| 25-10-2018 | 08:06:38

Hiệu quả từ các giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 2.754,7 ha đất trồng trọt các loài cây nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), tăng 78,5% so với năm 2015. Các ngành chức năng đã và đang tích cực phối hợp nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển mô hình trồng trọt CNC theo đúng định hướng của tỉnh.


 Công nhân chăm sóc vườn cam theo mô hình công nghệ cao của một trang trại ở xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: TIỂU MY

 

 Nhiều mô hình hiệu quả

Thời gian qua, sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đã góp phần tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh. Cơ cấu nông nghiệp của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị và hiệu quả cao; tổng giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp tăng bình quân 4%/ năm, với giá trị sản phẩm bình quân sản xuất nông nghiệp cuối năm 2017 đạt 95 triệu đồng/ha/ năm. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay trong toàn tỉnh đã quy hoạch và triển khai xây dựng 4 khu nông nghiệp CNC với tổng diện tích 979,71 ha; các khu CNC đang đi vào hoạt động với tổng vốn đã đầu tư trên 782,24 tỷ đồng.

Những năm qua, việc ứng dụng CNC trong sản xuất đã được nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh áp dụng rộng rãi, chủ yếu là các loại cây trồng có giá trị như rau, nấm, cây ăn trái, cây dược liệu, hoa lan, cây cảnh... nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư thâm canh, thiết kế hệ thống tưới phun tự động, nhỏ giọt, trồng cây theo phương pháp thủy canh, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), xử lý ra hoa trái vụ… nhằm đem lại năng suất, chất lượng sản phẩm cao hơn.

Tại Khu nông nghiệp CNC An Thái (huyện Phú Giáo) hiện đã triển khai trồng trọt 408,9/411,75 ha với 3 loại cây trồng chủ yếu là chuối, cây có múi và dưa lưới; doanh thu dưa lưới đạt 3 tỷ đồng/ha/năm, chuối già hương 400 triệu đồng/ha/năm… Tại đây, chủ đầu tư đã thực hiện mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà lưới kín: Lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt và phương pháp sản xuất theo quy trình thủy canh; năng suất bình quân từ 35 - 40 tấn/ha/vụ, lợi nhuận khoảng 800 triệu đồng/ha/năm. Đối với mô hình trồng chuối ứng dụng CNC, khu nông nghiệp này thực hiện trồng từ cây giống nuôi cấy mô, chăm sóc theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, có lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước và tự động hóa một số khâu trong thu hoạch nên sản phẩm đạt chất lượng an toàn thực phẩm. Riêng sản phẩm chuối già hương tại đây được trồng phổ biến với năng suất 50 - 60 tấn/ha.

Hiện các sản phẩm của Khu nông nghiệp CNC An Thái được xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE, Malaysia. Ngoài ra, chủ đầu tư khu này còn ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các siêu thị Saigon Coop, Big C, Aeon, Lotte...

Tại các huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo, TX.Tân Uyên cũng đã áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào trong sản xuất nông nghiệp như lắp đặt hệ thống tưới tự động kết hợp biện pháp phủ bạt xử lý ra hoa trái vụ cho trái cây có múi. Năng suất bình quân của các nhà vườn này đạt từ 30 - 40 tấn/ha, doanh thu từ 300 - 500 triệu đồng/năm...

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tỷ lệ sử dụng giống mới các loại cây trồng, vật nuôi chính của tỉnh đạt từ 80 - 100%, năng suất tăng từ 5 - 10%/năm, chất lượng nông sản ngày càng nâng cao. Hiện nay, 100% diện tích đất canh tác cây lâu năm trên địa bàn tỉnh được cơ giới hóa trong khâu làm đất, trên 65% trang trại chăn nuôi được nuôi theo quy trình ứng dụng CNC, mang lại năng suất và giá trị cao so với sản xuất nông nghiệp truyền thống. Trong khi đó, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh đã được triển khai có hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 56 phương án trồng trọt với tổng diện tích trên 300ha được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Tỉnh còn hỗ trợ 44 trang trại cấp giấy chứng nhận VietGAP, với tổng số tiền trên 1,6 tỷ đồng.

Các chuyên gia cho biết khó khăn nhất hiện nay trong sản xuất nông nghiệp CNC là các dịch vụ nông nghiệp, vật tư nông nghiệp phục vụ cho nông nghiệp CNC chưa được sản xuất tại chỗ, còn phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài nên giá thành cao. Do đó, việc ứng dụng khoa học - công nghệ mới, công nghệ kỹ thuật cao trong lĩnh vực trồng trọt chưa được phát triển rộng rãi.

Một vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến các trang trại nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay là thị trường tiêu thụ. Ghi nhận cho thấy hiện quy mô sản xuất của nhiều trang trại chưa đủ lớn nên không bảo đảm hợp đồng tiêu thụ ổn định, cộng thêm với việc trồng trọt ngoài quy hoạch của ngành chức năng cũng khiến đầu ra của sản phẩm nông nghiệp CNC gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trái cây có múi.

Để giải quyết những khó khăn nói trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Sở Công thương làm việc với UBND các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên và các doanh nghiệp phân phối (siêu thị Co.op mart I Bình Dương, siêu thị Lotte Bình Dương, siêu thị Aeon Citimart) gặp gỡ các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã nông sản có nhu cầu hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trái cây có múi. Sở Công thương cũng đã làm việc với Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh về việc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp ký hợp đồng ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm với các nhà phân phối, tạo điều kiện cho các sản phẩm nông nghiệp CNC vào các siêu thị, trung tâm thương mại được thuận lợi...

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công thương, trong thời gian tới 2 đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Lãnh đạo các sở cũng khuyến cáo tình trạng đầu tư mang tính bộc phát, dễ xảy ra tình trạng cung vượt cầu sẽ gây thiệt hại lớn cho người sản xuất... Nhiều chuyên gia cho rằng các vùng sản xuất nguyên liệu, sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với chế biến đang từng bước hình thành và phát triển trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên tiến độ vẫn còn chậm so với yêu cầu. Bên cạnh đó, công tác bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch tuy có nhiều tiến bộ tích cực nhưng so với yêu cầu phát triển hiện nay vẫn còn khoảng cách khá xa.

 TIỂU MY

Chia sẻ