Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Cù lao Thạnh Hội hôm nay đang vươn mình với những sắc màu tươi mới. Nhiều cánh đồng rau công nghệ cao phủ xanh, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân và gìn giữ “lá phổi xanh” cho TX.Tân Uyên.
Giao thông nông thôn cù lao Thạnh Hội được đầu tư khang trang, thuận tiện
Thay đổi từ tư duy mới
Cù lao Thạnh Hội (xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên) được bao bọc bởi sông Đồng Nai, là vùng trồng rau, củ quả nổi tiếng của tỉnh Bình Dương. Từ khi cù lao Thạnh Hội (còn gọi là cù lao Rùa) trở thành vùng chuyên canh rau củ quả theo hướng nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, đời sống nông dân ngày càng được nâng lên và thêm gắn bó với thửa ruộng, khu vườn của mình.
Hiện nay, diện mạo cù lao Thạnh Hội ngày càng phát triển theo hướng đô thị xanh gắn với những mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Với sự nỗ lực không ngừng của chính quyền và người dân, xã Thạnh Hội đã xây dựng được một số mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao. Đến nay, xã đã thành lập được các tổ hợp tác sản xuất rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm tạo thế cạnh tranh trên thị trường cung cấp rau củ quả sạch. Hoạt động của các tổ hợp tác sản xuất rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Thạnh Hội hiện đang khá hiệu quả, giúp nâng cao thu nhập rõ rệt cho các thành viên.
Ngoài ra, ở xã còn có nhiều hợp tác xã (HTX) được thành lập, tham gia tích cực vào việc trồng rau củ quả sạch. Được biết, từ nhiều năm trước, HTX dịch vụ nông nghiệp Thạnh Hội đã phối hợp tích cực thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP” trên diện tích 4ha với cây hành lá, dưa leo, cải ngọt và ớt cay. Kết quả, năng suất và sản lượng của mô hình đạt và vượt yêu cầu. Từ sự tích cực canh tác rau sạch ở khu vực kinh tế tập thể đã giúp cho xã Thạnh Hội triển khai đề tài “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm rau Thạnh Hội” nhằm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho cộng đồng.
Hiện nay, phát huy sự “tương thân, tương ái”, nông dân xã cù lao lại chia sẻ cho nhau kinh nghiệm, đầu mối tiêu thụ để phát triển cây bạc hà và đã đem lại giá trị kinh tế cao. Người dân cũng luôn đổi mới tư duy, tìm hiểu, thử nghiệm những loại cây trồng phù hợp. Từ đó, rau củ quả xứ cù lao Rùa lại nhộn nhịp theo đường sông, đường bộ về chợ Biên Hòa, Tam Hiệp và các chợ đầu mối khác của tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cái khó khăn lớn nhất của vùng chuyên canh trồng rau này là vẫn chưa có được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để giá trị nông sản được nâng lên.
Theo ông Trương Văn Thanh Giang, Chủ tịch UBND xã Thạnh Hội, thành lập các HTX được xem là giải pháp hữu hiệu để làm gia tăng giá trị cho sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Rau Thạnh Hội”, nhất là thành lập mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao các quy trình kỹ thuật sản xuất rau đạt tiêu chuẩn chất lượng mang nhãn hiệu tập thể của xã. Bên cạnh việc khuyến khích thành lập tổ hợp tác, HTX thu mua nông sản, dịch vụ sơ chế nông sản, chính quyền xã Thạnh Hội và TX.Tân Uyên còn trang bị kiến thức cho nông dân trong xã thông qua việc mở nhiều lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh; kỹ thuật chăm sóc rau trong nhà lưới.
Người dân phấn khởi
Từ khi cù lao Thạnh Hội trở thành vùng chuyên canh rau củ quả, đời sống nông dân thêm gắn bó với thửa ruộng, khu vườn của mình. Cô Nguyễn Thị Cúc (ấp Nhựt Thạnh), cho biết người dân phấn khởi trước những thành quả, đổi thay của quê hương. Người dân rất vui mừng khi giữ được không gian xanh, mát mẻ của vùng sông nước cù lao mà ông cha để lại. Hiện nay, đời sống của người dân cũng được nâng lên khá rõ khi địa phương phối hợp với các đơn vị khuyến nông, bảo vệ thực vật của TX.Tân Uyên động viên, tư vấn nông dân tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng vật nuôi có năng suất và giá trị kinh tế cao. Kinh nghiệm của nhà nông kết hợp với khoa học kỹ thuật đã sớm tạo cho vùng chuyên canh rau củ quả cù lao Thạnh Hội bảo đảm chất lượng, số lượng theo nhu cầu của thị trường.
Cũng như cô Cúc, cô Võ Kim Nhung (ấp Nhựt Thạnh) cũng cảm thấy tự hào khi giữ được cù lao xanh mướt đến hôm nay. “Từ năm 2010, khi có cây cầu bắc qua cù lao, cuộc sống của người dân chúng tôi trở nên phát triển hơn. Điện đường, trường trạm được nhà nước đầu tư, đời sống kinh tế người dân được nâng lên rõ rệt. Người dân chúng tôi phấn khởi cùng nhau cải tạo cảnh quan, nhân giống trồng những cây hoa truyền thống của quê hương với mong muốn giữ được vùng quê xanh và những nét đẹp truyền thống của xứ cù lao”, cô Nhung tâm sự.
Ông Trương Văn Thanh Giang cho biết thêm, được sự quan tâm của TX.Tân Uyên, xã Thạnh Hội xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới gắn với giữ gìn những mảng xanh, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao đời sống, tinh thần cho nhân dân. Trong đó, người dân Thạnh Hội là đối tượng thụ hưởng thành quả nông thôn mới nhiều nhất, trực tiếp nhất. Từ thắng lợi của việc triển khai chương trình nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thạnh Hội đang nỗ lực chuyển mình theo hướng nông nghiệp - dịch vụ - du lịch sinh thái. Trong thời gian tới, xứ sở cù lao tiếp tục giữ vững diện tích sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, trong đó “điểm nhấn” là dịch vụ sinh thái vườn. Xã đang tập trung định hướng phát triển du lịch sinh thái vườn, phát triển các loại hình phục vụ du lịch; khuyến khích thành lập tổ hợp tác; HTX thu mua nông sản, dịch vụ sơ chế nông sản…
MY PHAN