| 15-07-2011 | 00:00:00

Đột phá “tam nông”

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về vấn đề “tam nông” đã đem lại nhiều khởi sắc trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, hạn chế vẫn được nhìn nhận, đó là nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân chưa đúng, chưa đầy đủ; một số nhiệm vụ, giải pháp điều chỉnh cơ chế, chính sách triển khai chậm; hoặc đã ban hành nhưng chậm cụ thể hóa, nên chưa đi vào cuộc sống.

Chính vì lẽ đó, trên thực tế, hầu như một số người dân, nhất là nông dân chưa nhận ra những nét tươi mới của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa ở nông thôn. Có nhiều nguyên nhân, bởi lẽ việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khu vực nông thôn còn thiếu. Những sáng kiến, cải tiến công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tiễn. Mối liên kết giữa “4 nhà” chưa đạt hiệu quả mong muốn, chưa có cơ chế ràng buộc và sự tác động về lợi ích giữa các bên... Ngoài ra, lực hút nền kinh tế thị trường mạnh hơn lực hấp dẫn của sản xuất nông nghiệp đã khiến một khối lượng lớn lao động dịch chuyển từ nông thôn ra thành thị. Những người sau khi đào tạo có học vấn, có trình độ đều không muốn trở về đóng góp xây dựng quê hương. Điều đó dẫn đến tình trạng chất lượng nguồn lực lao động nông nghiệp phần nhiều ở trình độ thấp, không đáp ứng được thực tế.

Những vấn đề trọng tâm về “tam nông” đã được xác định rõ trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X và đã được cụ thể hóa thành chủ trương, chính sách rõ ràng. Vấn đề hiện nay là cần những biện pháp cụ thể để tiếp tục thực hiện cho tốt chủ trương và chính sách đó. Đây cũng chính là những điều mà nông dân trông đợi và hy vọng.

Làm bất cứ việc gì, Đảng, Nhà nước ta cũng “lấy dân làm gốc” và vì dân. Chính vì dân nên luôn có những chính sách có lợi cho dân. Như vậy, làm thế nào để nông dân ly nông nhưng không ly hương? Và tạo việc làm tại chỗ cho nông dân bằng cách nào? Đáp ứng yêu cầu này, hơn lúc nào hết, chúng ta đặc biệt chú trọng đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông thôn, để nông dân từ thuần nông chuyển sang làm dịch vụ, công nghiệp; đồng thời giúp họ tiếp cận được khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Rồi thay cho khúc ca rớt giá, nên chăng có cơ chế thu mua hợp lý, xây dựng nhà máy sản xuất tại chỗ để bao tiêu sản phẩm...

Kết quả đạt được của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa hoàn toàn bắt nguồn từ chính nông thôn. Vì thế, chúng ta phải làm cho nông thôn đủ mạnh trong tiến trình này, có nghĩa là nông thôn phải được đầu tư xứng tầm, phải được phát triển bền vững. Và ở đó, nông dân phải tự quản, tự chủ, phải là chủ trang trại, được trang bị khoa học kỹ thuật hẳn hoi nhằm đem lại năng suất, sản lượng cao nhất cho mình và cho xã hội.

Tam nông đã và luôn là trụ cột, là xương sống, là cái gốc, cái nôi của một dân tộc, một đất nước có tới 80% dân số làm nông nghiệp như Việt Nam. Vì thế dù có khó, có bộn bề đến mấy, chúng ta vẫn phải đặc biệt quan tâm để từng bước đột phá “tam nông”.

* MAI HUY

 

 

Chia sẻ