| 21-09-2019 | 05:38:45

Hiệu quả từ chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực

 Ngay từ những ngày đầu “mở cửa”, Bình Dương đã thực hiện chính sách thu hút, mời gọi nhân tài về tỉnh làm việc. Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh nói chung. Riêng với ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), từ chủ trương đúng đắn này, ngành đã thu hút nhiều cán bộ, giảng viên có học hàm, học vị, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho tỉnh và khu vực.

 Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương (bìa trái) giới thiệu sản phẩm cao đông trùng hạ thảo của trường với đại biểu quốc tế tại Hội nghị WTA 2018

 Chính sách đãi ngộ

Cuối tháng 7 vừa qua, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05/2019, quy định về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương. Nghị quyết này thay cho các nghị quyết đã ban hành trước đó. Trong số những đối tượng được thụ hưởng có cán bộ, công chức, viên chức ngành GD-ĐT. Đối với hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, tỉnh có chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học (ĐH) đối với công chức, viên chức các trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; đào tạo trình độ tiến sĩ đối với viên chức trường ĐH Thủ Dầu Một. Tùy theo lớp học tập trung, không tập trung, học trong tỉnh hay ngoài tỉnh mà người học được hỗ trợ học phí, chi phí theo quy định.

Ngoài những đối tượng được đơn vị cử đi đào tạo, bồi dưỡng được hỗ trợ đào tạo, tỉnh còn có chế độ khuyến khích tự đào tạo. Bên cạnh đó tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ đào tạo ở nước ngoài, gồm đào tạo toàn phần ở nước ngoài; hỗ trợ các khoản chi phí cho các khóa đào tạo ở nước ngoài có thời gian học trong nước; các khoản chi phí đối với các lớp đào tạo liên kết với nước ngoài; chế độ hỗ trợ diện học bổng. Trường hợp cô Đặng Nguyễn Mỹ Uyên, giáo viên dạy môn tiếng Anh trường THPT Chuyên Hùng Vương (TP.Thủ Dầu Một) được tỉnh cử đi nghiên cứu sinh ở Hoa Kỳ là một điển hình. Ngoài được tỉnh đóng học phí toàn phần, cô còn được cấp sinh hoạt phí mỗi tháng 1.200 USD. Từ những chính sách đúng đắn, tỉnh ngày càng có thêm nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự nghiệp trồng người.

Thu hút người tài vào trường ĐH Thủ Dầu Một

Cùng với hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng trong nước và nước ngoài, tỉnh còn có chính sách thu hút nguồn nhân lực. Trường ĐH Thủ Dầu Một là một trong những đơn vị được tỉnh thực hiện thu hút người tài. Theo Nghị quyết số 05 của HĐND tỉnh ban hành vào ngày 31-7- 2019, tỉnh áp dụng chính sách về công tác tại trường rất thỏa đáng. Cụ thể, chế độ thu hút giáo sư là 300 triệu đồng, phó giáo sư: 250 triệu đồng, tiến sĩ - giảng viên chính 200 triệu đồng, tiến sĩ 180 triệu đồng. PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng nhà trường chia sẻ, muốn có nguồn nhân lực vừa hồng, vừa chuyên, nhà trường quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ. Trong suốt quá trình phát triển, trường luôn đặt trọng tâm vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, vì đây là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng tiềm lực khoa học và đào tạo, hình thành bộ máy lãnh đạo, các đơn vị chức năng và tổ chức hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Theo đó, trường đã tham mưu tỉnh ban hành chính sách thu hút người có học hàm, học vị như: Tiến sĩ - giảng viên chính, tiến sĩ, thạc sĩ tốt nghiệp từ loại giỏi trở lên; cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh có học vị tiến sĩ, thạc sĩ tốt nghiệp từ loại giỏi trở lên đang công tác ngoài ngành GD-ĐT và có nguyện vọng chuyển về trường ĐH Thủ Dầu Một để làm công tác giảng dạy. Về chế độ ưu đãi, chính sách thu hút, chế độ trợ cấp thu hút đối với người ngoài tỉnh, người trong tỉnh, tùy từng học hàm, học vị có chính sách thu hút khác nhau. Tùy theo nhu cầu, hàng năm trường xây dựng danh mục, ngành nghề, học hàm học vị cần thu hút trình UBND tỉnh xem xét giải quyết.

Trong 10 năm qua, trường ĐH Thủ Dầu Một đã thu hút tuyển dụng hơn 300 cán bộ, giáo viên, trong đó có 5 phó giáo sư, 44 tiến sĩ, 240 thạc sĩ với kinh phí gần 30 tỷ đồng. Đến nay đội ngũ của trường đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Sắp tới, nhà trường tiếp tục thực hiện chính sách thu hút đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu có trình độ cao theo trọng điểm một số vị trí và ngành nghề cần thiết. Một trong số những thầy cô đầu quân về trường theo chính sách thu hút của tỉnh là tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương, hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm của trường. Từ khi về trường vào năm 2012, cô đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của trường, trung tâm do cô làm giám đốc là đầu mối chuyển giao công nghệ của trường cho các doanh nghiệp.

 Từ chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, chỉ riêng năm học 2018-2019 ngành đã cử 4.795 công chức, viên chức, nhân viên tham gia các lớp, các khóa, các trình độ đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời tổ chức các lớp bồi dưỡng thường xuyên cán bộ quản lý, giáo viên. Tính đến nay, tỷ lệ giáo viên đạt trình độ đào tạo từ chuẩn trở lên là 99,9%, trong đó trên chuẩn là 74,4%.

 HỒNG THÁI

Chia sẻ