Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 5.800 doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics. Trong đó, có khoảng 62 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ logistics tại các khu, cụm công nghiệp trong các lĩnh vực: Vận tải và cho thuê container, xây dựng và cho thuê nhà xưởng, kho bãi; dịch vụ đóng gói, dán nhãn, thu gom, phân phối hàng hóa; dịch vụ tư vấn hỗ trợ xuất nhập khẩu; dịch vụ giao nhận và khai báo hải quan; dịch vụ bán cước phí tàu biển…
Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất cản trở sự phát triển của ngành logistics nói chung, các hoạt động dịch vụ logistics nói riêng, chính là nguồn nhân lực và nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2 trường đại học đã triển khai đào tạo ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, nhìn chung trình độ tay nghề và tính chuyên nghiệp trong ngành logistics vẫn ở mức trung bình khá, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng nhiều của các doanh nghiệp dịch vụ logistics của tỉnh trong dài hạn.
Để giải quyết bài toán nguồn nhân lực logistics, Bình Dương đã và đang triển khai hiệu quả công tác đào tạo tại các trường nghề, cao đẳng, đại học và sau đại học, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Khuyến khích mở các cơ sở đào tạo nghề hoặc bổ sung chương trình đào tạo về logistics và chuỗi cung ứng. Tăng cường tìm kiếm các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế cho chương trình đào tạo ngắn hạn, dài hạn; có chính sách thu hút lực lượng lao động có trình độ, kỹ thuật vào hoạt động logistics trên địa bàn…
Không thể phủ nhận logistics là ngành có tiềm năng phát triển lớn. Tuy nhiên, để khơi dậy tiềm năng đó thì trước mắt cần phải giải quyết tốt bài toán thiếu nguồn nhân lực của ngành này.
TRIẾT NHÂN