Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Đây là mục tiêu mà 118 Tổ công nghệ số cộng đồng của TP.Thủ Dầu Một hướng tới. Với phương châm “bám dân”, các thành viên trong tổ đi từng ngõ, gõ từng nhà hỗ trợ người dân sử dụng các nền tảng số, ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống hàng ngày.
Các thành viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn chị Huỳnh Trâm, hộ bán bưởi trên đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Hiệp An cách thanh toán không dùng tiền mặt
Hướng dẫn từng người dân sử dụng các nền tảng số
Theo chân các thành viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng khu phố 3 và Tổ thanh niên tình nguyện chuyển đổi số phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một, chúng tôi đến tận nhà người dân, hộ buôn bán nhỏ để hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Với sự hướng dẫn của thành viên các tổ, rất nhiều hộ dân ở khu phố 3 đã thành thạo hơn khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng định danh điện tử (VNeID), bảo hiểm xã hội số (VSSID). Không chỉ hướng dẫn người dân sử dụng thành thạo thao tác trên các ứng dụng mà các thành viên còn hỗ trợ người dân tạo lập tài khoản thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt, lập mã QR, đăng ký, sử dụng các sàn thương mại điện tử để mua bán, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Vừa hướng dẫn xong một người dân tham gia sàn thương mại điện tử, anh Nguyễn Đức Huy, Bí thư Phường đoàn Hiệp An, cho biết: “Đây là những việc làm thường xuyên của các thành viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng. Nhiệm vụ của tổ là đưa người dân tham gia môi trường số, giúp họ thay đổi nhận thức và sử dụng thành thạo hơn các nền tảng số”.
Với mục tiêu đưa kỹ năng số đến với người dân khu phố 3, Ban điều hành khu phố 3, phường Hiệp An đã huy động 70 thành viên tham gia Tổ công nghệ số cộng đồng. Chị Huỳnh Trâm, hộ dân bán bưởi Bạch Đằng trên đường Nguyễn Đức Cảnh, chia sẻ: “Lúc đầu tiếp cận thanh toán không dùng tiền mặt tôi rất sợ mất tiền nên nhìn thấy ứng dụng là hoa cả mắt, chóng cả mặt. Nhờ hướng dẫn tận tình của các thành viên trong Tổ chuyển đổi số nên nay tôi thực hiện các thao tác chuyển tiền, giao dịch rất dễ dàng. Hiện nay tôi có thể mua bán, trao đổi hàng hóa khắp cả nước”.
Chia sẻ về kết quả chuyển đổi số thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng, bà Nguyễn Thị Ngọc Ngữ, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp An, cho biết hiện nay với sự phát triển rất nhanh của công nghệ thông tin và chuyển đổi số, mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng trở thành “cánh tay nối dài” của địa phương. Toàn phường có 9 Tổ công nghệ số cộng đồng và 1 Tổ thanh niên tình nguyện chuyển đổi số thường xuyên bám dân để hướng dẫn bà con cách đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử và cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
“Nhờ đó, những khó khăn về nhận thức không còn là rào cản, người dân phấn khởi tiếp cận nhanh hơn với công nghệ số. Tính đến nay, toàn phường đã thực hiện hồ sơ tích hợp định danh điện tử được hơn 5.100 người dân trên tổng số hơn 12.600 dân thường trú. Đặc biệt, phường đã kích hoạt được 4.826/5.154 tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2. Với quyết tâm, nỗ lực của cán bộ, công chức, lực lượng công an, quân sự, đoàn viên và các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng, năm 2022, chỉ số cải cách hành chính của phường Hiệp An từ vị trí 12 vượt lên vị trí thứ 7/91 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh”, bà Nguyễn Thị Ngọc Ngữ nói.
Mắt xích chuyển đổi số cơ sở
Hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng hiện không chỉ là câu chuyện đơn lẻ ở phường Hiệp An mà mô hình đang được thực hiện rầm rộ trong toàn thành phố, góp phần làm thay đổi nhận thức chuyển đổi số tới từng người dân. Thống kê tính đến nay, trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một có 118 Tổ công nghệ số cộng đồng/118 khu phố, đạt 100% khu phố thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng.
Ông Phan Hữu Nghĩa, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP.Thủ Dầu Một, cho biết Tổ công nghệ số cộng đồng tại các khu phố không chỉ là mắt xích đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số mà còn là cầu nối của chính quyền địa phương đưa các chủ trương, chính sách của tỉnh, thành phố về chuyển đổi số đến với người dân trên 3 phương diện: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Với mục tiêu đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền thông qua mạng lưới Tổ công nghệ số cộng đồng.
Qua tuyên truyền, người dân cơ bản biết sử dụng các nền tảng số, như: Nộp hồ sơ giải quyết các thủ tục hành chính trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của tỉnh; triển khai thanh toán trực tuyến, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và các ứng dụng trên các thiết bị thông minh... Qua đó, các hoạt động đã từng bước thúc đẩy chuyển đổi số đến từng hộ gia đình, từng người dân, tạo thói quen cho người dân trên môi trường số, thúc đẩy sử dụng nền tảng số, công nghệ số.
Nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một đã được tập huấn kiến thức về thương mại điện tử để mở tài khoản thanh toán điện tử sử dụng nền tảng số, công nghệ số đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm nâng cao hiệu quả bán hàng, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình. |
HOÀNG LINH