Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
(BDO) Còn hơn 1 tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024 sẽ được diễn ra. Bên cạnh các phương pháp ôn tập truyền thống, nhiều học sinh cũng tham khảo thêm một số mẹo để tăng khả năng đạt điểm số cao. Hiện nay, nhiều video chia sẻ cách “lụi trắc nghiệm” đúng 100% trên mạng xã hội đang rất thu hút học sinh. Tuy nhiên, đây là cách học sai lầm và có tác hại về lâu dài.
Học sinh không nên nghe theo những quảng cáo trên mạng xã hội rằng “không cần học, không biết làm bài vẫn “lụi” 100% trúng đáp án”. Ảnh: Chụp màn hình
Đo độ dài đáp án để… khoanh “lụi”
Chỉ cần gõ từ khóa “lụi trắc nghiệm”, công cụ tìm kiếm của các mạng xã hội sẽ hiện ra hàng trăm kết quả với tất cả môn học. Có tài khoản TikTok còn hướng dẫn cách lụi 3 môn Lý, Hóa, Sinh như sau: “đáp án 3 dài, 1 ngắn thì chọn ngắn”, “2 dài, 2 ngắn chọn B”, “4 dài chọn A”, “4 ngắn chọn C”, “2 đáp án cộng lại ra số đẹp thì chọn một trong hai”… Còn môn Địa lý, Lịch sử nếu “bí” cứ khoanh đáp án lần lượt có từ khóa “chính sách” và “nhân dân”.
Thậm chí, trong câu hỏi điền khuyết môn Anh văn còn hướng dẫn học sinh lấy thước đo khoảng cách đáp án trên đề và chỗ trống, nếu chiều dài bằng nhau thì khoanh. Hoặc bấm một hàm xác suất trên máy tính Casio để “lụi” 50 câu trắc nghiệm theo con số ngẫu nhiên...
Từng áp dụng phương pháp trên cho môn Anh văn, N.G.L, học sinh Trường THPT An Mỹ (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), cho hay: “Mình thấy cách này không chắc đúng, hầu như dựa vào độ may mắn chứ không thể kiểm soát được. Sau khi thử xong là mình bỏ luôn, vì nó ảnh hưởng đến bài thi rất nhiều”.
Ngoài ra, nhiều tài khoản mạng xã hội cũng chia sẻ rất nhiều về phương pháp “lụi” trắc nghiệm 7 môn thi của một thầy giáo đang khá rầm rộ trên mạng xã hội. Theo đó, thí sinh bắt buộc làm đúng mỗi môn từ 34 - 40 câu đầu tiên, tiếp theo đếm tổng số lượng các phương án A, B, C và D. Phương án có 5 lần ra trở xuống thì loại, còn lại sẽ chọn theo phương án ít nhất và khoanh tất cả câu tiếp theo phương án đó.
Để làm bài thi tốt cần có sự chuẩn bị, rèn luyện thay vì chỉ chăm chăm học cách “lụi” trắc nghiệm. Ảnh: Chụp màn hình
“Mình thường xuyên gặp các video hướng dẫn “lụi” trắc nghiệm trên TikTok, nhiều khi không cần đọc đề mà vẫn chọn được đáp án. Nhiều người còn khẳng định phương pháp này đúng 100% cho mọi môn, nhưng nếu vậy ai cũng sẽ đều đạt điểm cao? Do đó, mình không dám áp dụng vào bài thi trên lớp”, N.G.L chia sẻ. |
Tác hại lâu dài
Hơn 15 năm kinh nghiệm giảng dạy, tư vấn và luyện thi cho học sinh, thạc sĩ Bùi Văn Công, giáo viên luyện thi trực tuyến tại TP.HCM, nhận định các phương pháp hướng dẫn “lụi” trắc nghiệm trên mạng là không có cơ sở.
“Nếu là một giáo viên có tâm với nghề, không bao giờ để học sinh phải “lụi” đáp án theo những cách nhảm nhí như vậy. Phải xét xem mục đích chính của những tài khoản trên có thực sự muốn giúp học sinh hay muốn “câu views”, “câu like”, thạc sĩ Công cho hay.
Vị này cho biết bản thân soạn rất nhiều đề thi và cũng không thể thống kê chắc chắn số lượng các phương án rõ ràng. “Một môn có hơn chục mã đề khác nhau và sẽ có sự trộn lẫn, thế nên “lụi” theo kiểu câu dài - câu ngắn, đáp án lạ, phương án này chọn ít thì khoanh tất cả theo… là không nên”, thạc sĩ Công cho hay.
Chia sẻ về tác hại của các video “lụi” trắc nghiệm tràn lan trên mạng, thạc sĩ Bùi Văn Công nhấn mạnh: “Những phương pháp này chỉ đáp ứng nhu cầu về tâm lý của thí sinh, về lâu dài sẽ tạo thói quen ỷ lại chỉ quan tâm kết quả mà bỏ đi quá trình. Hệ quả trong tương lai sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình học đại học và việc làm sau này”. |
Cũng là người chuyên luyện thi môn Toán, giáo viên Nguyễn Văn Tây (33 tuổi), Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến (Bình Dương), cho biết không có phương pháp nào hoàn toàn đúng khi “lụi” thi trắc nghiệm.
“Tôi thường dạy học trò làm bài thi môn Toán phải biết phân bổ số lượng câu hỏi và thời gian. Cụ thể, 30 phút đầu phải làm đúng 40 câu có độ dễ tương đối cho mọi thí sinh, điều này cần sự ôn luyện đề nhuần nhuyễn trước kỳ thi. Thời gian còn lại sẽ dành cho 10 câu cuối có độ phân hóa”, thầy Tây cho hay.
Thầy Tây cũng cho biết, ngoài trừ trường hợp thời gian còn quá ít, câu hỏi lại quá khó thì mới xem “lụi” là phương án cuối. Còn chỉ làm được khoảng 20 - 30 câu mà đã muốn “lụi” thì thật sự rất tiếc cho quá trình dài 12 năm học. “Nếu các bạn cứ tin vào các video “lụi” trắc nghiệm trên mạng thì nên dừng lại, thời gian này vẫn kịp để ôn thi. Cần có sự chín chắn và đầu tư nghiêm túc cho thái độ học tập của bản thân”, thầy Tây chia sẻ.
Thượng Hải