Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Kỳ 1: Tạo động lực phát triển
Trong những năm qua, Bình Dương đã vận dụng sáng tạo, hiệu quả các chủ trương, chính sách, tập trung huy động và phát huy các nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Đây chính là nền tảng, động lực để thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển.
Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đoạn Mỹ Phước - Bàu Bàng đang được đẩy nhanh tiến độ, kịp thời thông tuyến trong năm 2021
Nền tảng phát triển
Xác định “Giao thông phải đi trước, đón đầu”, Bình Dương đã chú trọng huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông để chuẩn bị nền tảng phát triển kinh tế tỉnh nhà. Đến nay, cùng với các tuyến đường quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn, Mỹ Phước - Bàu Bàng, ĐT741, ĐT743, ĐT746… hệ thống đường chuyên dùng trong các khu công nghiệp (KCN), đô thị, dân cư được đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thu hút đầu tư, góp phần đưa kinh tế Bình Dương ngày càng phát triển.
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn được xem là trục giao thông “xương sống” theo hướng Bắc - Nam của tỉnh, kết nối các KCN, đô thị phía Nam với các KCN, đô thị và vùng nguyên liệu, nông thôn phía Bắc của tỉnh. Tuyến đường đi qua 5 địa phương: Bàu Bàng, Bến Cát, Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An. Đây cũng là tuyến đường cùng lúc đảm nhận các nhiệm vụ giao thông đối nội và đối ngoại. Với quyết tâm đột phá về hạ tầng, vừa là bước đón đầu chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, giảm ùn tắc giao thông, giảm chi phí và thời gian vận chuyển cho doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, Bình Dương đã đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành tuyến đường này để đưa vào sử dụng. Đồng thời góp phần hình thành và thực hiện hiệu quả chủ trương đưa công nghiệp về các huyện phía Bắc của tỉnh.
Là đơn vị chủ đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết: “Năm 2021 Becamex IDC sẽ thông xe toàn tuyến Mỹ Phước -Tân Vạn. Sau khi thông tuyến đường này, các DN tại TX.Bến Cát và huyện Bàu Bàng sẽ giảm được 30% thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa từ nhà máy xuống cầu cảng. Tháng 6-2021, đơn vị sẽ thông xe tuyến đường ĐT743 từ Km 00 đến Km 10+860. Hoàn thiện thủ tục để đấu thầu dự án quốc lộ 13 và dự án cải tạo cảnh quan chống ùn tắc giao thông (OM) trước 30-4-2021. Đây là những tuyến đường xương sống, có ý nghĩa hết sức quan trọng, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà”.
Cùng với các công trình được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa, những năm qua tỉnh đã đầu tư nhiều dự án trọng điểm tiêu biểu từ nguồn vốn ngân sách như đường ĐT744, ĐT745, ĐT747a, 7A, Phạm Ngọc Thạch, Mười Muộn - Tân Thành, đường và cầu Thới An, đường và cầu Thủ Biên, cầu Bạch Đằng… góp phần đồng bộ mạng lưới hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh, tạo kết nối liên vùng, thu hút các nguồn lực đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển chung, đồng thời tạo nên diện mạo khang trang của đô thị. Với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc mời gọi các DN trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh Bình Dương, những năm qua tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Bình Dương luôn nằm trong tốp đầu của cả nước.
Thu hút mạnh đầu tư nước ngoài
Hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh, hiện đại, đồng bộ là điều kiện thuận lợi để DN sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa. Chính vì thế, Bình Dương luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, được cộng đồng DN trong và ngoài nước ưu tiên lựa chọn. Lũy kế đến cuối tháng 2-2021, tỉnh đã thu hút được gần 4.000 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký gần 35,8 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã và đang đóng vai trò động lực, thúc đẩy sự phát triển cả về kinh tế và xã hội của tỉnh. Trong năm 2020, vốn FDI tiếp tục là nguồn vốn bổ sung quan trọng, chiếm hơn 46,9% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, góp phần vào kết quả Bình Dương đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, kế hoạch đã đặt ra, tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội (GRDP) đạt 6,91%, GRDP bình quân đầu người đạt 151 triệu đồng. Đồng thời góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh đúng định hướng với công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo với tỷ trọng tương ứng 66,94% và 21,98%. Các DN có vốn đầu tư nước ngoài đã tham gia và thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Bình Dương thông qua việc chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất, góp phần tạo ra một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như sản xuất, chế biến gỗ, dệt may, da giày, điện tử...
Đến nay, khu vực có vốn FDI đã tạo ra việc làm cho hơn 500.000 lao động, góp phần nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống, đưa mức thu nhập đầu người tăng lên hàng năm. Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, kinh doanh bất động sản đã thay đổi phương thức, nâng cao chất lượng cung cấp hàng hóa, dịch vụ đến cộng đồng, góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng KCN, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, từng bước đưa tỉnh Bình Dương ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng theo hướng văn minh, hiện đại. (còn tiếp)
Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: “Nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghiệp đi kèm với thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, trong thời gian tới Bình Dương tiếp tục nghiên cứu, ban hành chính sách để huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách cho các công trình kết cấu hạ tầng, kỹ thuật, giao thông, nhất là các công trình giao thông đối ngoại quan trọng trong tỉnh theo hướng đồng bộ liên hoàn. Ưu tiên kết nối hợp lý giữa các trục đường tỉnh, đường huyện với hệ thống giao thông quốc gia và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, tập trung trọng tâm vào các công trình có sức lan tỏa, thúc đẩy thu hút đầu tư. Từng bước đầu tư đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng cấp điện, cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh”. Ông Sanan Angubolkul, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Thái Lan: “Sự phát triển năng động của Bình Dương trong thời gian qua được cộng đồng DN Thái Lan quan tâm rất lớn. Qua đó, cho thấy sự năng động, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh và sự quan tâm, hỗ trợ của các sở, ngành đã góp phần đưa Bình Dương trở thành một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút FDI. Năng lực cạnh tranh của tỉnh ngày càng có những bước tiến ngoạn mục, nhất là những kết quả đạt được của Bình Dương trong định hướng xây dựng thành phố thông minh và Vùng đổi mới sáng tạo nhằm nâng tầm về thu hút đầu tư các dự án có giá trị gia tăng cao trong sản xuất”. Ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam: “Tôi hết sức ấn tượng trước sự phát triển năng động của Bình Dương và vui mừng khi các DN Nhật Bản đang hoạt động trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng về số lượng và mở rộng quy mô. Bình Dương có cơ sở hạ tầng được đầu tư hiện đại, đồng bộ. Đây là điều kiện thuận lợi để các DN đến Bình Dương đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục làm cầu nối, thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai quốc gia. Đồng thời, giới thiệu môi trường đầu tư của Bình Dương đến các đối tác Nhật Bản, hỗ trợ Bình Dương triển khai các dự án giao thông trọng điểm mang tính chiến lược trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để thúc đẩy kinh tế Bình Dương phát triển bền vững”. |
PHƯƠNG LÊ