Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Để bảo đảm phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, thời gian qua huyện Dầu Tiếng có nhiều nỗ lực quản lý hoạt động khai thác khoáng sản hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản đóng vai trò quan trọng, bảo đảm các DN, cá nhân tuân thủ pháp luật, BVMT. Trong ảnh: Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động khai thác cát trên địa bàn huyện Dầu Tiếng
Đưa hoạt động khai thác vào nề nếp
Trên địa bàn huyện Dầu Tiếng hiện có 3 loại tài nguyên khoáng sản được cấp phép khai thác, gồm cát xây dựng, đá xây dựng, sét gạch ngói. Hiện nay, khu vực hồ Dầu Tiếng thuộc địa phận huyện Dầu Tiếng có 6 doanh nghiệp (DN), cá nhân đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản cát, với 6 bến bãi tập kết, kinh doanh cát cùng 28 tàu, ghe. Ngoài ra còn có 1 công ty do UBND tỉnh Tây Ninh cấp phép hoạt động được Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp phép hoạt động bến bãi thuộc địa phận huyện Dầu Tiếng.
Trên địa bàn huyện có Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và May thêu Tân Tiến (xã Minh Hòa) được cấp phép hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản đá xây dựng, trữ lượng cấp phép 220.000m3 nguyên khối/năm. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 7 DN, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản sét gạch ngói, tổng diện tích cấp phép 41,45 ha, trữ lượng cấp phép 3 tỷ 470 triệu m3.
Theo lãnh đạo huyện Dầu Tiếng, các DN được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn đều tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) và khai thác bền vững. Quá trình khai thác khoáng sản các DN có phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về BVMT, cải tạo và phục hồi môi trường, thu gom xử lý nước thải theo quy định. Bên cạnh đó, việc thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, hạn chế phát tán bụi, khí thải tác động xấu đến môi trường xung quanh, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, ký quỹ BVMT đều được các DN chấp hành theo quy định.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Ông Nguyễn Phương Linh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước góp phần chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, đưa hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn đi vào nề nếp, đúng quy định của pháp luật, thời gian qua UBND huyện luôn kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện tốt việc quản lý địa bàn, chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp trên trong việc kiểm tra, giám sát.
Theo lãnh đạo huyện Dầu Tiếng, khai thác khoáng sản không phải là ngành chủ lực của huyện, do đó huyện không đề xuất thêm các khu vực trên địa bàn đưa vào quy hoạch khoáng sản của tỉnh tầm nhìn đến năm 2030. |
Huyện Dầu Tiếng cũng thường xuyên hướng dẫn, yêu cầu các DN, tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản tuân thủ các quy định pháp luật; các phương tiện hoạt động khai thác phải có gắn thiết bị định vị, giám sát hành trình và kết nối về cơ quan quản lý lĩnh vực khoảng sản trên địa bàn (Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Dầu Tiếng - Phước Hòa Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam).
Ông Nguyễn Phương Linh cho biết thêm hiện nay, các DN được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Dầu Tiếng chủ yếu khai thác bằng phương pháp lộ thiên, công nghệ khai thác tương đối đơn giản; vị trí, khu vực được cấp phép nằm trong vùng quy hoạch khoáng sản được UBND tỉnh phê duyệt, ít ảnh hưởng đến cảnh quan, đa dạng sinh học xung quanh khu vực mỏ. Mặt khác, các yêu cầu theo quy định về bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường được nêu đầy đủ trong hồ sơ đánh giá tác động môi trường, thiết kế thi công mỏ khai thác bằng phương pháp lộ thiên trước khi các mỏ đi vào hoạt động khai thác, được chuyên gia phản biện thẩm định trước khi được cấp phép khai thác, hoạt động.
TIẾN HẠNH