| 10-05-2023 | 08:36:47

Huyện Bắc Tân Uyên: Thương mại - dịch vụ duy trì đà tăng trưởng

Mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên trong những tháng đầu năm 2023, kinh tế thương mại - dịch vụ (TM-DV) của huyện Bắc Tân Uyên vẫn duy trì đà tăng trưởng. Theo đó, trong quý I tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 1.301 tỷ đồng, tăng 13,92% so với cùng kỳ năm trước.

 Đầu tư phát triển hạ tầng tạo đà cho TM-DV phát triển. Trong ảnh: Chợ Tân Định (xã Tân Định) đã xây dựng xong, chuẩn bị đưa vào hoạt động

 Đa dạng hoạt động

Trở lại huyện Bắc Tân Uyên vào những ngày đầu tháng 5, chúng tôi nhận thấy mạng lưới TM-DV trên địa bàn huyện đang ngày một đa dạng hơn. Sự tham gia của các thành phần kinh tế giúp cung cấp sản phẩm hàng hóa đến tay người tiêu dùng cũng phong phú hơn, đồng thời thu hút, tạo việc làm cho nhiều người lao động, đóng góp tích cực vào ngân sách và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung cho huyện nhà.

Cùng với các chợ truyền thống, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tăng về số lượng, quy mô hoạt động. Nếu như trước đây trên tuyến đường ĐH411, cơ sở kinh doanh khá thưa thớt thì nay các cửa hàng, cửa hiệu và các chi nhánh ngân hàng... mọc lên ngày càng nhiều, hộ kinh doanh cũng dễ dàng trao đổi hàng hóa, người dân có nhiều sự lựa chọn. Chị Nguyễn Thị Lệ, người dân khu phố 2, thị trấn Tân Thành, cho biết: “Địa bàn nông thôn dân cư thưa thớt, trước đây hàng quán không nhiều, bưu điện, ngân hàng ở xa khiến hoạt động mua sắm, giao dịch khó khăn, nhưng hiện nay mọi thứ đều dễ dàng, thuận tiện với người dân”.

Theo ghi nhận, tại thời điểm này mặt hàng tại các chợ truyền thống khá phong phú, song do tình hình kinh tế khó khăn nên sức mua sắm có phần suy giảm. Chị Ngô Thị Hoa, tiểu thương buôn bán tạp hóa tại chợ Đất Cuốc, cho biết: “Cửa hàng duy trì được số lượng khách hàng quen nên nhờ đó vẫn bảo đảm thu nhập. Tuy nhiên, nhìn chung sức mua giảm do công nhân, người lao động thắt chặt chi tiêu”. Tương tự, chị Trần Thị Liên, tiểu thương tại chợ Tân Thành (thị trấn Tân Thành) cũng cho rằng dù là chợ dân sinh nhưng số lượng người đến mua sắm cũng khá khiêm tốn, tiểu thương vẫn duy trì giá cả ổn định phục vụ bà con”.

Hình thức bán lẻ hiện đại cũng đa dạng hơn với hoạt động của các cửa hàng tiện lợi góp phần kích cầu tiêu dùng. Anh Nguyễn Đức Trung, quản lý hệ thống cửa hàng Bách hóa xanh tại khu vực Bắc Tân Uyên, chia sẻ: “4 cửa hàng Bách hóa xanh nằm trên địa bàn huyện luôn bảo đảm đa dạng các mặt hàng, giá cả ổn định. Mỗi tuần cửa hàng đều phối hợp với các nhãn hàng, nhà cung cấp triển khai các chương trình khuyến mại, ưu đãi cho khách khi mua sắm”.

Có thể nhận thấy, để góp phần hoàn thành nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế nói chung, các địa phương trên địa bàn huyện đã nỗ lực vượt khó, triển khai các giải pháp thúc đẩy TM-DV phát triển. Theo ông Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Thành, trong quý I lượng hàng hóa cơ bản phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân, giá cả hàng hóa được niêm yết rõ ràng, không xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá. Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được UBND thị trấn quan tâm chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền nhằm bảo đảm sức khỏe người dân.

Phát triển hạ tầng đồng bộ

Với sự nỗ lực chung của các thành phần kinh tế cùng các giải pháp triển khai nhiệm vụ phát triển ngay từ những tháng đầu năm đã giúp hoạt động TM-DV tại các địa phương tăng trưởng ổn định. Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, buôn bán của người dân huyện nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, huyện đặc biệt chú trọng đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Mới được đầu tư xây dựng, chợ Tân Định nằm trên địa bàn xã Tân Định đến nay đã hoàn thiện khá khang trang. Bà Bùi Thị Thùy Linh, tiểu thương tại chợ Tân Định (cũ) tâm sự: “Được biết chợ mới đã xây xong, tôi và nhiều tiểu thương đang rất háo hức, mong đợi được chuyển sang vì chợ cũ đã xuống cấp, lối vào chợ nhỏ hẹp, khó đi lại gây bất lợi cho hoạt động buôn bán”.

Bà Vũ Thị Kim Phượng, Chủ tịch UBND xã Tân Định, chia sẻ: “Chợ Tân Định mới được xây dựng góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, phát triển hoạt động kinh doanh tại địa phương. Bên cạnh nâng cấp, xây dựng chợ, xã khuyến khích các hộ dân có nhà ở vị trí thuận lợi phát triển kinh doanh dịch vụ. Hiện xã có 40 doanh nghiệp và 175 hộ kinh doanh đang hoạt động, rất thuận lợi để phát triển TM-DV”.

Một điểm nhấn góp phần làm tăng trưởng giá trị TM-DV cho huyện nhà chính là sự tham gia của các doanh nghiệp, cá nhân trong phát triển các mô hình kinh tế du lịch sinh thái nhà vườn. Các trang trại như Sol Retreat, trang trại Lâm Thành Thương (xã Hiếu Liêm), Nguyễn Văn Tiến (xã Tân Định) và những mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm khác... đã, đang và sẽ góp phần làm bức tranh kinh tế TM-DV tại Bắc Tân Uyên khởi sắc hơn.

 Trong tháng 4, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của huyện đạt 497 tỷ đồng, tăng 12,59% so với cùng kỳ. Để đưa hoạt động TM-DV ngày càng đa dạng và phát triển, trở thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế, huyện tiếp tục duy trì và phát triển các loại hình hiện có, đồng thời thu hút các nhà đầu tư xây dựng siêu thị, chợ, các loại hình dịch vụ du lịch, tài chính - tín dụng, ngân hàng, vận tải...

 TIẾN HẠNH  

 

Chia sẻ