| 18-05-2015 | 08:47:04

Gặp người thể hiện hình tượng Bác Hồ nhiều nhất

Tôi được nghệ sĩ (NS) Văn Tân hẹn gặp khi ông có dịp biểu diễn tại TP.HCM và Bình Dương vào dịp 30-4 vừa qua. Ấn tượng và thú vị ngay từ phút đầu gặp mặt bởi ông chờ sẵn trước trụ sở Công an tỉnh (đơn vị mời ông đến biểu diễn hình tượng Bác Hồ). Ông nói đùa: “Mình lo là bạn khó tìm mình nên chờ sẵn…”.

 Nghệ sĩ Văn Tân (đóng vai Bác Hồ) chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Ảnh: THANH LÂM

Tự hào được thể hiện hình tượng nghệ thuật Bác

“Bình Dương thay đổi nhanh quá! Mình đến đây lần thứ 4 và lần nào cũng thấy sự đổi mới thật nhanh chóng”. NS Văn Tân bắt đầu câu chuyện như thế. Ông cho biết, đã từng đến Bình Dương biểu diễn ở trường Chính trị tỉnh, các trường học và Công an tỉnh.

NS Văn Tân sinh năm 1943, quê huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Ông nguyên là Phó Trưởng đoàn Kịch nói Hà Bắc, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Bắc Giang, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Giang, nguyên Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật Chèo Bắc Giang… Ông đã đi khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước để thể hiện hình tượng Bác Hồ. Ông cho biết, tính từ năm 1974 đến hết tháng 4 năm nay, ông có 1.786 lần thể hiện hình tượng Bác trên sân khấu. “Đó là chưa kể tháng 5 này, nhiều nơi mời nhân kỷ niệm sinh nhật Bác”, NS Văn Tân chia sẻ.

NS Văn Tân kể: “Sau ngày Bác Hồ mất độ một năm (1970), đồng chí Tố Hữu lúc đó là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã đưa ra yêu cầu: “Các văn NS nghiên cứu và thể hiện hình tượng Bác Hồ trong phim ảnh và sân khấu để sau này đất nước thống nhất đồng bào miền Nam sẽ hiểu sâu sắc hơn về sự nghiệp cách mạng cũng như tình cảm, tư tưởng, phong cách giản dị mà vô cùng vĩ đại của Người”. Dạo ấy, là diễn viên của Đoàn Ca múa kịch Hà Bắc, tôi đã mong ước được một lần đóng vai Bác Hồ. Biết rằng, hình ảnh Bác Hồ ngoài đời thực đã trở nên rất thiêng liêng, ăn sâu vào trái tim, khối óc mỗi người, thể hiện hình tượng Người là thử thách lớn, với bất cứ loại hình nghệ thuật nào. Nhưng tôi đã âm thầm thực hiện ý nguyện này. Tôi tự hóa trang từ tết tóc, làm râu… rồi suy nghĩ, nung nấu viết một hoạt cảnh về Bác. Nhớ lại kỷ niệm 2 lần may mắn và vinh dự được gặp Bác Hồ khi Người về thăm quê hương Bắc Giang (1961 và 1963), rồi qua phim ảnh, tôi cứ hình dung ra để cố gắng thể hiện hình tượng Bác trong hoạt cảnh kịch nói “Kỷ niệm cao quý” và ngày 17- 1-1974, lần đầu tiên tôi biểu diễn hình tượng Bác để báo cáo với lãnh đạo tỉnh”.

Trước khi lên sân khấu, ông hóa trang rất kỹ lưỡng để làm sao trên khuôn mặt, như: mũi, trán, cằm, râu, mái tóc… đều giống Bác. Nhưng điều quan trọng nữa là bản thân ông phải luyện giọng nói, tập từ dáng đi đến phong cách, đặc biệt là ánh mắt trìu mến thân thương của Bác khi tiếp xúc với mọi người, thể hiện cho thật sự giống và có hồn. Đấy là điều vô cùng khó khăn. Để học hỏi kỹ lưỡng, ông đến gặp đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác. Đồng chí Vũ Kỳ tặng ông cuốn băng ghi lại những lần Bác diễn thuyết, đọc thơ… Với 13 bài, ông mở băng để nghe và học theo. Ông cũng vào tận Nghệ An quê Bác để học giọng của người xứ Nghệ. Và một điều nữa, ông phải đọc rất nhiều, rất kỹ những bài nói, bài viết của Bác, để khi biểu diễn không làm ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của khán giả. Nhưng kết quả thật bất ngờ, những người có mặt trong buổi biểu diễn đó đều công nhận, việc hóa trang và diễn xuất đã có những nét giống Bác Hồ ngoài đời, mở ra cơ hội để ông và những diễn viên khác, có thể tự tin thể hiện hình tượng Bác Hồ trên phim ảnh, sân khấu…

Càng tự hào càng nhắc mình học tập Bác!

Người bạn đời của NS Văn Tân là một trong những người “nhắc nhở” ông nhiều nhất về nghệ thuật. Ông kể: “Bà nhà tôi là giáo viên nên chỉn chu trong cách dạy dỗ con cháu cũng như thường nhắc nhở tôi giữ gìn hình ảnh đẹp trong mắt mọi người. Vợ tôi dặn khi đã hóa trang xong thì ít tiếp xúc chuyện trò, khi lên sân khấu phải tĩnh tâm, nhập vai thật tốt. Bởi khi đó, tôi không còn là Văn Tân nữa mà phong thái, lời nói là của Bác. Như vậy mới là tôn trọng khán giả, yêu kính Bác” Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước ông đều đã đến biểu diễn. Mỗi lần bước ra sân khấu, khi khán giả vỗ tay, hô lên: “Bác Hồ! Bác Hồ!” là thêm một lần niềm xúc động trào dâng… Ông thấy như được Bác yêu thương để thể hiện một cách tốt nhất, có hồn, đem lại xúc cảm thiêng liêng cho khán giả. 1.786 lần biểu diễn, lần nào diễn xong ông cũng ghi nhật ký để ghi lại những gì mà cả người diễn và người xem đều thể hiện trong đó. Mỗi nơi một nét, nhưng đều một chung cảm xúc: Ở đâu, dù miền xuôi hay miền ngược, dù đô thị hay nông thôn, miền Nam hay miền Bắc, tất cả đều một lòng kính yêu Bác Hồ. Kỷ niệm lớn nhất của ông trong lần đến nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được Đại tướng ân tình nhắc nhở: “Anh Văn Tân nhớ rằng: Đại tướng đánh bại nhiều tướng đế quốc, nhưng cũng chỉ làm đóa hoa bên hiên nhà Bác đấy nhé”. Sự khiêm tốn, giản dị đó của vị Đại tướng lừng danh đã cho ông bài học quý về thể hiện hình tượng Bác sao cho đạt độ gần gũi, đời thường nhất.

NS Văn Tân được Trung tâm Sách kỷ lục và Viện Sở hữu trí tuệ Việt Nam trao tặng Bằng xác lập kỷ lục Việt Nam: “Người thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu và điện ảnh phục vụ nhân dân nhiều nhất”. Giáo sư Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam, đánh giá: “NS Văn Tân là người thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu thành công nhất”.

NS Văn Tân cũng xúc động kể lại lần đầu tiên ông được ra huyện đảo Trường Sa biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ canh giữ một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, ông đã nhắc lại lời dạy của Bác: “Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó” làm cho ai nấy đều bồi hồi, xúc động.

Ông cũng nhắc mình phải học tập theo Bác. Ông tâm niệm phải giữ tư cách, đạo đức, lối sống mọi lúc mọi nơi. NS Văn Tân tự ghi nhớ 10 điều: “Thứ nhất vui khỏe thật thà/ Thứ hai công việc cửa nhà thật chăm/ Thứ ba việc công siêng năng/ Thứ tư người giúp biết công ơn người/ Thứ năm chống mọi bệnh lười/ Thứ sáu sự nghiệp tình đời thủy chung/ Thứ bảy tốt xấu chịu cùng/ Thứ tám nhất nhất vững lòng tự tin/ Thứ chín nghị lực phi thường/ Thứ mười có Đảng mở đường tiến lên/ Mười điều luôn nhớ, không quên/ Rèn tâm - đức - trí mới nên thân người/ Người ta sống ở trên đời/ Đức mà bền gốc thì tài bền lâu”…

Được gặp và chuyện trò cùng ông, điều tôi nhận ra là ông có một tình yêu, một niềm tin bao la dành cho vị lãnh tụ kính yêu. NS Văn Tân nói vẫn sẽ tiếp tục thể hiện hình tượng Bác Hồ đến lúc nào “không còn sức để diễn, hơi để nói thì thôi bởi đó là một niềm vinh hạnh vô bờ…”.

 

 QUỲNH NHƯ

 

 

 

Chia sẻ