| 22-04-2022 | 08:16:58

Khắc phục khó khăn, xuất khẩu tăng trưởng cao

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh trong quý I-2022 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, ước đạt hơn 9 tỷ đô la Mỹ, tăng 9,8%.

 Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty TNHH Đại Hoa (TX.Tân Uyên)

Công nghiệp chế biến, chế tạo giữ ưu thế

Trong quý I-2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp (DN) đã chủ động được nguồn nguyên liệu, thay đổi phương thức tiếp cận, giới thiệu sản phẩm, hoạt động sản xuất công nghiệp từng bước phục hồi, đưa kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh. Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,14% so với cùng kỳ, mở ra những tín hiệu sáng trong bối cảnh nguồn nguyên liệu, khâu vận chuyển găp nhiều khó khăn. Các ngành sản xuất công nghiệp chủ lực đã có số lượng đơn hàng xuất khẩu lớn so với cùng kỳ năm 2022.

Với tư thế sẵn sàng thích ứng sau dịch bệnh, trong 3 tháng đầu năm, ngành dệt may liên tục có những nỗ lực để phục hồi và phát triển. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 703,1 triệu đô la Mỹ, tăng 6,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 8,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Riêng tháng 3-2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 206,9 triệu đô la Mỹ, tăng 2,8% so với tháng trước. Các DN dệt may hiện tại đẩy mạnh liên kết sợi - dệt - may để tăng giá trị gia tăng, linh hoạt trong mô hình kinh doanh. Ngành cũng củng cố năng lực sản xuất, liên tục cập nhật các mô hình mới, hiện đại, đầu tư chiều sâu, tự động hóa để giảm lao động và đầu tư theo hướng sản xuất xanh, sạch. Xây dựng chiến lược tài chính dài hạn cho chu kỳ mới của đầu tư chiều sâu, công nghệ để tạo ra một ngành dệt may tự động hóa.

Ngành giày da được cho là nhiều thuận lợi hơn ngành may mặc khi việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất được triển khai mạnh mẽ hơn trong quý I-2022. Ông Iron, Giám đốc sản xuất Công ty Đại Hoa (TX.Tân Uyên), cho hay để giảm phụ thuộc nhân công, công ty nỗ lực đầu tư các dây chuyền tự động hóa nhằm đáp ứng đơn hàng. Trong quý I-2022, công ty đã nỗ lực để triển khai các đơn hàng lớn và đã đạt được những kết quả tích cực. Theo dự kiến, năm 2022 công ty đạt mức tăng trưởng từ 10 - 15% so với năm 2021. Đến nay, đơn hàng của DN này đã đến quý III-2022. Do tình hình xuất nhập khẩu có nhiều biến động, công ty cũng đàm phán với các khách hàng về giá cả sản phẩm. Riêng vấn đề logistics, dù giá cả tăng nhưng công ty vẫn được cung cấp đầy đủ container để xuất hàng. Về phía công nhân, công ty không tăng ca quá nhiều mà tập trung vào nâng cao năng suất lao động, gìn giữ sức khỏe cho công nhân để đi đường dài cùng sự phát triển của DN.

Với những tín hiệu khả quan và sức bật từ ngành giày da, lũy kế 3 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 491,6 triệu đô la Mỹ, tăng 1,7% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 5,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Riêng tháng 3-2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 150,8 triệu đô la Mỹ, tăng 3,5% so với tháng trước.

Để đáp ứng nguồn nguyên liệu cho sản xuất, các DN cũng tăng cường nhâp khẩu nguồn nguyên liệu dẫn tới kim ngạch nhập khẩu 3 tháng ước đạt 5.974,7 triệu đô la Mỹ tăng 5,7% so với cùng kỳ. Riêng tháng 3-2022 ước đạt 1.985,5 triệu đô la Mỹ tăng 4,2% so với tháng trước. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày chất dẻo nguyên liệu, sắt thép các loại.

Tận dụng các hiệp định thương mại tự do

Theo Sở Công thương, trong quý I, các thị trường xuất khẩu quan trọng như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông có nhiều khởi sắc. Các ngành xuất khẩu chủ lực nỗ lực tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, với ngành dệt may, bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh, cho biết chi phí logistics cần được tháo gỡ, hiện nay chiếm tới 9,3% giá thành sản phẩm dệt may, chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với mức trung bình 5 năm trở lại đây. Bất lợi về tỷ giá khiến dệt may Việt Nam giảm sức cạnh tranh trước các đối thủ, mất cân đối lao động, DN khu vực phía Nam vẫn thiếu lao động, trong khi khu vực này chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Dù thị trường dệt may đang khởi sắc, nhưng nhiều đối thủ của dệt may Việt Nam như Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ… cũng tăng tốc và có nhiều nỗ lực để bù đắp những thiếu hụt về kim ngạch trong năm 2021. Ngành dệt may nỗ lực tận dụng các FTA để mở rộng thị trường.

PGS-TS Phạm Tất Thắng (Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách, Bộ Công thương) nhận định thời gian tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là xuất khẩu sẽ phải đối mặt với tình trạng chi phí sản xuất tăng cao do biến động tăng giá nhiên liệu thế giới. Bên cạnh đó, chi phí logistics vẫn neo ở mức cao từ cuối năm ngoái đến nay tiếp tục làm tăng giá thành cho DN... Vì vậy, ngoài việc khai thác tối đa lợi thế từ các FTA đã ký kết, các DN cần tập trung các giải pháp để quản trị rủi ro, giảm thiểu những tác động từ bên ngoài cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…

 Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương: Bộ Công thương giao các đơn vị chức năng tiếp tục nghiên cứu các biến động thị trường, qua đó xây dựng các kịch bản, tham mưu kịp thời cho Chính phủ trong điều hành hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, xác định các FTA vẫn là đòn bẩy quan trọng cho hoạt động xuất khẩu thời gian tới, Bộ Công thương đang tích cực triển khai tuyên truyền về các lợi thế để DN nắm bắt kịp thời, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

 TIỂU MY - CẨM TÚ

Chia sẻ