Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Thời gian qua, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thu hút sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo nông dân huyện Bàu Bàng và đã đạt được kết quả tốt đẹp. Để sản phẩm OCOP có thị trường tiêu thụ ổn định, địa phương cùng các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh, người dân trên địa bàn đã và đang tích cực phối hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo ra cơ hội mới để phát triển sản phẩm OCOP.
Sản phẩm gạo Song Đàm đạt OCOP 3 sao
Nâng chất sản phẩm nông nghiệp
Năm 2022, anh Đàm Quang Hiệp mở cơ sở lúa gạo Song Đàm tại ấp 5, xã Tân Hưng. Đến nay, sản phẩm gạo Song Đàm đã quen thuộc với người dân xã Tân Hưng và các địa phương lân cận. Anh Hiệp chia sẻ để có đầu ra ổn định, anh đã đầu tư trang thiết bị sản xuất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm gạo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt nhất, không chất bảo quản, bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Năm 2024, sản phẩm gạo Song Đàm được công nhận đạt OCOP 3 sao. Đây là niềm tự hào và là động lực để anh tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu trên thị trường. Hiện mỗi tháng cơ sở của anh Đàm Quang Hiệp đạt doanh thu hơn 300 triệu đồng.
Với diện tích trồng dưa lưới khoảng 16.000m2, Hợp tác xã (HTX) Dưa lưới HTP Green (thị trấn Lai Uyên) là mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị điển hình tại huyện Bàu Bàng. Năm 2023, sản phẩm dưa lưới của HTX được công nhận đạt OCOP 3 sao. Ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc HTX, cho biết Chương trình OCOP là một trong những giải pháp hiệu quả để phát triển sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương. Hiện nay, HTX có 15 nhà lưới, trồng 3 loại dưa lưới gồm dưa lưới xanh, dưa lưới vàng Huỳnh Long và dưa mật trắng; cho thu hoạch 3-3,5 tấn dưa lưới/1.000m2, doanh thu 60- 100 triệu đồng/vụ/1.000m2.
Ông Nguyễn Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết đến nay trên địa bàn huyện có 20 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao. Chương trình OCOP đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Các địa phương trong huyện chú trọng công tác xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm chủ lực của địa phương, trong đó có sản phẩm OCOP.
Cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại xã Trừ Văn Thố góp phần quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại địa phương
Khơi thông thị trường tiêu thụ
Thời gian qua, huyện Bàu Bàng đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở, HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đạt các tiêu chuẩn OCOP; hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ bằng việc tổ chức, tham gia các hội chợ, phiên chợ hàng Việt, kết nối giao thương với các địa phương… Điển hình như vừa qua, Hội Nông dân huyện phối hợp với Phòng Kinh tế và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện ra mắt cửa hàng đầu tiên giới thiệu, bán sản phẩm OCOP của huyện tại xã Trừ Văn Thố.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện, cho hay việc thành lập cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP nhằm tạo đầu mối giao thương giữa nhà sản xuất với khách hàng, từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử, qua đó giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người nông dân. Mô hình này cũng góp phần hình thành các chuỗi giá trị nông sản; quảng bá thương hiệu, tạo cầu nối ổn định giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục phối hợp với các ban, ngành liên quan mở thêm cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc trưng của huyện Bàu Bàng.
TIẾN HẠNH