Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Hai hãng xe Nhật Bản đang trong tiến trình đàm phán sáp nhập, dự kiến hoàn tất vào năm 2026, khi đó lượng bán hàng chỉ sau Toyota và Volkswagen.
Động thái đánh dấu một sự chuyển hướng lịch sử trong ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản, để sẵn sàng đối đầu với mối đe dọa ngày càng lớn từ các nhà sản xuất ôtô điện Trung Quốc đối với các hãng xe truyền thống toàn cầu.
Việc sáp nhập sẽ tạo ra tập đoàn ôtô lớn thứ ba trên thế giới tính theo doanh số, chỉ sau Toyota và Volkswagen.
Đồng thời, sau sáp nhập, Honda và Nissan sẽ có quy mô lớn hơn, cũng như cơ hội chia sẻ nguồn lực trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ Tesla và các đối thủ Trung Quốc, như BYD.
CEO Nissan Makoto Uchida (trái) và Chủ tịch kiêm CEO Honda Toshihiro Mibe tại một buổi họp báo chung ở Tokyo, tháng 3 vừa qua.
Honda, nhà sản xuất ôtô lớn thứ hai Nhật Bản và Nissan, đứng thứ ba về chung một nhà sẽ là sự thay đổi lớn nhất trong ngành ôtô toàn cầu kể từ khi Fiat Chrysler Automobiles và PSA sáp nhập vào năm 2021 để tạo ra Stellantis trong một thương vụ trị giá 52 tỷ USD.
Mitsubishi, hãng xe mà Nissan là cổ đông lớn nhất, cũng đang cân nhắc tham gia và sẽ đưa ra quyết định, muộn nhất cuối tháng 1/2025. Các giám đốc điều hành của cả ba hãng đã tổ chức một cuộc họp báo chung tại Tokyo.
Theo Tổng giám đốc Honda Toshihiro Mibe: "Sự trỗi dậy của các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc và những đối thủ mới đã thay đổi ngành công nghiệp xe hơi", ông nhấn mạnh các xu hướng công nghệ về điện hóa và lái xe tự động.
"Chúng ta phải xây dựng năng lực để cạnh tranh với họ trước năm 2030, nếu không chúng ta sẽ bị vượt qua", Mibe nói.
Honda và Nissan dự kiến doanh thu kết hợp đạt 30 nghìn tỷ yen (191 tỷ USD) và lợi nhuận hoạt động hơn 3 nghìn tỷ yen thông qua việc sáp nhập tiềm năng này.
Hai bên lên kế hoạch hoàn tất đàm phán vào khoảng tháng 6/2025 trước khi thành lập một công ty mẹ vào tháng 8/2026, khi cổ phiếu của cả hai công ty sẽ bị hủy niêm yết.
Honda, với vốn hóa thị trường hơn 40 tỷ USD, lớn gấp 4 lần so với Nissan, sẽ bổ nhiệm phần lớn thành viên hội đồng quản trị của công ty mới.
Việc kết hợp với Mitsubishi sẽ nâng tổng doanh số toàn cầu của nhóm ôtô Nhật Bản này lên hơn 8 triệu xe. Hiện tại, vị trí thứ ba là Hyundai và Kia của Hàn Quốc, với lượng bán 7,34 triệu xe vào 2023.
Tháng 3 vừa qua, hai hãng cho biết đang xem xét hợp tác về phát triển điện khí hóa và phần mềm. Đến tháng 8, cả hai mở rộng sự hợp tác sang Mitsubishi.
Tháng 11, Nissan thông báo kế hoạch cắt giảm 9.000 việc làm và 20% công suất sản xuất toàn cầu sau khi doanh số giảm mạnh ở Trung Quốc và Mỹ.
Honda cũng báo cáo kết quả kinh doanh tệ hơn mong đợi do sụt giảm doanh số tại Trung Quốc, mặc dù mảng kinh doanh xe máy và xe hybrid ổn định đã giúp hãng duy trì nền tảng tài chính tương đối vững chắc.
"Đây không phải là một cuộc giải cứu Nissan", tuy nhiên, Mibe nói thêm rằng sự phục hồi kinh doanh của Nissan là "điều kiện tiên quyết" cho việc sáp nhập.
Giống như các nhà sản xuất ôtô nước ngoài khác, Honda và Nissan đã mất thị phần ở thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc vào tay BYD và các hãng nội địa chuyên sản xuất xe điện và hybrid với phần mềm tiên tiến.
Trong một cuộc họp báo trực tuyến riêng ngày 23/12, Carlos Ghosn, cựu chủ tịch bị truy nã của Nissan, cho biết ông không tin rằng liên minh giữa Honda và Nissan sẽ thành công, vì hai hãng xe không có tính bổ trợ cho nhau.
Hãng ôtô Pháp Renault, cổ đông lớn nhất của Nissan, cho biết sẽ "thảo luận với Nissan và xem xét mọi lựa chọn có thể". Các nguồn tin cho hay Renault cởi mở đối với liên minh giữa Honda và Nissan.
Foxconc - hãng sản xuất điện thoại iPhone và đang tìm cách mở rộng mảng sản xuất xe điện - đã tiếp cận Nissan để đưa ra lời đề nghị nhưng công ty Nhật Bản từ chối, theo nguồn tin từ Reuters.
Theo VNE