| 29-07-2024 | 07:56:59

Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Bàu Bàng: Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số toàn diện

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Bàu Bàng đã và đang tích cực triển khai công tác chuyển đổi số (CĐS) toàn diện, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, đưa phong trào phụ nữ ngày càng phát triển.

 Hội LHPN huyện Bàu Bàng đã tổ chức trao máy tính bảng cho cán bộ Hội LHPN huyện, xã, cán bộ đề án

 Tặng máy tính bảng cho cán bộ, hội viên

Những ngày qua khi được Hội LHPN huyện tặng máy tính bảng, chị Đinh Thị Bích Tuyền, Chủ tịch Hội LHPN xã Lai Hưng, rất vui mừng, phấn khởi. Bởi dù ở cơ quan hay ra ngoài công tác, chỉ cần mang theo máy tính bảng đều có thể giúp chị xử lý công việc rất tiện lợi.

“Với đặc điểm nhỏ, gọn, linh hoạt, máy tính bảng có thể thay thế laptop cá nhân hay máy tính để bàn khá cồng kềnh, tôi có thể sử dụng máy tính bảng hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc từ lưu trữ hồ sơ, văn bản, hình ảnh, thông tin liên lạc…”. Không chỉ riêng chị Tuyền, Hội LHPN huyện cũng đã trao máy tính bảng cho Phó Chủ tịch Hội LHPN xã và cán bộ Đề án Đoàn kết tập hợp thanh niên công nhân và lao động trẻ xã để phục vụ công tác.

Thực hiện chủ đề năm 2024 “Tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động hội, vừa qua Hội LHPN huyện Bàu Bàng đã tổ chức trao 19 máy tính bảng cho cán bộ Hội LHPN huyện; chủ tịch, phó chủ tịch và cán bộ đề án thuộc Hội LHPN xã, thị trấn, với tổng số tiền 113,2 triệu đồng (bình quân mỗi máy trị giá 6 triệu đồng). Bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bàu Bàng, cho biết: “Nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ hội trong việc ứng dụng CNTT trong hoạt động hội, việc trang bị máy tính bảng sẽ phục vụ hoạt động công tác hội, giúp nâng cao năng lực cho cán bộ hội trong việc ứng dụng CNTT, giảm tải việc đi lại, thời gian cho việc trực tiếp hướng dẫn hội viên phụ nữ; tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm, giúp giải quyết công việc được nhanh chóng, hiệu quả hơn…”.

Được biết, đây là mô hình mới thiết thực được cán bộ hội các xã, thị trấn đã thống nhất, tự nguyện và tích cực tham gia đóng góp tiết kiệm, với số tiền tiết kiệm mỗi tháng 500.000 đồng. Không chỉ trang bị máy tính bảng cho cán bộ hội, Hội LHPN huyện còn phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ năng sử dụng các thiết bị điện tử thông minh; đồng thời truyền đạt kỹ năng bảo đảm an ninh, cách phòng tránh các vụ tấn công lừa đảo qua mạng, an toàn khi sử dụng các thiết bị điện tử thông minh... cho cán bộ chuyên trách, không chuyên trách cấp huyện, xã, cán bộ đề án; hướng dẫn vận hành “Phòng họp không giấy”, quản lý văn bản, ứng dụng nhắc việc thông minh cho các chị cán bộ hội…

Tăng cường đoàn kết, tập hợp hội viên

Thực hiện công tác CĐS do tỉnh phát động, thời gian qua Hội LHPN huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, hình thức CĐS trong hoạt động hội; đồng thời chỉ đạo hội các xã, thị trấn thành lập, đăng tải các thông tin lên Zalo, Facebook, fanpage để truyền thông tin một cách nhanh nhất, thông báo thông tin, hội họp; lựa chọn đăng tải các chủ trương, văn bản từ Trung ương đến địa phương một cách nhanh nhất.

Đặc biệt, thời gian qua, Hội LHPN huyện đã thực hiện mô hình “CNTT với chuỗi liên kết hoạt động hội” và chọn Hội LHPN xã Cây Trường II làm điểm mô hình với mục đích nhằm nâng cao công tác tập hợp, thu hút hội viên, phụ nữ tham gia sinh hoạt trên không gian mạng. Chị Vũ Thị Thơm, Chủ tịch Hội LHPN xã Cây Trường II, cho biết: “Sau khi triển khai mô hình, cán bộ, hội viên nòng cốt đã đăng ký danh sách phụ trách các nhóm hội viên trong ban chấp hành, chi, tổ theo hình thức xâu chuỗi, liên kết mạng lưới, mắt xích với nhau.

Trong đó, mỗi cán bộ hội là cầu nối nắm chắc và chịu trách nhiệm trước ban chấp hành về con người và nội dung được giao. Sau 1 năm triển khai, thực hiện, đến nay Hội LHPN xã đã tạo được 1 trang fanpage và 32 nhóm Zalo với 715/792 hội viên (đạt 90,2%). Ở mỗi nhóm sẽ có một trưởng nhóm được giao nhiệm vụ phụ trách quản lý và chuyển các tin tuyên truyền, hoạt động của hội, chi hội đến nhóm mình quản lý”.

Bà Phạm Thị Tuyết Nhung cho biết: “Đến thời điểm này, Hội LHPN các xã, thị trấn đã triển khai đồng bộ mô hình này. Trong 6 tháng đầu năm, toàn hội đã thành lập thêm 44 nhóm Zalo, nâng tổng số đến nay được 166 nhóm Zalo với 6.321 chị tham gia… Trong quá trình làm cũng gặp không ít khó khăn, phần nhiều hội viên đều thực hiện tốt mô hình thì vẫn còn một số ít những hội viên lớn tuổi, những người ít tiếp cận với điện thoại thông minh thì chưa tham gia được mô hình. Trong thời gian tới, cán bộ, hội viên sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc giúp đỡ cho các chị tiếp cận mô hình đạt hiệu quả”.

Bên cạnh triển khai mô hình trên, thời gian qua, Hội LHPN huyện Bàu Bàng cũng đã tổ chức các cuộc thi trực tuyến, như cuộc thi tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, thu hút trên 800 hội viên tham gia. Bên cạnh đó, các cơ sở hội cũng đã tích cực triển khai các cuộc thi online như ảnh đẹp gia đình… Song song đó, tại các hội nghị, các báo cáo, hoạt động không còn đọc trên giấy mà được tạo clip để các báo cáo, số liệu, được “mềm hóa” sang hình ảnh, video tạo nên sự đổi mới, không gây nhàm chán cho hội viên.

Mặt khác, hội cũng thực hiện vận động chị em hạn chế việc sử dụng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu xã hội hiện đại. Có thể nói, việc ứng dụng CNTT của Hội LHPN huyện Bàu Bàng đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, đưa phong trào phụ nữ ngày càng phát triển, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của hội trong giai đoạn mới.

 Thực hiện công tác CĐS do tỉnh phát động, thời gian qua, Hội LHPN huyện Bàu Bàng đã chủ động xây dựng kế hoạch, hình thức CĐS trong hoạt động hội; đồng thời chỉ đạo hội các xã, thị trấn thành lập, đăng tải các thông tin lên Zalo, Facebook, fanpage để truyền thông tin một cách nhanh nhất, thông báo thông tin, hội họp; lựa chọn đăng tải các chủ trương, văn bản từ Trung ương đến địa phương một cách nhanh nhất…

 VƯƠNG PHẠM - PHÚ HÀO

Chia sẻ