| 10-03-2023 | 05:39:56

Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu

Do sụt giảm các đơn hàng xuất khẩu cộng thêm xu hướng giảm của giá hàng hóa đã khiến hoạt động thương mại của tỉnh có xu hướng chậm lại trong những tháng đầu năm 2023. Điều này đòi hỏi các ngành chức năng, doanh nghiệp (DN) nỗ lực hơn để hoàn thành mục tiêu năm 2023.

 Các DN gỗ Bình Dương nỗ lực tìm kiếm cơ hội xuất khẩu thông qua việc tham gia Hội chợ VIFA EXPO lần thứ 14

 “Giải mã” thách thức

Tháng 2, kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh tăng 42,7% so với tháng 1 và tăng 25,7% so với cùng kỳ. Song lũy kế 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu giảm 18,7% so với cùng kỳ. Trên thực tế, hoạt động xuất khẩu đã trở lại bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, nhưng trị giá xuất khẩu vẫn giảm là do tình trạng thiếu đơn hàng từ trước đó.

Trong bối cảnh thị trường bị thu hẹp, đơn hàng sụt giảm, nhiều DN ngành gỗ đã nỗ lực làm mới mình, tìm thêm thị trường, bảo đảm duy trì hoạt động. Ông Huỳnh Thanh Vạn, Chủ tịch HĐQT Công ty Sfurniture (khu công nghiệp Nam Tân Uyên) chia sẻ, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thị trường gỗ toàn cầu sụt giảm sâu, ảnh hưởng rất lớn đến các DN ngành gỗ. Để trụ vững, công ty đã có sự chuyển hướng tập trung vào phân khúc cao cấp để bán ở thị trường Mỹ, Canada. Tuy giảm số lượng sản phẩm nhưng doanh thu vẫn tăng. Sản xuất sản phẩm chất lượng cao, công ty ký được hợp đồng lâu dài, góp phần xây dựng thương hiệu.

Hiện nay DN ngành gỗ thường xuyên tham dự các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài, mở ra nhiều cơ hội, kết nối được nhiều đơn hàng. Mới đây nhất, các DN ngành gỗ đã tham gia Hội chợ VIFA EXPO lần thứ 14. Sự kiện nhằm tạo điều kiện cho các DN ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ mở rộng thị trường xuất khẩu, khôi phục sản xuất, tiếp cận thêm các đối tác tiềm năng. Hội chợ được diễn ra trong 4 ngày, với chủ đề: “Khám phá tinh hoa đồ gỗ và mỹ nghệ Việt Nam”, các DN đem đến các sản phẩm mới, đa dạng về mẫu mã và thiết kế.

Theo ông Cao Văn Đồng, thành viên Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, bên cạnh nâng cao chất lượng DN cũng tái cấu trúc mô hình hoạt động của mình. Việc xuất khẩu các mặt hàng gỗ yêu cầu rất cao, nguyên liệu phải có nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là những khách hàng lớn ở những nước phát triển. Nhập khẩu trực tiếp nguyên liệu gỗ để cung ứng cho các nhà sản xuất là hướng đi và cũng là cơ hội tái cấu trúc trong tình hình khó khăn.

Theo Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương, hiện chỉ có 72% DN có đơn hàng đến hết quý I-2023, số còn lại đang cạn dần, một số DN chỉ sản xuất cầm chừng hoặc cắt giảm công suất. Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương, cho biết: “Hiệp hội đang nỗ lực tìm mọi cách thức nhằm hỗ trợ thêm DN về đơn hàng. Các DN cũng tận dụng thời gian này để cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, mở rộng thị trường xuất khẩu”.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, sở đang xúc tiến tìm đơn hàng các thị trường như Ấn Độ, EU, Trung Quốc, Trung Đông... để đáp ứng nhu cầu sản xuất, xuất khẩu của DN, tạo việc làm cho người lao động. Ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, DN cũng cần có sự chủ động, tích cực trong việc tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác, chú trọng công tác nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu. Phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại xây dựng kế hoạch và tham gia để đón đầu cơ hội từ thị trường, đặc biệt là các thị trường có FTA.

Theo chu kỳ những năm trước, nhập siêu thường đến trong các tháng đầu năm do các DN đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu. Nhưng năm nay với việc thiếu vắng các đơn hàng từ các thị trường chính, tình hình nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đã phần nào có phần trầm xuống. Điều này cũng cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu nhiều khả năng vẫn còn khó khăn trong những tháng tới.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, trước tình hình này, Bộ Công thương đã và đang tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại hàng tháng để cung cấp các thông tin thị trường và tìm giải pháp gỡ khó cho DN xuất nhập khẩu. Bộ Công thương sẽ tập trung các giải pháp phát triển thị trường, nhất là khu vực Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ Latinh… và các thị trường mới còn nhiều dư địa khai thác. Đồng thời, thúc đẩy đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới như FTA với các nước khối Mercosur (Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay) để đưa FTA này thành động lực khai thác thị trường. Tranh thủ sự hồi phục nhanh của các thị trường khu vực ASEAN và một số nước châu Á để đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, sẽ đánh giá toàn diện các biện pháp mở cửa trở lại của Trung Quốc, tranh thủ cơ hội giao lưu hợp tác giữa hai bên để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

 Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương: Năm 2023 là năm bản lề trong việc thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, trong đó mục tiêu số hóa các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến là một nội dung quan trọng trong chủ trương xây dựng kinh tế số và xã hội số của Bình Dương. Thương mại điện tử là kênh xuất khẩu tốt cho DN trong giai đoạn hiện nay. Đến nay nhiều DN đã quan tâm, đầu tư cho mảng kinh doanh này.

 TIỂU MY - CẨM TÚ

Chia sẻ