Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Hỏi: Hiện nay tình trạng trẻ em đi ăn xin trên các tuyến đường đô thị diễn ra rất nhiều. Tôi được biết, những trẻ em này bị người lớn buộc phải thực hiện những công việc nêu trên và có trường hợp cha mẹ của những đứa trẻ đã cho người khác thuê con của mình để đi ăn xin và hàng tháng nhận được số tiền do bên thuê trả. Vậy theo quy định của pháp luật thì những người buộc trẻ em đi ăn xin sẽ bị xử lý như thế nào, hành vi cho thuê con của người làm cha, làm mẹ với chính con mình thì có bị xử phạt không?
Ông LÊ VĂN B. (TX.Thuận An)
Trả lời: Theo Khoản 2 Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 được hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP ngày 22-8-2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì việc “Bắt trẻ em, tập hợp, chứa chấp trẻ em, cho thuê, cho mượn trẻ em để đi lang thang kiếm sống, ăn xin hoặc thực hiện các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi” là hành vi vi phạm quyền trẻ em bị pháp luật cấm.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP ngày 29-10-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, hành vi vi phạm quy định về lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn;
b) Cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn.
Ngoài ra, người nào có hành vi vi phạm trên còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại Khoản 3 Điều này.
Như vậy, đối với hành vi lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi như ép buộc trẻ em đi ăn xin của những cá nhân khác không phải là cha mẹ của trẻ em thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 15 triệu đồng. Trường hợp là cha mẹ của những đứa trẻ đó khi thực hiện việc cho thuê, cho mượn con của mình cho người khác đi ăn xin thì cũng bị áp dụng biện pháp xử phạt trên và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Hỏi: Tôi hiện đang làm bảo vệ cho một công ty trên địa bàn TX.Dĩ An. Vào ngày 20-4 tôi phát hiện một cháu bé khoảng 1 tuần tuổi bị bỏ rơi trước cửa công ty. Trên người cháu có một mảnh giấy ghi tên và ngày sinh của cháu. Tôi đã trình báo lên công an. Công an đã nhanh chóng điều tra và tìm ra cha mẹ của cháu. Theo nguồn tin tôi được biết vì khi sinh ra, cháu đã bị dị tật bẩm sinh và cha mẹ không muốn nuôi nên bỏ cháu trước cổng công ty. Tôi rất bức xúc với hành vi của cha mẹ đứa trẻ. Vậy hành vi bỏ rơi con đẻ của mình của bậc làm cha làm mẹ như trên có bị xử lý gì không?
Ông NGUYỄN DUY C. (TX.Bến Cát)
Trả lời: Điều 69 Luật Hôn nhân - Gia đình 2014 quy định cha mẹ có nghĩa vụ “Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội; trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”.
Căn cứ quy định Khoản 1 Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 được hướng dẫn tại Điều 3 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP ngày 22-8-2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì: “Cha, mẹ bỏ rơi con sau khi sinh, người giám hộ bỏ rơi trẻ em được mình giám hộ” là hành vi vi phạm quyền trẻ em bị pháp luật cấm.
Hành vi bỏ rơi con của cha mẹ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em, mức xử phạt từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; cha mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em không rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Ngoài ra, người có hành vi vi phạm trên còn buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định pháp luật đối với cha, mẹ, người giám hộ có hành vi vi phạm.
Như vậy, đối với hành vi bỏ rơi con sau khi sinh của người cha, mẹ trên có thể bị xử phạt hành chính với mức từ 10 - 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, cha, mẹ, người giám hộ có hành vi vi phạm phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ theo quy định của pháp luật.
SỞ TƯ PHÁP