| 13-09-2017 | 14:50:43

Giải pháp “Gần doanh nhân, sát doanh nghiệp” để đưa doanh nghiệp hội nhập thương mại điện tử!

Ngày 25-1-2017, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch 304/KH-UBND về Phát triển thương mại điện tử (TMĐT) giai đoạn 2017-2020. Chúng tôi đã có buổi phỏng vấn ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM) về những khó khăn, rào cản, cũng như giải pháp để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch này: Phấn đấu 100% doanh nghiệp (DN) lớn, 65% DN vừa và nhỏ có website riêng để quảng bá thương hiệu sản phẩm và thông tin DN; 30% DN giao dịch hàng hóa và thanh toán trực tuyến qua các ứng dụng TMĐT và các thiết bị di động. Đẩy mạnh TMĐT trở thành hoạt động phổ biến của DN sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN, tạo tiền đề cho mục tiêu phát triển chuỗi cung ứng cho sản phẩm tiềm năng và chủ lực của tỉnh.

 - Tuy năm 2017 Bình Dương được xếp hạng 4 về chỉ số TMĐT trong cả nước. Song chỉ số TMĐT Bình Dương (43) cách khá xa với 2 thành phố dẫn đầu, TP.Hồ Chí Minh (78,6) và Hà Nội (75,8). Xin ông cho biết về những khó khăn, rào cản của TMĐT Bình Dương?

- Trên thực tế, TMĐT đã có những tác động tích cực đối với hoạt động kinh doanh của DN. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức đặt ra, một trong những trở ngại lớn nhất là chưa bảo đảm lòng tin của người tiêu dùng. Mặc dù đã có nhiều giải pháp thanh toán trực tuyến đã được triển khai, song người tiêu dùng vẫn chưa tin dùng và chưa có thói quen áp dụng phương pháp thanh toán mới này.

Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số quan niệm kiểu cũ. Người lãnh đạo DN chưa nhận thức đầy đủ về bản chất, đặc điểm, lợi ích ứng dụng TMĐT, cũng như thói quen mua hàng truyền thống (theo kiểu họp chợ) của người dân. Về phía người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của TMĐT đối với sự phát triển của xã hội. Đây cũng là rào cản lớn trong quá trình hội nhập TMĐT ở Bình Dương nói chung.

Trong quá trình thực hiện chương trình TMĐT cũng phát sinh những khó khăn, như tần suất phát sóng và nội dung các chương trình tuyên truyền về TMĐT trên các phương tiện truyền thông đại chúng còn hạn chế. Cơ sở vật chất phục vụ cho các lớp học đều phải thuê bên ngoài, do đó phần nào ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Thêm vào đó là địa bàn tỉnh rộng, hạ tầng phát triển không đồng đều, nên khó phát triển TMĐT rộng rãi trong cộng đồng xã hội. Đa số các DN trong tỉnh là DN vừa và nhỏ (sản xuất, gia công và lắp ráp theo đơn đặt hàng), nguồn nhân lực và cơ sở vật chất để triển khai TMĐT còn hạn chế.

- Trung tâm XTTM đã đề ra giải pháp phát triển TMĐT, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thực hiện thành công kế hoạch tỉnh giao?

- Để khắc phục khó khăn, đáp ứng yêu cầu phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh Bình Dương, phục vụ thiết thực nhu cầu của DN và người dân, nhằm triển khai thực hiện các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển TMĐT, đẩy mạnh TMĐT trở thành hoạt động phổ biến của DN, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN, tạo tiền đề cho mục tiêu phát triển chuỗi cung ứng cho sản phẩm tiềm năng và chủ lực của tỉnh. Theo Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Bình Dương giai đoạn năm 2017-2020, UBND tỉnh giao Sở Công thương chủ trì triển khai các nội dung: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về TMĐT, tổ chức các lớp bồi dưỡng đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực về TMĐT, tư vấn xây dựng kế hoạch ứng dụng TMĐT, hỗ trợ DN trên địa bàn ứng dụng TMĐT, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về TMĐT.

Trung tâm XTTM, Sở Công thương đã đề ra giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn, bằng việc kiến nghị các bộ liên quan cần đẩy mạnh việc ban hành các văn bản triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số và triển khai dịch vụ chứng thực cho website TMĐT. Tăng cường các văn bản mang tính pháp lý liên quan đến TMĐT để hỗ trợ DN trong quá trình giao dịch và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi tham gia trực tuyến. Phổ biến, tuyên truyền sâu, rộng hơn về chương trình TMĐT trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và tham gia. Khuyến khích DN đầu tư vào TMĐT, ứng dụng các công nghệ để nâng cao khả năng kết nối, giao dịch và xuất khẩu hàng hóa phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ các địa phương trong việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

- Theo kế hoạch phát triển TMĐT, đối tượng thụ hưởng và mục tiêu cũng như động lực phát triển TMĐT đều là DN. Xin ông cho biết giải pháp để DN Bình Dương hội nhập TMĐT mạnh mẽ hơn và nâng cao chỉ số TMĐT của Bình Dương?

- Giải pháp phát triển TMĐT ở Bình Dương cũng là giải pháp cải thiện một số điểm còn “thấp” đối với Bình Dương là cần phải đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ và phổ cập kiến thức về TMĐT; không ngừng hoàn thiện kết cấu hạ tầng và môi trường pháp lý cho TMĐT; có những biện pháp bảo đảm an toàn cho các giao dịch TMĐT; phát triển các dịch vụ công và tăng cường hơn nữa hợp tác khu vực và quốc tế trong lĩnh vực này. Đặc biệt, để thúc đẩy DN hội nhập TMĐT sâu rộng, Trung tâm XTTM đề ra giải pháp “gần DN, sát DN”.

Để hỗ trợ DN, thúc đẩy TMĐT phát triển, Sở Công thương đã tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo nâng cao năng lực quản lý TMĐT, bổ sung kiến thức TMĐT ứng dụng cho DN và cán bộ quản lý. Nhằm hỗ trợ DN nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược kinh doanh trên internet, quảng cáo đặt banner/logo/iTVCs, tiếp thị bằng các công cụ tìm kiếm (Google), quảng cáo qua mạng xã hội, Facebook marketing, phát triển cộng đồng, xây dựng thương hiệu, video marketing với youtube, cách thu hút hàng triệu lượt xem, tiếp thị qua mobile, email, các ứng dụng, tiện ích... Qua đó, Trung tâm XTTM và các chuyên gia phân tích những ưu điểm của Marketing Online so với marketing truyền thống để nâng cao nhận thức của DN về TMĐT. Do khách hàng sử dụng internet, các thiết bị số hóa để online ngày càng nhiều, đây là chiến lược marketing dựa trên sở thích, xu hướng của khách hàng, tiếp cận được khách hàng liên tục 24/7, tương tác 2 chiều giữa DN và khách hàng, chi phí thấp, không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đặc biệt, ngày 25-8, Sở Công thương Bình Dương đã tổ chức hội thảo: “Giải pháp liên kết xúc tiến xuất khẩu trực tuyến cho DN Bình Dương qua Alibaba.com”.

Tại hội thảo này đã bàn về mục tiêu phát triển TMĐT và những thách thức trong sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của Bình Dương năm 2017, tiềm năng kinh tế Việt Nam nói chung, Bình Dương nói riêng trong thời kỳ cách mạnh công nghiệp 4.0. Đặc biệt là bàn về tầm quan trọng của Liên minh Hỗ trợ Xuất khẩu Việt Nam VESA, giải pháp thanh toán thương mại từ VPBank với ưu đãi đặc biệt dành cho thành viên VESA, giải pháp thanh toán thương mại từ VPBank với ưu đãi đặc biệt dành cho thành viên VESA, giải pháp giao vận toàn cầu với ưu đãi đặc biệt dành cho thành viên VESA, bí quyết xuất khẩu trực tuyến thành công với giải pháp Gold Supplier của Alibaba.com.

Hàng năm, Trung tâm XTTM, Sở Công thương Bình Dương tổ chức cho DN tham gia các hội chợ, triển lãm hàng hóa trong nước và quốc tế, cũng như các hoạt động về TMĐT. Trong đó có hỗ trợ kinh phí cho các DN tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu từ nguồn kinh phí XTTM địa phương và của quốc gia. Trong trường hợp các DN quan tâm có thể liên hệ trực tiếp với Trung tâm XTTM hoặc truy cập tại trang website www. socongthuong.binhduong.gov.vn để được hướng dẫn cụ thể.

Để hỗ trợ tốt hơn cho DN, UBND tỉnh cũng giao Sở Công thương Bình Dương phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành khảo sát, nghiên cứu xây dựng Sàn giao dịch TMĐT của tỉnh, nhằm giúp tạo dựng cơ hội tìm kiếm thông tin cho các đối tác trong và ngoài nước biết đến các sản phẩm của các DN trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và tư vấn các pháp lý cho các DN tiếp cận với loại hình kinh doanh trực tuyến thuận lợi. Đồng thời có thể giúp cơ quan chuyên ngành tích hợp được hệ thống giao dịch, thanh toán trực tuyến và thuận lợi trong công tác quản lý.

- Xin cảm ơn ông.

BẢO ANH (thực hiện)

 

Chia sẻ