Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Hỏi: Do mâu thuẫn trong bàn nhậu đã xảy ra vụ án chém chết người. Có người cho rằng hành vi giết người này trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (TTTTBKĐM). Vậy tội giết người trong TTTTBKĐM được quy định như thế nào và thế nào là trạng thái tinh thần bị kích động mạnh?
TRẦN MINH TÂM (P.Mỹ Phước, TX.Bến Cát)
Trả lời: Điều 95 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định: Người nào giết người trong TTTTBKĐM do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân của người đó, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Giết nhiều người trong TTTTBKĐM thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
Theo Nghị quyết số 04/HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, TTTTBKĐM được hiểu là trạng thái người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, không tự kiềm chế được hành vi của mình. Hành vi giết người ở đây được thực hiện ngay tức thì, sau khi người phạm tội lâm vào TTTTBKĐM.
Nguyên nhân của TTTTBKĐM là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người đó. Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng có thể là một tội phạm hoặc hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác.
Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân có thể là một hành vi cụ thể và nhất thời, dẫn đến TTTTBKĐM ở người phạm tội. Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân cũng có thể được thể hiện ở dạng một chuỗi hành vi khác nhau, được thực hiện lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian dài và liên tiếp tác động đến tinh thần của người phạm tội, làm cho họ bị dồn nén về mặt tâm lý và lâm vào TTTTBKĐM.
Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân có thể đối với chính người phạm tội, hoặc có thể đối với những người thân thích của người phạm tội như ông, bà; cha, mẹ; vợ, chồng; con; anh, chị, em ruột…
Luật gia XUÂN LẠC