| 14-06-2018 | 08:45:33

Hiệu quả từ một mô hình thiết thực

Mô hình “Gần dân, sát dân” là một trong những mô hình được nhiều địa phương trong tỉnh lựa chọn khi xây dựng các phong trào, mô hình học và làm theo Bác. Mặc dù mới được áp dụng ở huyện Dầu Tiếng nhưng mô hình “Gần dân, sát dân” đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, bước đầu đã mang lại nhiều kết quả quan trọng.


Cán bộ, đảng viên huyện Dầu Tiếng gặp gỡ, thăm hỏi người dân.
Ảnh: Đ.H

Sẻ chia với dân

Thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng đã không ngừng đoàn kết, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng thị trấn sớm trở thành đô thị loại IV. Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ thị trấn còn thường xuyên quan tâm công tác xây dựng Đảng mà trọng tâm là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với đẩy mạnh việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, bên cạnh việc tổ chức quán triệt các nội dung của Chỉ thị 05, Đảng ủy thị trấn đã xây dựng nhiều mô hình học và làm theo Bác như mô hình “Xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu”, “Chính quyền thân thiện” và nhất là mô hình “Gần dân, sát dân”, “Chăm lo cuộc sống người nghèo”. “Chăm lo cuộc sống người nghèo” là một trong những nội dung được thị trấn Dầu Tiếng chọn nhằm cụ thể hóa mô hình “Gần dân, sát dân” của Huyện ủy Dầu Tiếng.

Trao đổi với chúng tôi, bà Vương Thị Thanh Lan, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Dầu Tiếng, cho biết thực hiện mô hình “Gần dân, sát dân”, các cán bộ thị trấn đã gặp gỡ, tiếp xúc với hàng trăm hộ dân, qua đó ghi nhận hàng trăm ý kiến phản ánh, thắc mắc, kiến nghị của người dân. Đa số các ý kiến, kiến nghị của người dân đều được kịp thời giải quyết, chỉ có gần 20 ý kiến được chuyển lên cấp huyện và ngành chức năng giải quyết.

Thông qua các buổi gặp gỡ, tiếp xúc với người dân, Đảng ủy thị trấn đã vận động cán bộ, công chức, các nhà hảo tâm thực hiện các hoạt động chăm lo cho người nghèo trên địa bàn. Thời gian qua đã có 11 hộ nghèo được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng. Ngoài ra, hàng năm Đảng ủy đã vận động các nhà hảo tâm tặng quà tết cho người nghèo, hỗ trợ các gia đình khi hữu sự, bệnh tật cho hàng chục hộ dân. “Đây là những việc làm vô cùng ý nghĩa, được người dân địa phương cảm kích và đề nghị duy trì thường xuyên…”, bà Lan khẳng định, đồng thời cho biết thêm việc học tập và làm theo Bác ở thị trấn Dầu Tiếng thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức được nâng lên; dân chủ cơ sở được mở rộng, tình cảm tương thân, tương ái của người dân địa phương ngày càng được phát huy.

Giải quyết kịp thời kiến nghị của dân

Để triển khai thực hiện sâu rộng, có hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đã xây dựng các phong trào, mô hình, cách làm hay, điển hình như mô hình “Nụ cười tiếp dân” và “Mỗi tuần 1 câu chuyện” của Đảng ủy Công an huyện, “Đền ơn đáp nghĩa” của Đảng ủy xã Thanh Tuyền, “Xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu” của Đảng ủy xã Định Hiệp, xã An Lập, thị trấn Dầu Tiếng…

Đặc biệt, vào cuối tháng 7-2016, Ban Thường vụ Huyện ủy Dầu Tiếng đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện mô hình “Gần dân, sát dân” trên địa bàn huyện. Theo đó, các đồng chí là ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, xã, thị trấn, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND các xã thị trấn đều tham gia thực hiện mô hình. Mỗi tháng, cấp ủy viên, lãnh đạo huyện và các xã, thị trấn tự sắp xếp 1 hoặc 2 ngày đến gặp gỡ tiếp xúc với 1 - 2 hộ gia đình ở địa bàn mình được phân công phụ trách. Những gia đình được chọn gặp gỡ là hộ gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, gia đình cán bộ hưu trí, đảng viên 40 năm tuổi đảng trở lên, gia đình chức sắc tôn giáo, các cụ lớn tuổi có uy tín trong cộng đồng dân cư, gia đình nghèo, cận nghèo… Bên cạnh đó, một số đồng chí cán bộ lãnh đạo khi đến gặp gỡ, thăm hỏi các gia đình còn chuẩn bị các phần quà (mỗi phần trị giá từ 200.000 - 1.000.000 đồng) tặng cho hộ nghèo, hộ khó khăn nhằm động viên các gia đình. Một số cán bộ còn vận động nhà hảo tâm hỗ trợ các hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Ông Nguyễn Chí Trung, Bí thư Huyện ủy Dầu Tiếng, cho biết qua hai năm thực hiện mô hình “Gần dân, sát dân” trên địa bàn, huyện Dầu Tiếng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân và bước đầu mang lại nhiều kết quả quan trọng, tác động mạnh mẽ trong việc nâng cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ lãnh đạo, đảng viên từ huyện đến cơ sở. Trong quá trình gặp gỡ, cán bộ đã trực tiếp tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân. Mặt khác, qua các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo, người dân đã tích cực đóng góp ý kiến cho các cấp lãnh đạo.

Việc thực hiện mô hình “Gần dân, sát dân” ở huyện Dầu Tiếng thời gian qua đã tạo mối quan hệ gần gũi, gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc với nhân dân, khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân. Đây không chỉ là dịp để lãnh đạo các cấp tiếp nhận ý kiến, tâm tư, nguyện vọng thiết thực của người dân mà còn là cơ sở giúp cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đề ra được những giải pháp sát hợp với tình hình thực tế, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Qua 2 năm thực hiện mô hình “Gần dân, sát dân” toàn huyện đã có trên 1.700 lượt cán bộ lãnh đạo từ huyện đến cơ sở đến gặp gỡ, thăm hỏi trên 1.100 lượt hộ dân. Qua các cuộc gặp gỡ, cán bộ lãnh đạo các cấp đã tiếp nhận 1.275 ý kiến và đã trả lời làm rõ tại chỗ 1.126 ý kiến của người dân. Đa số các ý kiến tập trung vào lĩnh vực giao thông, thoát nước, hệ thống đèn chiếu sáng, chế độ chính sách… Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các ngành chức năng của huyện xem xét giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của người dân.

 

ĐÌNH HẬU

Chia sẻ