| 09-12-2015 | 12:09:24

Hỏi đáp chính sách lao động - việc làm

Hỏi: Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) từ ngày 1-1-2016 tiền lương đóng BHXH bao gồm tiền lương cơ bản + lương phụ cấp. Ở công ty tôi họ trả lương cho người lao động như: Lương cơ bản: 3 triệu đồng; lương phụ cấp công việc: từ 100.000 đến 300.000 đồng (tiền phụ cấp này không cố định mà tùy thuộc vào việc hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng tháng của mỗi cá nhân. Các khoản phụ cấp khác (chuyên cần, cơm ca, xăng, phòng trọ). Như vậy, tiền lương đóng BHXH vẫn là 3 triệu đồng thì có đúng không?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11-11-2015 thì từ ngày 1-1-2016 đến 31- 12-2017, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động. Như vậy, từ ngày 1-1-2016, những khoản phụ cấp lương có ghi trong hợp đồng lao động sẽ được tính đóng BHXH.

Hỏi: Trước đây, em có làm việc tại 1 công ty được hơn 3 năm và đóng bảo hiểm là 3 năm 4 tháng, nhưng em đã xin nghỉ việc vào ngày 1-1-2015 và đã được nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ, em có hỏi về chế độ hưởng BHXH là 1 năm sau mới được nhận (tức là ngày 1-1-2016). Trong khi Nhà nước mới đưa ra quy định mới theo chế độ lãnh tiền BHXH bắt đầu từ ngày 1-1-2016. Vậy cho em hỏi, theo trường hợp của em thì tới ngày 1-1-2016, em có được nhận tiền BHXH theo quy định cũ là 1 năm sau khi nghỉ việc. Và nếu nhận thì em phải chuẩn bị những giấy tờ gì? Thời gian làm thủ tục đến khi được nhận tiền là bao lâu?

Trả lời: Theo quy định tại Luật BHXH năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22-6-2015 thì từ ngày 1-1-2016, sau một năm nghỉ việc, người lao động được quyền nộp đơn xin hưởng BHXH (như quy định hiện hành). Hồ sơ hưởng BHXH gồm có đơn đề nghị hưởng BHXH và sổ BHXH (Điều 109 Luật BHXH năm 2014). Địa điểm nộp hồ sơ: BHXH quận, huyện nơi cư trú. Thời hạn giải quyết BHXH một lần: Trong thời hạn 30 ngày tính đến thời điểm người lao động đủ điều kiện và có yêu cầu hưởng BHXH một lần nộp hồ sơ theo quy định.

Hỏi: Tôi nhập ngũ tháng 11-1972, xuất ngũ tháng 8-1977, chuyển về công tác tại Phòng Giáo dục huyện. Tháng 8-1992, chuyển về trường THPT dân lập, tham gia BHXH từ tháng 1-1998. Tháng 6-2013, nhà trường giải thể, tôi nghỉ việc nhưng không được hưởng chế độ hưu trí do chưa đủ 20 năm đóng BHXH. Xin được hỏi, khoảng thời gian từ tháng 11-1977 đến tháng 8-1992, tôi chưa được thanh toán trợ cấp BHXH 1 lần thì có được cộng dồn để tính hưởng chế độ hưu trí không? Nếu được, tôi có được truy lĩnh lương từ tháng 1-2014 và hưởng trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu không?

Trả lời: Với thời gian công tác và hồ sơ hiện có do bà cung cấp cho cơ quan BHXH thì tại thời điểm tháng 8-1992, bà chuyển công tác từ Phòng Giáo dục huyện đến trường THPT dân lập (không phải cơ quan Nhà nước), không có quyết định thuyên chuyển công tác, nên thời gian công tác trước tháng 9-1992 chưa có cơ sở để tính hưởng BHXH.

Tháng 2-2015, căn cứ quy định tại Nghị định số 153/2013/ NĐ-CP ngày 8-11-2013 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19-4-2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân và hồ sơ đề nghị cộng nối thời gian công tác trong quân đội của bà, BHXH tỉnh đã cộng bổ sung thời gian tham gia quân đội từ tháng 11-1972 đến tháng 4-1977 vào thời gian làm việc từ tháng 1-1998 đến tháng 2-2014, tổng thời gian tính hưởng BHXH là 20 năm 8 tháng. Tháng 4-2015, bà lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ hưu trí, BHXH tỉnh đã giải quyết để bà hưởng chế độ hưu trí kể từ ngày 1-3-2014.

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật BHXH thì người lao động đã đóng BHXH trên 30 năm đối với nam, trên 25 năm đối với nữ, khi nghỉ hưu, ngoài hưởng lương hưu còn được hưởng trợ cấp 1 lần. Bà có thời gian đóng BHXH là 20 năm 8 tháng, không thuộc trường hợp được hưởng trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu.

P.V

Chia sẻ