Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Có một cô giáo nghỉ hưu đã lâu nhưng chiều chiều vẫn cặm cụi đi bộ từ phòng trọ đến lớp học tình thương (LHTT) để chỉ dạy con chữ, lễ phép cho những đứa trẻ không có đủ điều kiện đến trường. Người mà chúng tôi muốn nhắc đến đó là cô Nguyễn Thị Ba, năm nay 72 tuổi, ở LHTT phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một...
Cô Ba “khoe” với chúng tôi về kết quả học tập tiến bộ của các em
Gieo chữ…
Hình ảnh một người phụ nữ khá lớn tuổi, lưng hơi còng, đi bán vé số dạo nhưng chiều chiều vẫn ghé qua LHTT phường Phú Cường chỉ dạy thêm cho các em về lễ nghĩa, cách sống, lâu lâu lại phát chút quà động viên các em làm tôi không khỏi tò mò muốn được gặp một lần. Cô Ba không có gia đình riêng, hiện sống một mình trong khu nhà trọ trên đường Nguyễn Văn Tiết, TP.Thủ Dầu Một. Dù đã lớn tuổi, nhưng cô bảo còn sức khỏe, đi lại được nên vẫn muốn lao động để tự lo cho cuộc sống và một phần dành làm từ thiện.
Trước đây, cô Ba là giáo viên trường Tiểu học Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một, năm 2003 nghỉ hưu. Do hoàn cảnh gia đình, khoảng 9 năm nay cô chuyển đến khu trọ này. Nhiều lúc buồn, cô cũng tính vào trung tâm nuôi dưỡng người già sống nốt quãng đời còn lại. Đến một trung tâm trên địa bàn tỉnh “tham quan”, cô nhận ra mình không hợp nên thay đổi ý định, quay về sống trong phòng trọ nhỏ, tiếp tục đi bán vé số để vừa đỡ buồn, vừa có tiền sinh hoạt hàng ngày.
Biết được tâm sự và nguyện vọng của cô muốn làm từ thiện, một số người quen đã giới thiệu cô đến LHTT phường Phú Cường để dạy học cho các em nhỏ khó khăn. “Hỏi thăm nhiều em nhỏ đi bán vé số, cô thấy hầu như em nào cũng vì hoàn cảnh khó khăn nên không được đi học. Thôi thì mình còn sức khỏe, không phải lo gì nhiều nên ráng ra đây giúp các em biết con chữ để sau này có cuộc sống tốt hơn. Mình là một giáo viên nghèo nên chỉ có tấm lòng vậy thôi...”, cô Ba chia sẻ.
Vậy là cô Ba trở lại bục giảng sau một thời gian nghỉ hưu. Lớp học và bục giảng nơi cô đứng lớp không giống như trước đây, bàn ghế cho các em ngồi học cái thấp, cái cao, học sinh nhiều lứa ruổi cùng ngồi chung… |
Một chiều giữa năm 2016, sau khi đã bán hết xấp vé số trong ngày, cô Ba tìm đến LHTT phường Phú Cường bày tỏ mong muốn được phụ dạy cho các em. Lúc đó, do thiếu người dạy các em nên những người quản lý lớp học (do Phường đoàn phụ trách) như “vớ được phao cứu hộ” khi nghe cô lên tiếng. Vậy là cô Ba trở lại bục giảng sau một thời gian nghỉ hưu. Lớp học và bục giảng nơi cô đứng lớp không giống như trước đây, bàn ghế cho các em ngồi học cái thấp, cái cao, học sinh nhiều lứa tuổi cùng ngồi chung. Thấy các em khó khăn vậy n h ư n g vẫn chịu khó đi học, cô thấy thương nên dành nhiều tình cảm và đều đặn đến lớp gieo chữ mỗi ngày cho các em.
Hiện tại, học sinh LHTT mà cô dạy có 20 em, được chia theo từng nhóm, mỗi nhóm có trình độ khác nhau (từ lớp 1 đến lớp 5). Dù lớp học bắt đầu vào lúc 17 giờ chiều hàng ngày (trừ thứ bảy, chủ nhật), nhưng hôm nào cô Ba cũng đến sớm. Ngồi nghỉ ở cái ghế dài phía trước Trung tâm Văn hóa phường Phú Cường (LHTT ở tầng 1), cô chờ các em đến đầy đủ, hướng dẫn các em ăn cơm miễn phí (do các nhà hảo tâm, Phường đoàn hỗ trợ) rồi cô trò cùng lên lớp. Nhìn các em lễ phép, ăn cơm xong biết dọn dẹp bàn ghế gọn gàng rồi mới xếp hàng ngay ngắn để cô điểm danh, chúng tôi biết rằng đó là kết quả mà cô Ba đã tận tâm chỉ dạy cho các em từ khi đến với lớp học này. Cô Ba nói: “Mỗi em khi đến với lớp học này, cô đều có một yêu cầu trước tiên là phải lễ phép. Khi biết lễ phép, các em sẽ cố gắng hơn trong học tập để sau này trở thành những công dân tốt...”.
Cô Ba tận tình chỉ dạy cho các em từng nét chữ, con số
Khi hỏi về những học trò nghèo trong LHTT, cô Ba kể có một em năm nay 33 tuổi rồi nhưng do nhà nghèo nên từ nhỏ không được đi học. Thấy em cũng có chí nên cô cũng tận tình chỉ dạy, chia sẻ thêm khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Từ chỗ không biết đọc, biết viết nay em đã học lên lớp 5. Lật tìm bài kiểm tra của em học trò có tên Huỳnh Kim Hạnh được chấm 9,5 điểm và “khoe” với chúng tôi về sự tiến bộ của em ấy trong thời gian qua. Em học trò cô vừa giới thiệu cũng vừa tới, vòng tay thưa cô một cách lễ phép. Hỏi Kim Hạnh sao biết lớp học này để tìm đến, em cười bẽn lẽn: “Mấy năm trước, em phụ việc ở một quán ăn và được một chị làm chung giới thiệu nên tìm đến lớp cô Ba xin học để sau này đỡ tủi thân. Cô Ba không chỉ dạy em biết đọc, biết viết mà còn giúp đỡ em trong cuộc sống. Cô đã dìu dắt em rất nhiều, em luôn biết ơn cô và sẽ cố gắng học để sau này có cuộc sống tốt hơn...”.
…Và làm từ thiện
Ngoài dạy ở LHTT, cô Ba còn tham gia vào những hoạt động từ thiện khác do nhóm Sen Vàng (nhóm từ thiện của những cựu giáo chức) hay những người quen tổ chức để được làm điều mà cô mong muốn từ lâu, được góp sức chia sẻ với những người khó khăn hơn.
Cô Ba cùng hát với các em trước khi vào lớp
Nghỉ hưu, cô Ba cũng có một khoản tiền để dành, nhưng cô nói khi nào thật sự cần mới dùng đến. Ngoài lo tiền sinh hoạt hàng ngày, cô vẫn đi bán vé số, muốn giúp các em bằng tiền mà cô kiếm được từ công việc này. “Chỉ tiêu” mỗi ngày cô bán 100 tờ vé số, tiền lời một nửa cô dùng để chi phí hàng ngày, một nửa dành để làm từ thiện, thiếu thì trích thêm tiền lương hưu của mình. Trong phòng trọ của cô, khi nào cũng có ít gạo, mì gói để khi biết ai khó khăn cô sẽ giúp. Từ mấy năm nay, cô cùng những người bạn còn hùn tiền nấu, phát 3 đợt cơm hoặc cháo từ thiện/năm (mỗi đợt khoảng 500 - 600 suất) chia sẻ với người lao động nghèo vào dịp rằm tháng tư, rằm tháng bảy và rằm tháng mười. “Cô cũng không dư dả gì, chỉ là một giáo viên nghèo thôi, nhưng bằng sức của mình cô muốn được chia sẻ một phần khó khăn với người nghèo khó hơn. Chỉ làm những việc nhỏ nhỏ vậy thôi nhưng thấy lòng mình nhẹ nhàng lắm...”, cô Ba chia sẻ.
Quà từ thiện cô dành dụm mua, phát cho bà con khó khăn, phần lớn vẫn dành cho các em ở LHTT phường Phú Cường. Ngoài những phần quà nhỏ tặng để động viên khi có em làm bài giỏi, ngoan, cô còn mua gạo, mì gói để lâu lâu tặng cho các em. Trong đợt ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 trước đây, cô đã mua 10 phần quà, mỗi phần 20kg gạo và 2 thùng mì để tặng cho 10 em khó khăn nhất trong LHTT này. Ngoài ra, được sự hỗ trợ của một số nhà hảo tâm khác, cô còn trao cơm, trứng gà cho các em... “Việc cô làm không đáng là bao, khi thì góp công, khi có tiền thì chỉ góp thêm đôi ba trăm ngàn thôi, nhưng cô thấy vui lắm. Vui vì mình già rồi vẫn làm được việc có ích giúp người khác bằng chính sức lao động của mình...”, cô nói và cười móm mém ...
HỒNG THUẬN