| 11-04-2014 | 00:00:00

Giải bài toán cử nhân đi học trung cấp

Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều người tốt nghiệp đại học (ĐH) ra trường phải đi học trung cấp nghề để dễ kiếm được việc làm. Những con số thống kê dưới đây của ngành chức năng thấy mà xót xa:

 Ở trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, trong số 2.000 học sinh (HS) trường tuyển mỗi năm, có khoảng 30% có bằng ĐH, cao đẳng (CĐ), thậm chí là thạc sĩ; ở trường TC Đại Việt năm 2011 có 1.812 HS thì 308 người đã tốt nghiệp ĐH, CĐ và thạc sĩ. Năm 2012 có 1.607 người học thì 304 có bằng ĐH, CĐ; còn trường Trung cấp Ánh Sáng, mỗi năm trường chỉ tuyển 1.000 HS nhưng tới 30% trong số đó đã có bằng ĐH, CĐ...

Nhiều ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cho rằng nguyên nhân là do hệ ĐH, CĐ tăng chỉ tiêu tuyển sinh làm cho lượng đầu ra của các hệ này nhiều hơn nhu cầu của xã hội. Đây là ý kiến xác đáng nhưng xem ra chưa đủ. Lý do còn phải kể đến là HS theo nghề không phù hợp với nhu cầu thị trường, nội dung đào tạo của các trường “lệch pha” với đòi hỏi thực tế, chất lượng đào tạo nghề của các trường chưa theo kịp thực tiễn, hay tâm lý “sính” bằng ĐH của một bộ phận không nhỏ người dân hiện nay…

Một vấn đề cũng cần nhìn nhận đó là công tác định hướng nghề nghiệp của chúng ta thời gian qua làm chưa tốt. Hàng năm, sắp đến kỳ thi ĐH, CĐ, các ngành, các cấp đều tổ chức các chương trình hướng nghiệp cho HS, nhưng kết quả đạt được còn khiêm tốn, thiếu chiến lược lâu dài, đặc biệt là thiếu sự liên kết ổn định với cộng đồng doanh nghiệp và dự báo ngành nghề trong tương lai. Đây là vấn đề cần cấp thiết khắc phục. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần xây dựng được cơ cấu nhân lực, từ đó xác định chỉ tiêu các ngành nghề, loại hình để ngành giáo dục căn cứ xây dựng chiến lược nguồn nhân lực cho phù hợp. Đồng thời, phải tính toán để biết trong những năm tới nền kinh tế của đất nước cần những lĩnh vực nào, nguồn lao động ra sao, số lượng bao nhiêu để các trường có cơ sở đào tạo phù hợp, để sinh viên khi ra trường có được việc làm phù hợp với ngành nghề mình được đào tạo.

Theo Quy hoạch nhân lực quốc gia, tới năm 2015 nước ta cần khoảng 3,5 triệu lao động trình độ ĐH trở lên, nhưng thực tế cuối năm 2013 chúng ta đã có hơn 3,7 triệu lao động có trình độ này. Điều đó cho thấy sự cấp thiết phải tính toán việc đào tạo cho hợp lý để giải quyết căn cơ tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” như hiện nay

 HOÀNG ANH

Chia sẻ