Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Bác sỹ Trần Thị Mai Linh khám bệnh, trao đổi với bệnh nhân.
Trong 35 bác sỹ của Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, nhiều năm qua chỉ có một nữ bác sỹ duy nhất là chị Trần Thị Mai Linh. Đây cũng là nữ bác sỹ duy nhất trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh sọ não ở khu vực phía Nam.
Chị được gọi là “bông hồng thép” bởi với đôi bàn tay tài hoa của mình, chị đã giành lại sự sống từ tay "tử thần" cho nhiều bệnh nhân.
Đam mê với lĩnh vực ít người lựa chọn
Trong suốt 24 giờ trực ở bệnh viện, dường như mọi người ít thấy bác sỹ Mai Linh ngơi tay. Giải thích cặn kẽ với người bệnh và thân nhân để họ yên tâm và tìm hiểu kỹ từng trường hợp bệnh để đưa ra phương án điều trị hợp lý nhất, dồn hết tâm sức cho từng ca phẫu thuật là phương châm làm việc của bác sỹ Mai Linh trong nhiều năm qua.
Lý giải lý do chọn lĩnh vực thần kinh sọ não - lĩnh vực mà ngay cả bác sỹ nam cũng dè dặt, bác sỹ Mai Linh cho biết khi học tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chị theo học bác sỹ đa khoa.
Đến khi học nội trú, chị bắt đầu chú ý tới lĩnh vực này vì ít người lựa chọn. Với chị, bộ não con người với hàng triệu nơron thần kinh có sức hấp dẫn kỳ lạ. Càng học, càng dấn thân, chị càng có niềm đam mê.
Theo bác sỹ Mai Linh, đến bây giờ, khoa học tuy đã phát triển nhưng bộ não vẫn có nhiều bí ẩn. Có những điều không thể lý giải hết được hoàn toàn về mặt khoa học nên chị tiếp tục nghiên cứu và càng nghiên cứu, khám phá thì càng đam mê.
Theo bác sỹ Mai Linh, phụ nữ đi theo lĩnh vực ngoại khoa phải cố gắng gấp nhiều lần so với nam giới bởi thể lực yếu hơn, độ bền kém hơn. Hơn nữa, phụ nữ thường bị chi phối bởi cảm xúc trong khi phẫu thuật viên ngoại khoa phải rèn luyện được trạng thái “không cảm xúc” trong mỗi ca mổ.
Trước đây, có những ca mổ phải thao tác với các dụng cụ nặng như: khoan, cưa… khiến chị gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, điều đó cũng là động lực để chị rèn luyện thể lực mỗi ngày.
Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, số lượng bệnh nhân cần phẫu thuật sọ não luôn đông bởi gần như toàn bộ bệnh nhân khu vực phía Nam đều về đây. Vì vậy, có những ngày chị phải tham gia từ 3-4 ca phẫu thuật, thậm chí có ca kéo dài từ 6-7 giờ đồng hồ.
Tuy vất vả nhưng chị luôn dặn mình không được bỏ cuộc bởi đằng sau mỗi ca mổ là một sinh mạng, là niềm vui, hạnh phúc của cả một gia đình.
Điểm tựa hy vọng của người bệnh
Với tần suất mổ từ 3-5 ca/ngày, chuyện ngoài mong muốn là điều không thể tránh khỏi. Chị từng bất lực, rơi nước mắt trên bàn mổ khi không cứu được người bệnh. Sau những ca mổ như thế, chị lại tự mình rút kinh nghiệm, trau dồi thêm kiến thức từ thực tế để làm tốt hơn nhiệm vụ cứu người.
Gần 15 năm trong nghề, bác sỹ Mai Linh luôn cho rằng công việc của mình mang đến sự kỳ diệu. Với chị, những ca mổ thành công, sự hồi phục của bệnh nhân, nụ cười hạnh phúc của gia đình người bệnh là món quà quý giá nhất.
Bác sỹ Mai Linh chia sẻ có bệnh nhân đang hôn mê nhưng nếu được can thiệp kịp thời sẽ hồi phục rất nhanh. Những lúc như vậy, chị cảm thấy phấn khích và là động lực để tiếp tục theo đuổi công việc vất vả này.
Là nữ bác sỹ duy nhất trong khoa, bác sỹ Mai Linh chưa bao giờ chịu thua đồng nghiệp nam. Trong bất cứ nhiệm vụ nào, nữ bác sỹ cũng luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Phó giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ Huỳnh Lê Phương, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy nhìn nhận mỗi ca phẫu thuật thần kinh sọ não căng thẳng thường kéo dài từ 3 đến 7 giờ đồng hồ. Đây là một thách thức với nam giới và với phụ nữ thì sẽ càng căng thẳng hơn. Tuy nhiên, bác sỹ Mai Linh rất chịu khó, kiên trì.
Ngoài kiến thức, tay nghề, lĩnh vực phẫu thuật sọ não đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và chăm chút cho mỗi thao tác mổ. Bác sỹ Mai Linh có được tất cả những tố chất đó.
Trong mỗi ca phẫu thuật thần kinh sọ não, bác sỹ Mai Linh được xem là điểm tựa hy vọng của bệnh nhân và người nhà. Đằng sau một bác sỹ luôn hết mình với những ca phẫu thuật, với bệnh nhân, là một hậu phương vững chắc, đó là gia đình.
Nữ bác sỹ hạnh phúc tâm sự chị may mắn khi mọi người trong gia đình luôn ủng hộ, cùng sẻ chia những vất vả trong công việc. Nhờ đó, chị có thể toàn tâm toàn ý với với công việc của một phẫu thuật viên thần kinh sọ não./.
Theo TTXVN