bàu Bàng hướng tới sản xuất xanh, phát triển bền vững

Chiến lược phát triển xanh của Bình Dương góp phần nâng cao nhận thức và hành động của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao công tác nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon trong dài hạn; cải thiện chất lượng cuộc sống người dân từ việc giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu. Khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng thế hệ tương lai về văn hóa sống xanh, hình thành xã hội văn minh, hiện đại hài hòa với thiên nhiên và môi trường.

Điều đáng mừng là có rất nhiều tập đoàn, ngành nghề sản xuất của Bình Dương sẵn sàng đi đầu trong hành trình xanh hóa, những chính sách của tỉnh ngay từ khi ra đời đã có “trụ đỡ” để thành công. Ông Edwin Tan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Frasers Property Vietnam (FPV), phường Phú Tân, TP. Thủ Dầu Một, cho biết trong tháng 12-2022, công ty đã được tổ chức Sáng kiến Mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học (Science Based Targets initiative - SBTi) công nhận các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Đây là sự công nhận đầu tiên mà SBTi dành cho một công ty bất động sản tại Việt Nam. SBTi là sự hợp tác giữa Dự án báo cáo khí thải Carbon, Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc, Viện Tài nguyên thế giới và Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên, nhằm thúc đẩy hành động vì khí hậu đầy tham vọng trong khối tư nhân, bằng cách cho phép các tổ chức thiết lập các mục tiêu giảm phát thải dựa trên cơ sở khoa học.

“Được SBTi công nhận những mục tiêu giảm phát thải ròng, điều này khẳng định việc thiết lập những mục tiêu đầy tham vọng của chúng tôi đang được áp dụng phương pháp tiếp cận khoa học để tạo ra tác động tích cực trong việc chống biến đổi khí hậu. Chúng tôi muốn việc làm cùng những đối tác chung chí hướng để thúc đẩy hơn những cải tiến trong phát triển bền vững, nỗ lực không ngừng trong các hành động vì một môi trường bền vững và một xã hội văn minh. Đây cũng là chiến lược phát triển của Bình Dương”, ông Edwin Tan khẳng định.

Chiến lược dài hạn

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định trong định hướng phát triển sắp tới, tỉnh sẽ tái cấu trúc mạng lưới công nghiệp nội tỉnh và xây dựng các mô hình công nghiệp mới, gắn liền với mạng lưới công nghiệp của vùng Đông Nam bộ. Bình Dương xác định cần tiếp tục nâng cấp mô hình phát triển công nghiệp của tỉnh nhằm từng bước rời xa thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai thông qua việc chuyển đổi mô hình phát triển từ công nghiệp - đô thị - dịch vụ sang các mô hình phát triển mới.

Theo ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, để bảo đảm tính bền vững và khả thi trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đang thực hiện di dời và tái định cư các doanh nghiệp sản xuất vào các khu vực quy hoạch để mở rộng không gian phát triển, thiết lập hệ sinh thái các khu, cụm ngành liên kết, tránh các vùng đô thị tập trung và giảm thiểu rủi ro ô nhiễm môi trường. Trong đó, tập trung di dời các cơ sở sản xuất tại khu vực quanh các đô thị phía nam lên khu vực phía bắc của tỉnh.

Hoàn thành đề án này có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giúp sắp xếp lại không gian phát triển mới, khắc phục các hạn chế, khai thác tốt tiềm năng đất đai ở các huyện phía bắc. Từ đó, việc di dời có thể tạo ra cuộc cách mạng tiếp theo của Bình Dương khi khu vực phía bắc thực sự chuyển mình thành trung tâm công nghiệp - khoa học công nghệ mới và khu vực phía nam thành trung tâm của các đô thị chất lượng cao. 

Theo lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Bình Dương, năm 2023, yếu tố “xanh” không còn là lựa chọn mà đang dần được luật hóa tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của dệt may Việt Nam. Rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu phải đối mặt khi “xanh” hóa sản xuất là khó kiểm soát được chất lượng của chuỗi cung ứng, nhất là nguyên, phụ liệu. Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần tạo hành lang chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hướng sản xuất xanh.

TIỂU MY

Chia sẻ