Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng.
Thúc đẩy ngoại giao kinh tế tại Lào luôn là một trọng tâm và ngày càng trở thành một trọng tâm quan trọng hơn của Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào, bởi điều này không chỉ giúp tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại hai nước, mà còn giúp phát triển và củng cố mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.
Đây là khẳng định của Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng trong cuộc trao đổi với phóng viên tại Vientiane.
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng nêu rõ hoạt động ngoại giao kinh tế tại Lào tập trung vào thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư. Hiện đầu tư của Việt Nam ở Lào đang trên đà phát triển và tiếp tục đạt được những thành công lớn, trong khi thương mại tuy còn rất khiêm tốn so với tiềm năng và mong muốn của chính phủ hai nước, nhưng cũng đang tiếp tục phát triển.
Theo Đại sứ Nguyễn Bá Hùng, trong những năm qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã tiến hành rất nhiều công việc để thúc đẩy ngoại giao kinh tế, trước hết là công tác nghiên cứu, nắm bắt tình hình thị trường sở tại, môi trường đầu tư để có thể làm tốt vai trò tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đại sứ quán cũng chú trọng công tác bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư muốn thiết lập quan hệ thương mại với Lào, phối hợp cùng Thương vụ Việt Nam tại Lào để tư vấn thông tin, tư vấn về những chế độ, chính sách, quy định của Chính phủ Lào liên quan đến những lĩnh vực các doanh nghiệp và doanh nhân quan tâm; tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các cơ quan ở trong nước tổ chức các hội chợ thương mại tại Lào.
Đại sứ quán phối hợp với các cơ quan hữu quan của Lào và Việt Nam để tiếp tục nắm bắt, theo dõi, đánh giá kết quả các dự án viện trợ của Chính phủ Việt Nam cho Chính phủ Lào, theo hướng đảm bảo chất lượng ngày càng cao và có tính bền vững hơn; tiếp tục triển khai, phối hợp với Lào để thực hiện các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Ngoài ra, Đại sứ quán cũng thường xuyên nắm bắt tình hình của các doanh nghiệp để có những biện pháp hỗ trợ và tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, các cuộc trao đổi để thông tin những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là các chủ trương, đường lối, chính sách, những quy định mới để giúp các doanh nghiệp có đánh giá đúng đắn về môi trường đầu tư, tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác Lào.
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng chia sẻ một trong những thành quả ngoại giao kinh tế của Đại sứ quán trong thời gian qua là việc Chính phủ Lào đã ra một chỉ đạo rất quan trọng, theo đó tất cả những vướng mắc mà Đại sứ quán Việt Nam tổng hợp trình lên Chính phủ Lào về các khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam cần phải được xử lý.
Đánh giá về những thuận lợi trong kinh doanh, đầu tư tại Lào, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng cho biết các nhà đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam đang hợp tác và đầu tư tại Lào có rất nhiều thuận lợi cơ bản lâu dài, như hai nước có quan hệ rất tốt đẹp, nhờ đó Chính phủ Lào rất quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi; khoảng cách giữa Việt Nam và Lào rất gần, thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và trao đổi giữa hai bên; thị trường ở Lào còn rất nhiều tiềm năng hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực khai khoáng.
Sau Đại hội Đảng lần thứ XI của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, chính phủ nước này đã thực hiện cải cách kinh tế với quyết tâm mạnh mẽ, nhiều chính sách mới, nhiều quy định mới đã được chính phủ trình quốc hội phê duyệt.
Quốc hội Lào cũng thông qua rất nhiều luật mới nhằm tăng cường tính minh bạch của môi trường đầu tư kinh doanh trong nước và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp Việt Nam; tiếp tục chỉnh sửa những vấn đề còn bất cập để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn, làm cho môi trường đầu tư của Lào ngày càng tốt hơn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam tại Lào cũng có thuận lợi là có quá trình hợp tác đầu tư ở Lào rất lâu dài, nên có kinh nghiệm và sự tự tin hơn trong vấn đề tăng cường đầu tư vào Lào.
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo ở phía Việt Nam.
Đề cập tới những khó khăn trong kinh doanh và đầu tư tại Lào, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng cho rằng môi trường đầu tư ở Lào vẫn chưa thực sự hấp dẫn, nguyên nhân một phần do một số, luât lệ, quy định còn bất cập; việc thực hiện chính sách, quy định ở một số cơ quan công quyền cũng như một số chính quyền địa phương còn thiếu sự nhất quán.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải chịu sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ các doanh nghiệp của các nước khác, điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải tự vươn lên, năng động hơn, hiệu quả hơn.
Về chủ trương của Đại sứ quán trong việc đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế tại Lào, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng cho biết bên cạnh việc thúc đẩy và làm tốt hơn những biện pháp nêu trên, trong thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào sẽ chọn ra một số công việc cần ưu tiên phù hợp với tình hình và bối cảnh nước Lào hiện nay, trước hết tập trung vào các biện pháp hỗ trợ Lào vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển bền vững.
Đại sứ quán cũng sẽ cùng các cơ quan trong nước khuyến nghị tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, khuyến nghị thêm nhiều biện pháp thực chất và hiệu quả hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư vào những dự án lớn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại, xanh, sạch để có sản phẩm xuất khẩu sang Việt Nam, cũng như sang các thị trường khác nhằm giúp kinh tế Lào phát triển bền vững.
Đại sứ quán cũng sẽ nắm bắt tình hình, tập trung tham mưu trong các vấn đề kết nối giữa hai nền kinh tế để thực hiện tốt các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước về những dự án có tầm chiến lược lớn, từ các dự án về cơ sở hạ tầng đến các dự án về vận chuyển hàng hóa...
Theo Đại sứ, Lào chắc chắn vẫn là một thị trường quan trọng đối với Việt Nam, ở Lào cơ hội vẫn còn nhiều và thách thức dần dần sẽ được khắc phục. Đại sứ quán sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp để thực hiện tốt hơn công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước và quan hệ Việt-Lào./.
Theo TTXVN