Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Giữa chênh vênh cuộc sống, hai con người khiếm khuyết đến với nhau bằng tình cảm chân thành và tình yêu mãnh liệt. Anh Dương Văn Đạo và chị Võ Thị Kim, ở ấp 6, xã An Linh, huyện Phú Giáo sống nương vào nhau với những gì còn lành lặn trên cơ thể. Hai mảnh ghép cuộc đời, 2 con người bất hạnh đan chặt vào nhau tạo thành một khối yêu thương đong đầy. Tình yêu của họ đã chứng minh rằng, mọi khiếm khuyết sẽ trở nên hoàn hảo nếu ta có tình yêu, tinh thần lạc quan và ý chí vượt khó.
Gia đình hạnh phúc của anh Dương Văn Đạo, chị Võ Thị Kim
Tình yêu không khuyết tật
Cái tin anh Dương Văn Đạo (Đạo khờ) ở ấp 6 được xã An Linh giới thiệu đi học nghề may ở Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật (NKT) tỉnh làm cho bà con trong xã lấy làm mừng. Bởi lẽ, từ khi sinh ra “Đạo khờ” không chỉ bị bệnh thiểu năng trí tuệ mà còn bị liệt cánh tay phải. Tính tình hiền lành, ai kêu gì làm nấy mà không đòi hỏi tiền công nên anh Đạo được bà con thương yêu. Nhà nghèo, không việc làm ổn định, những lúc rảnh rỗi, anh Đạo lân la ở các quán xá rồi sinh tật. Nhiều lần gia đình phải lên công an xin được bảo lãnh nhưng “Đạo khờ” vẫn bị đám thanh niên xấu ở làng khác rủ rê. Ngày anh chia tay bà con, hàng xóm về TP.Thủ Dầu Một học nghề, anh khóc nức nở như một đứa trẻ và nói trong tiếng nấc: “Tui đi học nghề về nhà may đồ cho bà con”.
Như một lời hứa, anh Đạo lên Trung tâm Dạy nghề NKT tỉnh với mong muốn học nghề để có thể tự nuôi sống bản thân. Tuy bị thiểu năng nhưng anh Đạo rất siêng học. Ở trung tâm ngoài việc học nghề, anh còn tích cực tham gia lớp xóa mù chữ, học văn hóa, học kỹ năng sống. Thích học nên anh thường cậy nhờ chị Kim ở lớp in lụa chỉ bài thêm. Chị Võ Thị Kim, quê ở phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên bị bệnh bại liệt, người chỉ có da bọc xương, 2 chân kiễng niễng không thể xỏ nổi đôi dép. Mỗi khi đi chị Kim phải oằn mình, lê từng bước một bằng 5 đầu ngón chân. Có khi chị “lết” trúng miểng chai làm tứa máu để lại một đường thẳng trên mặt đường. Thấy anh Đạo chậm hiểu mà vẫn thích học, thích đọc, chị Kim cảm thương và giúp đỡ anh nhiều hơn. Chị giúp anh đọc chữ, học cách ghi nhớ và ngược lại anh cũng giúp chị trong việc đi lại cũng như đến chỗ học tại trung tâm.
Tình yêu nảy sinh từ những điều đơn giản, chẳng biết từ khi nào, anh Đạo ghét những miểng chai hay vật sắc nhọn vô tình vương trên mặt đường. Anh âm thầm quét dọn các lối đi, cặm cụi nhặt từng mảnh vỡ, viên đá nhọn trong đêm khuya với lý do: “Kim nó mà lết trúng thì tội cho nó”. Có lần chị Kim đến chỗ học, không may bị lết phải miểng sành, kéo rạch một đường dài trên mu bàn chân trái. Chị Kim ngã nhào xuống mặt đường, anh bất lực nhìn chị trong đau đớn.
Ngày trôi qua, chị Kim tốt nghiệp ra trường, anh Đạo thổ lộ với chị bên hàng cây dầu cổ thụ dẫn vào Trung tâm Dạy nghề: “Em là kim, anh nguyện là chỉ để ta “xe chỉ luồn kim”, sớm tối bầu bạn tri kỷ”. Tình cảm chân thành của anh Đạo đã làm thức tỉnh tâm hồn người phụ nữ bại liệt. Chị lấy lại niềm ham sống với bao dự định cho hạnh phúc tương lai. Phút chốc đôi mắt chị lệ nhòa dưới tán cây dầu rợp bóng, chị nói không thành tiếng: “Hai số phận, 2 con người khuyết tật ghép lại thì cuộc sống càng trở nên khốn khó”. Những số phận cùng cảnh bao giờ cũng dễ đồng cảm, chia sẻ. Chị Kim khóc, anh Đạo cũng khóc, nước mắt họ hòa quyện trong nỗi niềm cảm thông của 2 cảnh NKT .
Có người nói rằng, NKT không điều tiết được cảm xúc khi yêu nhưng trong câu chuyện này tôi cảm nhận được tình yêu trong trắng, mãnh liệt của anh Đạo và chị Kim. Những ngày cuối tuần nghỉ học, anh Đạo lại lọc cọc đạp xe hơn 20 cây số chỉ bằng một cánh tay khỏe mạnh đến thăm chị, anh nói: “Tui đâu dám vô nhà, chỉ đứng đằng xa, thấy Kim là tôi về liền”. Tình yêu của đôi trẻ đã thuyết phục gia đình cho làm đám cưới. Một cuộc hôn nhân không giống ai được diễn ra, sự khuyết tật của anh Đạo và hoàn cảnh bị liệt của chị Kim làm cho mọi người lo ngại và không thể tin họ có thể hạnh phúc. “Thực lòng mà nói, chúng tôi quyết định kết hôn vì muốn dựa vào nhau với những gì còn lành lặn trên hình hài”, chị Kim chia sẻ.
Phía trước là bầu trời
Sau đám cưới, anh chị dắt nhau về xã An Linh, quê anh Đạo để sống. Nhiều người nói ra nói vào: “NKT không nên kết hôn”, cũng có người cảm thông chia sẻ: “Tụi bây tật vầy rồi làm gì để sống”. Nhìn khuôn mặt tự tin, tràn đầy hạnh phúc của cặp vợ chồng trẻ, chúng tôi tin rằng tình yêu luôn là điều kỳ diệu để họ dìu nhau cùng vượt qua nghịch cảnh của cuộc sống.
Hàng ngày, anh Đạo nhận may quần áo của bà con trong xã, chị Kim cuốc đất trồng rau, trồng đậu ở mảnh vườn trước nhà. “Ban đầu cũng khó lắm, tui không thể đi lại trong vườn với những mu đất lởm chởm, tui nghĩ cách dùng nạng nhưng làm sao để cầm cuốc. Vậy là tôi ngồi bệt xuống vườn để cuốc, cuốc đến đâu thì lết đi đến đấy. Lần tôi mang thai đầu tiên được hơn 2 tháng, tôi lết ra vườn cuốc đất trồng rau. Do bất cẩn, tôi lết phải lưỡi liềm kéo rách một phần đùi. Máu trong người tứa ra, tôi nằm sóng soài trên mặt đất. Lần ấy tôi không thể giữ lại giọt máu của mình”. Còn anh Đạo kể: “Khi thằng bé Dương Đạo Kim Chung được hơn một tuổi, nó bò lổm nhổm dưới sàn nhà. Tui mải mê may đồ, thằng bé nghịch ngợm kéo dây cu-roa khi máy đang chạy, hất tung nó xuống bếp cách đó chừng 2m, đầu đập xuống sàn. Nó khóc ré lên, giãy giụa trong cánh tay bại liệt của tôi, tôi cũng gào lên rồi kêu hàng xóm đưa con đến bệnh viện cấp cứu. Thời gian ấy vợ chồng tôi sống mà như chết, tôi không còn tâm trí để may đồ, ráp ống quần vào tay áo. Hơn 3 tháng nằm viện, tôi tưởng thằng bé không sống nổi, ấy vậy mà ơn trời…”.
Chúng tôi cuốn hút vào câu chuyện kể của đôi vợ chồng khuyết tật về sự cố gắng vượt qua thương tật trong sinh hoạt hàng ngày. Cứ thế, từ năm này đến tháng nọ, anh Đạo, chị Kim vẫn tự vươn lên bằng những gì còn lành lặn. Bất kỳ ai đến thăm đều cảm phục trước 2 số phận, 2 con người khuyết tật rất thực và rất đời thường. Hiện nay, ngoài phần tiền trợ cấp hàng tháng của Nhà nước, anh Đạo còn làm thêm nghề đánh trống đám ma. Anh Đạo mong muốn được chính quyền hỗ trợ nuôi bò trong Dự án sinh kế, hỗ trợ nuôi bò sinh sản để có thêm đồng vô đồng ra, nuôi 2 con đang tuổi ăn tuổi lớn.
Chia sẻ với chúng tôi về trường hợp của gia đình anh Đạo, chị Nguyễn Thị Cúc, cán bộ thương binh - xã hội xã An Linh, cho biết: “Xã đang hoàn chỉnh hồ sơ, đề nghị Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Giáo xin được cấp bò sinh sản cho gia đình anh Đạo”.
Cuộc sống giống như một bản nhạc với những thanh âm trầm bổng, dù ta đang ở nốt nhạc nào trên đường đời, ta có quyền lựa chọn thái độ sống. Sống vui vẻ lạc quan, an yên đó là cách mà anh Đạo, chị Kim đã lựa chọn dù thực tế cuộc sống vẫn còn thiếu trước hụt sau. Câu chuyện tình yêu của hai mảnh ghép cuộc đời bắt nguồn từ nỗi đau tột độ của những NKT. Chính vì vậy mà nó trở nên tươi đẹp hơn.q
KIM HÀ