Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Ngay khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trong giai đoạn phòng ngự khó khăn, thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 16-2- 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh - liệt sĩ (TB-LS) đối với cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Ngày 27-7-1947, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, các đại biểu Tổng bộ Việt Minh và một số địa phương đã dự một cuộc họp quan trọng nhằm thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ngày kỷ niệm TB-LS và bảo vệ công tác TB-LS. Tại cuộc họp này, các đại biểu nhất trí đề nghị Trung ương lấy ngày 27-7 làm Ngày TB-LS toàn quốc - ngày toàn dân cùng thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, là dịp để đồng bào “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh”.
Vì nghĩa cử và sự hy sinh cao cả của NCC nên Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở chúng ta: Đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp cho xứng đáng… Thực hiện lời dạy của Người, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn thường xuyên dành sự ưu đãi cả vật chất và tinh thần cho đối tượng NCC, tạo điều kiện để cuộc sống của họ ngày càng tốt đẹp hơn, nhiều văn bản chính sách được ban hành, thể hiện tính liên tục và luôn đổi mới, bảo đảm tính phù hợp trong quá trình phát triển của thực tiễn đất nước, tạo cơ hội và điều kiện để NCC được chăm sóc, ưu đãi và vươn lên hòa nhập cộng đồng, tiếp tục cống hiến cho đất nước. Các đối tượng được ghi công, được ưu đãi ngày càng mở rộng, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể và tăng trưởng kinh tế, gắn kết với bảo đảm an sinh xã hội, được cụ thể hóa ở Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung chính sách, chế độ ưu đãi đối với NCC.
Cùng với những chính sách ưu đãi của Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của dân tộc, phát huy được sức mạnh của cả cộng đồng. Vấn đề an sinh xã hội nói chung, đặc biệt là ưu đãi, chăm sóc NCC để không ngừng nâng cao mức sống của họ nói riêng, có ý nghĩa và tác động không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn có tác động mang tính nhân văn, tính ưu việt của chế độ ở tầm khu vực và quốc tế.
Mặc dù được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và sự đùm bọc giúp đỡ của nhân dân, các TB, gia đình LS và NCC không ỷ lại, mà trái lại, đa số TB, thân nhân LS và NCC đã không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập, công tác và lao động sản xuất. Chúng ta hết sức khâm phục và tự hào về những con người tiêu biểu ấy, tuy mang thương tật trên mình nhưng đã biết vượt lên trong lao động sáng tạo, năng động cải thiện đời sống gia đình, góp sức xây dựng, làm giàu cho quê hương, đất nước. Không ít những thân nhân LS đã vượt qua mất mát đau thương, vượt qua tuổi cao, sức yếu, phát huy truyền thống cách mạng, nêu gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo. Có nhiều con, em của NCC đã thành đạt trong học tập, nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và các hoạt động xã hội… Họ xứng đáng được tôn vinh, trân trọng, là tấm gương sáng cho cộng đồng và xã hội noi theo.
DÂN THƯỜNG