Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Vay thì dễ, nhưng trả không dễ, vì lãi suất rất cao, gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng. Khi không có điều kiện thanh toán, “con nợ” bị khủng bố. Thực trạng đó đã và đang diễn ra từng ngày, trở thành nỗi ám ảnh của công nhân lao động (CNLĐ) tại Bình Dương. Các ngành chức năng Bình Dương đang nỗ lực để tìm giải pháp giúp CNLĐ tránh xa “tín dụng đen”.
Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp tổ chức hội thảo ngăn chặn “tín dụng đen” trong doanh nghiệp
Doanh nghiệp đồng hành
Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng nhan nhản các vụ “thanh trừng nhau” do vay “tín dụng đen”. Đối tượng dễ bị dụ vay “nóng” là CNLĐ khó khăn, đang rơi vào hoàn cảnh bí bách. Vay không cần hộ khẩu, không cần thế chấp, không cần chứng minh nguồn thu nhập với thủ tục khá đơn giản, đã khiến cho một số CNLĐ khó khăn sa vào lưới. Lãi suất “cắt cổ”, khi đã vướng vào, họ phải làm việc cả ngày và đêm chắt chiu dành dụm tiền mới mong trả hết nợ.
Vay không có điều kiện trả, không chỉ CNLĐ bị ảnh hưởng mà đối tượng cho vay còn liên hệ trực tiếp đến công ty để đòi nợ. Việc các đối tượng, băng nhóm tín dụng đen gây khó dễ người vay đã khiến cho DN lo ngại mất an toàn.
Anh Hồ Công Thanh, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Vision Vina (TX.Tân Uyên), cho biết do cần vốn để làm ăn hay chi tiêu trong sinh hoạt, đã có một số công nhân phải vay “nóng” từ các nhóm mang danh “tín dụng” với lãi suất cao. Nếu người vay không có khả năng trả lãi và vốn thì các đối tượng này “ra tay” hành hung, đánh đập, gây thương tích. Trước đây, công ty cũng có một số trường hợp công nhân vay nhưng chưa trả được, họ gọi điện thoại đến ban giám đốc, nhân sự để hăm dọa làm mọi người hoang mang.
Trước thực tế đó, nhiều doanh nghiệp (DN) đã chủ động xây dựng quỹ tương trợ CNLĐ tại công ty. Thành lập quỹ để CNLĐ được vay không tính lãi, vừa tháo gỡ khó khăn, vừa giúp họ yên tâm làm việc, gắn bó với DN. Đơn cử như Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam (KCN Đồng An, TX.Dĩ An). Công đoàn phát động CNLĐ đã đóng góp hàng tháng để làm quỹ tương trợ. Như vậy, mỗi tháng CNLĐ đóng vài chục đến vài trăm ngàn đồng vào quỹ, khi cần CNLĐ có thể dễ dàng rút ra, hoặc để cộng dồn lấy lãi. Sau nhiều năm thực hiện, đến nay quỹ tương trợ của công đoàn đang quản lý hơn 2 tỷ đồng. Số tiền này công đoàn công ty có người quản lý và cho CNLĐ vay với lãi suất thấp để trang trải cuộc sống khi cần.
Nhiều DN cũng đã chủ động liên hệ với các ngân hàng cho CNLĐ vay tín chấp. Đơn cử như Công ty TNHH Tiến Triển Việt Nam (TX.Tân Uyên). Công ty đã phối hợp cùng với các quỹ tín dụng quốc doanh, ngân hàng cổ phần, CEP để tìm hiểu thủ tục giúp CNLĐ vay một cách dễ dàng và yên tâm khi sử dụng khoản vay này. Cũng nhờ đó, CNLĐ không còn vướng vào “tín dụng đen”.
Hỗ trợ công nhân vay vốn
“Tín dụng đen” là hoạt động vi phạm pháp luật, kém nhân văn, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn đẩy người vay vào cảnh khốn cùng. Trước thực tế đó, mới đây, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã phối hợp tổ chức hội thảo ngăn chặn “tín dụng đen” trong DN. Tại đây, các đại biểu đã cùng tìm tiếng nói chung giữa các DN, công đoàn và các ngân hàng, quỹ tín dụng quốc doanh, tổ chức tài chính vi mô TNHH MTV cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP)… để có thể tìm ra các giải pháp giúp CNLĐ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi.
Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết đẩy lùi “tín dụng đen” trong CNLĐ, sắp tới LĐLĐ tỉnh ra mắt Quỹ Hỗ trợ đoàn viên công đoàn, CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Kinh phí xây dựng quỹ từ tổ chức công đoàn, ngân sách Nhà nước và nguồn vận động xã hội hóa; đối tượng được thụ hưởng từ quỹ là đoàn viên công đoàn, CNLĐ mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động có mức thương tật nặng. Với những đoàn viên công đoàn, CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn theo các tiêu chí cụ thể sẽ được hỗ trợ với mức tối đa, lên đến 10 triệu đồng/người. Đây là một trong số những nội dung cơ bản của đề án “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn tỉnh trong tình hình mới” đã được Tỉnh ủy phê duyệt.
Về phía CEP cùng với công đoàn đẩy lùi tình trạng tín dụng đen trong CNLĐ, CEP đã triển khai sản phẩm hỗ trợ vay vốn với thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi cho CNLĐ. Với nguồn vốn vay từ CEP, CNLĐ được vay trả hàng tháng, lãi suất bình quân 0,5 - 0,65%/tháng với mức vay tối đa là 30 triệu đồng. CNLĐ khi cần vay liên hệ với công đoàn công ty để được bảo lãnh và thực hiện các bước theo quy định. Thủ tục nhanh chóng chỉ cần vài ngày CNLĐ đã được giải ngân để lo công việc gia đình.
Thống kê của Công an tỉnh cho biết trên địa bàn tỉnh hiện nay có 3 công ty hoạt động với danh nghĩa là công ty tư vấn tài chính, trên 400 cơ sở kinh doanh cầm đồ có biểu hiện cho vay, 300 đối tượng hoạt động cho vay đơn lẻ và 10 băng nhóm hoạt động cho vay, đòi nợ thuê.
Qua con số thống kê cho thấy, có nhiều tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi đang hoạt động ở Bình Dương. Đó cũng là nguy cơ tiềm ẩn những hệ lụy của tín dụng đen. Thời gian tới, ngành chức năng cần phải ngăn chặn và bài trừ triệt để, nhằm bảo đảm cuộc sống yên bình, hạnh phúc cho công nhân nói riêng, người dân trong tỉnh nói chung.
THIÊN LÝ