| 16-03-2021 | 19:09:43

Đột phá xây dựng thành phố thông minh giai đoạn mới- Kỳ 3

Cùng với tiến trình xây dựng TPTM, Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương sẽ tập trung nâng cao tỷ trọng các ngành thương mại - dịch vụ (TM-DV) có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh hiệu quả…

Kỳ 1: Quy hoạch, phát triển hạ tầng đô thị thông minh

Kỳ 2: Phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư chất lượng cao

Kỳ 3: Phát triển thương mại - dịch vụ chất lượng cao

 

Xây dựng “hệ sinh thái” dịch vụ

Xác định việc tăng tỷ trọng TM-DV là điều kiện tiên quyết để phát triển nhanh và bền vững, giai đoạn 2021-2025, tỉnh tập trung cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung nguồn lực phát triển một số ngành tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như tài chính, ngân hàng, logistics và vận tải, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ… Tất cả tạo lập hệ thống đòn bẩy kinh tế hợp lý, ổn định và dài hạn đểthúc đẩy phân bổvà sử dụng nguồn lực xã hội, xây dựng “hệ sinh thái” dịch vụ để tạo đột phá trong phát triển.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, khẳng định: “Với định hướng phát triển bền vững, Bình Dương không chỉ ưu tiên thu hút công nghệ cao, sản xuất tiên tiến, mà còn tập trung vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển TM-DV chất lượng cao. Kỳ vọng việc tăng cao tỷ trọng ngành dịch vụ sẽ tác động trở lại, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp. Tỉnh đã và đang tập trung nguồn lực đầu tư hợp lý các công trình hạ tầng kỹ thuật cốt lõi, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư ở những lĩnh vực mới trong phát triển công nghiệp và dịch vụ chất lượng cao”.

Bình Dương đẩy mạnh phát triển logictics theo hướng kết nối. Trong ảnh: Vận chuyển hàng hóa tại ICD Tân Cảng Sóng Thần

Bình Dương hiện đang có rất nhiều dư địa phát triển TM-DV thông minh, nhưng cần tạo ra những đột phá mới. Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng Bình Dương cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, thu hút TM-DV chất lượng cao để định hướng trở thành đô thị văn minh, hiện đại, là khu vực dịch vụ chất lượng cho toàn vùng Đông Nam bộ. Hiện thực hóa mục tiêu trên, Bình Dương cần tập trung quy hoạch bổ sung tổng thể đô thị theo định hướng hiện đại, tiện ích. Song song đó, Bình Dương cũng cần tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bổ sung chương trình dịch vụ cao cấp, đẩy mạnh chuỗi cung ứng, logistics, cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông đa dạng. Đặc biệt, ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh kết nối các vành đai, tuyến đường huyết mạch, cảng biển, sân bay quốc tế... từ đó lan tỏa cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết trong quy hoạch phát triển, Bình Dương hướng đến tạo ra giá trị gia tăng mới, tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bổ sung chương trình dịch vụ cao cấp, đẩy mạnh chuỗi cung ứng, logistics, cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông đa dạng. Trước mắt là việc đẩy nhanh kết nối các tuyến đường vành đai, tuyến đường huyết mạch, cảng biển, sân bay quốc tế... Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp, Bình Dương dịch chuyển dần sang logistics thông minh, bao gồm các thành phần vận chuyển đường bộ, đường thủy và đường sắt kết hợp; đẩy mạnh việc xây dựng các cảng sông, trung tâm kho vận, trung tâm logistics, ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời thực hiện phương châm đưa cảng đến với doanh nghiệp.

Gắn kết công nghiệp - đô thị - dịch vụ.

Trong giai đoạn mới, việc hình thành và phát triển Trung tâm thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC) được kỳ vọng sẽ tạo ra sự kết nối và giúp các doanh nghiệp địa phương phát triển giao thương quốc tế, Bình Dương trở thành một khu vực năng động có đa dạng dịch vụ chuyên nghiệp. Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết dự án WTC BDNC là một quần thể bao gồm trung tâm hội chợ, hội nghị quốc tế, khách sạn, khu mua sắm, khu văn phòng, nhà ga Metro kết nối với tuyến Metro số 1 của TP.Hồ Chí Minh. WTC BDNC với vai trò hỗ trợ hoạt động TM-DV quốc tế tại Bình Dương và các khu vực lân cận, sẽ tổng hợp các nguồn lực trong và ngoài nước.

Thượng tá Nguyễn Thành Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần ICD Tân Cảng Sóng Thần, nhận định việc phát triển dịch vụ logistics thời gian qua cũng góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực lưu thông phân phối hàng hóa trong nước và xuất, nhập khẩu. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều trung tâm logistics đủ khả năng cung cấp dịch vụ cấp độ 3PL, 4PL, phấn đấu đến năm 2025, một số trung tâm lớn sẽ đạt cấp độ trên mức 5PL (E-logistics - Logistics trên nền thương mại điện tử). Đại tá Nguyễn Thành Sơn khẳng định dư địa phát triển của ngành logistics Bình Dương còn lớn. Thị trường tiếp tục phát triển nhờ việc mở rộng hoạt động công nghiệp, thương mại điện tử. Thêm vào đó, các dự án hạ tầng trong vùng, của tỉnh cũng như kế hoạch đầu tư của Chính phủ nhằm phát triển hạ tầng logistics đồng bộ với tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng sẽ là điều kiện thuận lợi để ngành logistics Bình Dương tiếp tục phát triển. (Còn tiếp)

- Trong giai đoạn mới, tỉnh tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Trong đó, cơ cấu kinh tế với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 8,7%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt từ 14 - 15%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 210 - 215 triệu đồng vào năm 2025.
- Tỉnh tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực TM-DV; phát triển thêm nhiều loại hình dịch vụ - giải trí như siêu thị, cửa hàng tự chọn, khu thể thao... Bên cạnh đó, việc tăng cường công tác phát triển hạ tầng thương mại, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp phát triển dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ logistics, thương mại điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021-2025. Hiện tỉnh cũng đã và đang tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các dự án đầu tư lớn về TM-DV triển khai đúng tiến độ; tăng cường hoạt động xúc tiến, nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương đưa TM-DV thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, tạo nền tảng vững chắc cho thu hút đầu tư trong giai đoạn mới.

 TIỂU MY

Chia sẻ