Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Kỳ 4: Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Vùng Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Bình Dương được kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy nhằm phát triển và xây dựng nền tảng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh tiến trình được gia nhập các tổ chức uy tín trên thế giới, phát triển các ngành dịch vụ công nghệ cao, mang đến cho người dân tỉnh nhà cuộc sống ngày càng tốt đẹp, văn minh, hiện đại.
Dây chuyền sản xuất của Nhà máy Konlon Industries tại huyện Bàu Bàng
Đòn bẩy phát triển
Tiếp tục phát huy tinh thần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, thời gian vừa qua, Tổng Công ty Becamex IDC đã được tỉnh giao phối hợp cùng các cơ quan ban ngành, các đối tác quốc tế từ Eindhoven (Hà Lan), WTA (Hàn Quốc), các chuyên gia Singapore triển khai Vùng ĐMST - trọng tâm của đề án Thành phố thông minh (TPTM) giai đoạn 2021- 2025. Vùng ĐMST bao gồm Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Bến Cát, và Bàu Bàng, tạo thành một vệt ĐMST trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, xuyên suốt Bình Dương, nối vào tỉnh Bình Phước.
Cùng với tiềm năng và thực lực hiện tại của tỉnh, Vùng ĐMST được kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy, tiếp tục phát huy chiến lược phát triển thông minh, với mô hình giải pháp 5 lớp, tạo tiền đề xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn, từng bước đưa Bình Dương trở thành TPTM, ĐMST.
TS.Nguyễn Việt Long, quyền Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Văn phòng TPTM Bình Dương, cho biết: “Để có thể từng bước đạt được những kỳ vọng trên, Vùng ĐMST sẽ bám sát các định hướng phát triển TPTM, quyết liệt triển khai nhiều dự án cụ thể như thúc đẩy phát triển giao thông vận tải thông minh, thí điểm dự án Làng thông minh nhằm phát triển nông nghiệp thông minh cùng du lịch sinh thái… Trong các dự án đó, phát triển dịch vụ và công nghiệp được xem là mũi nhọn để tỉnh nhà đột phá”.
Thời gian qua, ngành dịch vụ Bình Dương đang có những phát triển tích cực, cả trong dịch vụ phục vụ công nghiệp, đô thị, lẫn giáo dục, đào tạo. Trên nền tảng này, nhằm hướng tới nền kinh tế xã hội thịnh vượng và bền vững, đề án TPTM xác định cần quyết liệt bứt phá hơn nữa, nhất là các ngành dịch vụ hàm lượng chất xám cao. Hiện nay, ba thành phố trực thuộc tỉnh là TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Thuận An đang có rất nhiều tiềm năng phát triển, nhiều cơ hội đột phá. Ba thành phố sẽ được tập trung đầu tư, hoạch định lại, đặc biệt là thu hút mạnh mẽ được nguồn lực toàn xã hội, hướng tới trở thành đô thị văn minh, hiện đại, là khu vực dịch vụ chất lượng cao cho toàn vùng.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết: “Trong giai đoạn mới, TP.Thuận An huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển mạnh hạ tầng giao thông đô thị, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cải tạo chỉnh trang đô thị đạt các tiêu chí đô thị loại I gắn với phát triển ngành dịch vụ. Phấn đấu xây dựng Thuận An trở thành trung tâm đô thị - dịch vụ phát triển theo hướng văn minh, giàu đẹp vào năm 2025”. Ông Võ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết trong thời gian tiếp theo, TP.Dĩ An tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng, định hướng phát triển đô thị dựa vào hành lang vận tải công cộng. TP.Dĩ An phát triển bền vững theo hướng văn minh và hiện đại, phấn đấu trở thành TPTM.
Tại thành phố mới, Trung tâm Thương mại Thế giới thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC) là bước ngoặt chiến lược, tạo cơ sở để đột phá trong dịch vụ và thương mại quốc tế của tỉnh, đặc biệt là thương mại điện tử. Trong kế hoạch sắp tới của Bình Dương, đề án TPTM và Vùng ĐMST sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình và dự án cụ thể, đẩy mạnh ngành dịch vụ.
Tạo tiền đề sản xuất công nghệ cao
Một nhân tố không thể thiếu trong Vùng ĐMST là việc hình thành Khu Công nghiệp khoa học - công nghệ (KCN KHCN). KCN KHCN là bước đột phá sản xuất công nghiệp, hạ tầng mang tính nền tảng cho việc hình thành hệ sinh thái ĐMST, thu hút đầu tư có giá trị gia tăng cao, tạo tiền đề cho sản xuất công nghệ cao trong các ngành sản xuất chiến lược, đóng vai trò liên kết công nghiệp, xuyên theo trục giao thông chính Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng, kết nối vào thành phố mới.
Để đáp ứng được tầm nhìn trên, dưới sự chỉ đạo của tỉnh, KCN KHCN được Becamex IDC phối hợp cùng các đối tác Hà Lan, Hàn Quốc và Singapore định hướng quy hoạch gồm: Khu viện trường thu hút đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ; khu công nghiệp công nghệ cho các tập đoàn - doanh nghiệp sáng tạo và khởi nghiệp; khu công viên kinh doanh cho văn phòng và cơ sở nghiên cứu - phòng thực nghiệm công nghệ; khu đô thị dịch vụ cao với môi trường sống đáp ứng các nhà khoa học và chuyên gia; khu văn hóa và thể dục thể thao cộng đồng.
TS.Nguyễn Việt Long, quyền Giám đốc Sở KH&CN, Giám đốc Văn phòng TPTM Bình Dương, cho biết bên cạnh cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, mấu chốt để thành công của KCN KHCN còn nằm ở các thiết chế mềm với các chính sách khuyến khích, hệ thống quản trị hiện đại và nâng cao năng lực ĐMST dựa trên sự hợp tác chặt chẽ và tương tác giữa các chủ thể trong vùng, trong đó “Ba nhà” là trụ cột. Ngoài ra, trong tương lai tỉnh sẽ thiết lập một hệ thống thúc đẩy các ngành công nghiệp chiến lược của vùng, hỗ trợ doanh nghiệp, ươm tạo và thu hút các công ty công nghệ. Đặc biệt, từ ưu thế có nhiều cơ sở sản xuất, Bình Dương đang từng bước nghiên cứu phát triển ngành sản xuất thông minh, tiên tiến. Hợp tác với các tập đoàn lớn và các công ty có mô hình hiện đại, thiết kế tiên tiến để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi, nâng cấp trình độ sản xuất, nguồn nhân lực, phù hợp thời đại công nghiệp 4.0. Định hướng trên sẽ mở ra một thị trường tiềm năng, đồng thời tạo đột phá mới trong thu hút đầu tư về sản xuất công nghệ cao cho Bình Dương. (Còn tiếp)
Ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: “Với tiềm năng và thực lực hiện tại của tỉnh, đặc biệt là từ những kết quả đạt được rất quan trọng trong thực hiện Đề án xây dựng TPTM thời gian qua, chúng ta hoàn toàn có thể hướng tới và phấn đấu tiến thêm một bước nữa, đó là xây dựng Vùng ĐMST Bình Dương. Thường trực Tỉnh ủy trân trọng ghi nhận và đánh giá cao nội dung báo cáo, đề xuất của Tổng Công ty Becamex IDC. Tổng Công ty Becamex IDC đã chủ động khảo sát, nghiên cứu thực tế từ các mô hình trên thế giới để tham mưu cho tỉnh xây dựng đề án hết sức có ý nghĩa này”. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC: “Để đáp ứng nhu cầu mới, những năm qua Becamex IDC luôn bám sát các chương trình, chiến lược đột phá của tỉnh, đồng thời hưởng ứng tích cực chủ trương xã hội hóa trên nhiều lĩnh vực; quản lý đồng vốn hiệu quả, cũng như tạo đòn bẩy lan tỏa các hoạt động hướng đến dân sinh, cộng đồng. Becamex IDC tiếp tục nghiên cứu sâu, phát triển, tập trung đầu tư xây dựng cả hạ tầng kỹ thuật - công nghệ, lẫn hạ tầng xã hội, đó là phát triển công nghiệp gắn với phát triển các khu đô thị - dịch vụ. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng lớn phục vụ phát triển cho khu vực phía Bắc, nghiên cứu xây dựng KCN KHCN tại huyện Bàu Bàng để giải quyết nhu cầu thu hút ngành nghề có hàm lượng KHCN và giá trị gia tăng cao, thúc đẩy hình thành trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, thu hút lao động trí thức và có tay nghề cao, gia tăng hàm lượng công nghệ và chất xám trong các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Bình Dương”. |
PHƯƠNG AN