Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Nằm ở vị trí giáp ranh giữa TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương, Bảo tàng Fito Museum (hay còn gọi là Bảo tàng Dược học cổ truyền Việt Nam, khu phố Trung, phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An) cổ kính hiện ra giữa sự nhộn nhịp của phố thị. Với kiến trúc cổ, cùng với phòng trưng bày các vị thuốc dân gian, Bảo tàng đã góp phần viết tiếp chuyện nghề y của người Việt xưa.
Không gian cổ kính
Bước qua cánh cửa chính làm bằng các loại gỗ quý để vào bên trong bảo tàng, chúng tôi có cảm giác như đang đứng trong một ngôi nhà cổ của các vua chúa, quan lại ngày xưa với kiến trúc vô cùng độc đáo. Đan xen những nóc nhà cổ là vườn cây với gốc tre, trúc vừa gợi lên vẻ thanh bình, gần gũi vừa ẩn chứa nét cổ kính. Vốn dĩ là người không mấy hiểu biết về kiến trúc cổ nhưng đối với tôi không gian nơi đây thật sự rất ấn tượng. Từ trên cao nhìn xuống những nóc nhà mái ngói xưa hiện lên giữa những tòa nhà cao ốc càng làm cho không gian nơi đây thêm phần độc đáo.
Theo lời giới thiệu bảo tàng được xây dựng trong vòng 20 năm, là một quần thể rộng hơn 2.000m2 gồm các tòa nhà kiến trúc theo phong cách truyền thống Việt Nam. Bảo tàng đưa vào sử dụng từ năm 2016 với quy mô 14 phòng được phân theo từng chủ đề riêng biệt. Các phòng đều dùng những khung nhà gỗ xưa để xây dựng. Nhiều khung nhà có tuổi từ cuối thế kỷ 19 được chủ nhân - ông Lê Khắc Tâm sưu tầm từ các tỉnh phía Bắc và một khung nhà rường nguyên gốc từ Hà Nội chuyển vào. Kiến trúc nhà cổ còn được đan xen bởi những nét văn hóa của người Việt xưa qua những bức điêu khắc, chạm trổ chữ nổi, hình vẽ trên những tấm gỗ quý nguyên khối.
Khách du lịch tham quan bảo tàng
Độc đáo hơn là nơi đây còn lưu giữ lại những bức tranh cẩn xà cừ mô tả về y học cổ truyền trong cuộc sống cộng đồng người Việt với phố Thuốc Bắc, chợ Bến Thành, kinh thành Huế và hồ Gươm đã được ghi vào Guinness Việt Nam... Những bức tranh về nghề y được đặt trang trọng trong bảo tàng, giúp cho những câu chuyện về nghề y trở nên cụ thể, sinh động và rõ ràng hơn cho người xem.
Nơi hội ngộ của những vị thuốc dân gian
Bước chân vào từng phòng trưng bày, chúng tôi được sự hỗ trợ của chị Nguyễn Thị Khánh Minh, cán bộ bảo tàng hướng dẫn tham quan. Khi bước vào từng không gian của bảo tàng, một mùi thơm dịu nhẹ của các loại thuốc Bắc tỏa ra tạo cảm giác thư thái. Theo chia sẻ của chị Minh, ở đây có hơn 3.000 hiện vật quý liên quan đến y học cổ truyền Việt Nam, trong đó có một số dao cầu được mang về từ quê hương của thiền sư Tuệ Tĩnh và đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác.
Cán bộ bảo tàng giới thiệu bài thuốc Minh Mạng Thang nổi tiếng
Trong căn phòng số 1, gần 600 bức tranh cây thuốc vẽ bằng tay được chủ nhân bảo tàng sắp xếp một cách khoa học hiện lên trước mắt người xem một cách đầy ấn tượng. Đây là một phần trong 1.000 bức tranh các cây - con vật làm thuốc của Bảo tàng Fito trong bộ sưu tập tranh dược liệu vẽ tay lớn nhất Việt Nam. Sau đó, chúng tôi tham quan các phòng với tên gọi “Lịch sử dược cổ truyền Việt Nam”; “Mô hình nhà thuốc Đông y”. Tại căn phòng có tên “Thái y viện”, chúng tôi chậm bước để xem kiến trúc, tài liệu và hiện vật liên quan tới nơi chăm sóc sức khỏe cho hoàng cung thời phong kiến ở Việt Nam. Chị Minh còn nhiệt tình dẫn chúng tôi ghé thăm mô hình nhà thuốc Bắc, nhà thuốc Nam, phòng trưng bày 48 phương thuốc tâm đắc và hiệu nghiệm do đại danh y Việt Nam Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sáng tác; 2 phòng trưng bày các tài liệu và hiện vật liên quan đến lịch sử dược cổ truyền ở Việt nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, sự nghiệp và tác phẩm của các danh y 4 nước.
Không chỉ được tham quan để có một cái nhìn cụ thể và biết về những loại thuốc Bắc, thuốc Nam, nơi đây còn giúp người xem tận mắt chứng kiến những đồ vật đã làm nên đời sống của nghề y xưa tại phòng “Bào chế thuốc y học cổ truyền”, phòng “Dụng cụ bào chế”. Đến với vườn thuốc Nam, chúng tôi được tìm hiểu một số cây thuốc, cách chữa bệnh từ những loại cây bắt gặp thường ngày. Đặc biệt, bảo tàng còn có khu vực tái hiện cách ngâm rượu theo phương thức hạ thổ - cách ngâm rượu dân gian truyền thống Việt Nam.
Bảo tàng Fito còn có cả một kho sách Hán - Nôm đồ sộ về y học cổ truyền, trong đó có nhiều sách quý như Nam dược thần hiệu, Y tông tâm tĩnh của Hải Thượng Lãn Ông (28 tập, 66 quyển), được xem là bách khoa toàn thư về y học cổ truyền Việt Nam; phòng trưng bày một số cuốn sách tiêu biểu từ quỹ của thư viện sách cây thuốc thế giới của Bảo tàng Fito. Sách trưng bày tại đây có sách tiếng Anh, Pháp, Đức, Italia, Nga, Nhật và Hán Nôm (chữ Việt cổ)…
Sau một vòng tham quan Bảo tàng Fito, chúng tôi còn được trải nghiệm cách làm thuốc bằng khuôn gỗ truyền thống và theo phương pháp “lắc thúng” độc đáo của Việt nam. Trước cảnh tượng đó, chúng tôi như được đưa về với quá khứ để hiểu hơn về phương pháp chữa bệnh trước đây chỉ được nghe kể hoặc xem trên phim ảnh.
Thêm một địa chỉ tham quan lý thú
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh, cho biết Bảo tàng Fito đã góp phần làm phong phú các điểm du lịch tại Bình Dương. Hiện nay, trung tâm đã giới thiệu, quảng bá trên trang website dulichbinhduong. org.vn để mọi người biết đến. Sắp tới, trung tâm sẽ nghiên cứu quảng bá bảo tàng trên các ấn phẩm du lịch Bình Dương, đồng thời kết nối các đơn vị lữ hành đưa khách đến với bảo tàng cũng như các địa điểm khác tại Bình Dương. |
Dù đến đây với tâm thế là một người không hành nghề y nhưng chúng tôi không cảm thấy xa cách, ngược lại một điều gì đó rất gần gũi giúp chúng tôi hiểu hơn về nghề y học cổ truyền Việt Nam. Đó cũng là mục đích chủ nhân của bảo tàng này mong muốn.
Trở lại câu chuyện xây dựng Bảo tàng Fito chúng tôi được ông Lê Khắc Tâm, chủ nhân bảo tàng, một người làm việc trong ngành dược phẩm mấy chục năm qua chia sẻ: “Ngay từ lúc còn trẻ, yêu nghề và gắn bó với nghề thuốc cổ truyền, tôi đã nhận thấy đây không chỉ là nghề chữa bệnh giúp người mà còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, kiến thức của người Việt về cây thuốc”. Với mong muốn bảo tồn những tài sản quý giá, tôn vinh nền y học cổ truyền Việt Nam, đồng thời giúp những người quan tâm đến lịch sử y học cổ truyền Việt có thể tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu, ông ấp ủ ý tưởng xây dựng một bảo tàng về nghề y cổ truyền này.
Cũng từ ý tưởng đó, ông đã dồn sức đầu tư kinh phí và đến nhiều nơi để sưu tập lập nên bảo tàng y học. Ông khẳng định: “Việc tìm kiếm các hiện vật liên quan y học cổ truyền như “đãi cát tìm vàng” bởi người Việt chưa có truyền thống bảo tồn, lưu trữ y học cổ truyền”. Những nỗ lực, cố gắng của ông cũng đã “đơm hoa kết quả” khi xây dựng, đưa vào sử dụng 2 bảo tàng y học cổ truyền Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương với hàng ngàn hiện vật, đầu sách quý. Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận Bảo tàng Fito tại TP. Hồ Chí Minh là bảo tàng y học cổ truyền đầu tiên của Việt Nam. Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, hai bảo tàng đã được nhiều du khách trong, ngoài nước đến tham quan. Họ đến đây tham quan và để lại những dòng tâm tình ấn tượng về bảo tàng.
Kết thúc buổi tham quan, chúng tôi được thưởng thức miễn phí trà có nguồn gốc thảo dược trong không gian dịu nhẹ của mùi hương thảo mộc lan tỏa, tạo cho khách có cảm giác nhẹ nhàng, thư thái. Trên đường trở về, chúng tôi cứ lưu luyến mãi hình ảnh của Bảo tàng Fito - nơi lưu truyền lịch sử y học cổ truyền Việt Nam.
Thời gian tham quan bảo tàng tại Bình Dương từ 8 giờ đến 17 giờ các ngày trong tuần. Riêng thứ bảy hàng tuần, du khách tham quan còn được chẩn trị miễn phí theo phương pháp Đông y ngay tại bảo tàng. Ngoài ra, du khách còn được tham quan Nhà máy FitoPharma khi có nhu cầu. Tại đây, du khách được tìm hiểu quy trình sản xuất thuốc tạo ra các sản phẩm thuốc Đông dược Fitopharma. |
THIÊN LÝ