Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Bên cạnh những kết quả đạt được trong đột phá về hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hiện nay hạ tầng giao thông của tỉnh vẫn chưa đáp ứng kịp so với nhu cầu phát triển. Nhằm tháo gỡ một số điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục khởi công nhiều dự án tạo mạch kết nối vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Kỳ 2: Tháo gỡ điểm nghẽn, kết nối liền mạch
Thời gian qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều dự án tạo mạch kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong ảnh: Tuyến đường Mười Muộn - Tân Thành đoạn đi qua thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên đã đưa vào sử dụng
Chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển
Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hiện hệ thống đường bộ của tỉnh đang bị áp lực về bảo đảm giao thông an toàn bởi sự gia tăng lớn lưu lượng phương tiện. Bên cạnh đó, tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng của một số dự án trọng điểm chậm, tình hình ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên địa bàn phía nam của tỉnh. Ngoài ra, việc kết nối hạ tầng giao thông tại các cửa ngõ phía nam của tỉnh để vận chuyển hàng hóa về các cảng sông, cảng biển... còn nhiều bất cập. Đây chính là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức của tỉnh nói chung, các ngành hữu quan nói riêng trong việc định hướng xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông đường bộ trong thời gian tới.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Phát triển công nghệ, Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết: “Hiện nay, lượng vận tải di chuyển hàng ngày qua 2 tuyến đường Quốc lộ 13 và Mỹ Phước - Tân Vạn đến cảng biển rất nhiều. Mỗi năm, Bình Dương xuất khẩu khoảng 7 triệu container hàng hóa, tính bình quân cứ 1 phút là có 14 container đi qua địa bàn tỉnh. Vì vậy, các tuyến đường này thường xuyên bị kẹt xe”. Bình Dương có tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua dài 8,9km (thuộc địa phận TP.Dĩ An), với ga hành khách Dĩ An và ga lập tàu An Bình, nhưng khối lượng chuyên chở hàng hóa, hành khách bằng đường sắt chiếm tỷ trọng thấp so với đường bộ.
Cùng với hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, hệ thống giao thông đường thủy của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, chưa khai thác được hết thế mạnh này. Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, cho biết: “Trên sông Sài Gòn hiện tĩnh không cầu sắt Bình Lợi đã được nâng lên tương ứng sông cấp 3. Mặc dù việc tháo bỏ cầu sắt Lái Thiêu đã tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc vận chuyển hàng hóa so với trước đây, tuy nhiên tĩnh không cầu Bình Triệu cũ chưa tương ứng với sông cấp 3, làm hạn chế tàu lớn vận chuyển hàng hóa ra vào các cảng trên sông Sài Gòn. Đối với hệ thống cảng thủy nội địa trên sông Sài Gòn, các Cảng An Sơn 50 ha, Thế giới nhà 6 ha… tỉnh đã đưa vào hoạt động, đồng thời chuẩn bị đầu tư Cảng An Tây với quy mô 100 ha, Cảng Nguyên Ngọc 10 ha…”. Ông Nguyễn Anh Minh cho biết thêm trên sông Đồng Nai, hiện tĩnh không cầu Ghềnh đã được nâng cao, cùng với việc phá đá ngầm trên sông đoạn qua địa bàn Bình Dương đã được Cục Đường thủy nội địa phía Nam thực hiện trong năm 2017, tạo điều kiện các phương tiện thủy ra vào thuận lợi hơn, nhưng tĩnh không cầu Đồng Nai cũ chưa được nâng cao, làm hạn chế tàu lớn vận chuyển hàng hóa ra vào các cảng trên sông này. Cụ thể, hiện nay hệ thống cảng thủy nội địa của tỉnh hoạt động trên sông Đồng Nai như Cảng Thạnh Phước quy mô 50 ha, đã đưa vào hoạt động giai đoạn 1 (25 ha), nhưng tàu lớn vẫn khó cập cảng. Trong khi tỉnh đang chuẩn bị đầu tư Cảng Thạnh Phước giai đoạn 2 với quy mô 20 ha, Cảng Thái Hòa quy mô 120 ha… Những bất cập trên đã trở thành những điểm nghẽn cho mạng lưới hạ tầng giao thông của Bình Dương, ảnh hưởng đến quá trình di chuyển của các phương tiện, làm hạn chế sự phát triển của hệ thống giao thông nói riêng và sự phát triển kinh tế của tỉnh nói chung.
Khởi công nhiều dự án kết nối liên vùng
Để “tháo gỡ” những điểm nghẽn trên, phát huy được hết những tiềm năng có sẵn, tạo đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế phát triển, Bình Dương đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện trong giai đoạn mới, trong đó chú trọng triển khai khởi công các dự án tạo tính kết nối liên vùng. Cụ thể, về đường bộ, định hướng trước mắt, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các công trình, nhất là các công trình trọng điểm mang tính chiến lược gấp rút hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ông Nguyễn Anh Minh cho biết: “Về định hướng lâu dài, tỉnh tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải, các bộ, ngành liên quan sớm đầu tư các tuyến đường bộ theo quy hoạch của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam qua địa bàn tỉnh như đường vành đai 3 (đoạn từ Mỹ Phước - Tân Vạn đến giáp sông Sài Gòn dài 8,1km), vành đai 4, đường Hồ Chí Minh…”.
Để phát huy tính chủ động, những năm qua Bình Dương luôn chú trọng đầu tư xây dựng các tuyến đường liên tỉnh, tạo liên kết vùng. Vừa qua, lãnh đạo 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác kết nối hạ tầng giao thông trong thời gian tới. Bình Dương và Bình Phước sẽ phối hợp triển khai đầu tư tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, huy động mọi nguồn lực để sớm hoàn thành dự án trong giai đoạn 2021-2025; đề xuất phương án triển khai thực hiện giai đoạn 2021-2030 theo hình thức đối tác công tư (PPP); kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn trong giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt, thời gian tới, tỉnh tập trung triển khai và đầu tư các dự án đã có chủ trương như xây dựng hầm chui tại giao lộ ngã năm Phước Kiến, ngã tư Chợ Đình; Dự án Cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tại Bình Dương; Dự án Tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT743, ĐT746, ĐT747B (Dự án O&M), trong đó ưu tiên đầu tư trước cầu vượt tại các giao lộ trên đường Mỹ Phước- Tân Vạn - Bàu Bàng. Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 từ cầu Vĩnh Bình đến đường Lê Hồng Phong, TP.Thủ Dầu Một. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục chủ động phối hợp với các tỉnh, thành lân cận trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam quy hoạch và triển khai thực hiện các dự án giao thông theo quy hoạch của Trung ương qua địa bàn của tỉnh.
Đối với tuyến đường thủy, tỉnh tiếp tục huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực trong việc đầu tư xây dựng theo quy hoạch và đưa vào hoạt động các cảng, như Cảng An Tây, Nguyên Ngọc… Tỉnh tiếp tục đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải sớm triển khai đầu tư các tuyến đường sắt quy hoạch đi qua địa bàn Bình Dương (Dĩ An - Lộc Ninh, Trảng Bơm - Hòa Hưng, Sài Gòn - Cần Thơ…); hỗ trợ Bình Dương đầu tư tuyến đường sắt từ Khu công nghiệp Bàu Bàng đến Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, nhằm từng bước xây dựng, phát triển vận tải đa phương thức… Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2020-2025, hạ tầng vẫn là yếu tố được Bình Dương coi trọng hàng đầu để duy trì và khai thác tốt nội lực, tạo tiền đề cho phát triển. q
PHƯƠNG LÊ