Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Gừng - dù tươi, tán thành bột hay ngâm chua - đều làm tăng hương vị cho các món ăn. Loại rễ có vị cay này còn có thể giúp cho những người bị hen suyễn thở dễ dàng hơn đôi chút.
Nhiều thứ thuốc thông dụng được dùng để làm dịu bớt các tác động của cơn bệnh - như các thứ thuốc thuộc nhóm beta-agonist - có tác dụng làm giãn các cơ trơn của khí quản, giúp không khí vào và thoát ra phổi dễ dàng hơn. Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Columbia, trong khi nghiên cứu với các mẫu mô khí quản của con người, phát hiện ra rằng các thành tố được thanh lọc của gừng có thể làm tăng tác dụng của các loại thuốc như vậy. Trong buổi thuyết trình trước hội nghị quốc tế của Hiệp hội nghiên cứu các bệnh về ngực của Mỹ, nhà nghiên cứu Elizabeth Townsend giải thích rằng các thành tố trong gừng ức chế một loại enzyme và cấu trúc của một protein giữ một vai trò trong sự co thắt các cơ trơn của khí quản. Bà nói: Bằng cách tìm hiểu các thành tố trong gừng ảnh hưởng đến đường hô hấp, chúng ta có thể tìm cách sử dụng những phương pháp điều trị này để giúp giảm bớt các triệu chứng của cơn hen suyễn. Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ ước tính có khoảng 300 triệu người trên thế giới bị chứng hen suyễn.
Tại hội thảo “Ngày hen toàn cầu” diễn ra vào ngày 19-5, bác sĩ Nguyễn Như Vinh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hô hấp TP.HCM cho biết, Việt Nam có 4 - 5% người trưởng thành mắc bệnh và tỷ lệ này nhiều gấp đôi ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân chính gây ra bệnh hen gồm: môi trường, hệ miễn dịch, tính di truyền; do đó, khi cha mẹ bị bệnh hen thì khả năng con mắc bệnh rất cao. Theo BS Nguyễn Như Vinh, hiện y học vẫn không có tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh hen mà phải dựa vào tình trạng bệnh sử ho khò khè, nặng ngực, khó thở của người bệnh, đồng thời phải tiến hành các xét nghiệm hỗ trợ, khám lâm sàng... Dù bệnh không thể chữa dứt nhưng vẫn được kiểm soát tốt nhằm đưa bệnh nhân trở về cuộc sống bình thường.
XUYẾN CHI